edf40wrjww2tblPage:Content
Say sưa theo dõi vì lời bình sâu sắc
Hội thi sôi động ngay từ khâu chuẩn bị. Nếu trước Tết Nguyên đán Ất Mùi chỉ mới có 19 đơn vị trực thuộc Hội LHPN TP.HCM và hơn 20 TS cá nhân gửi hồ sơ đăng ký dự thi, thì ngay sau Tết, con số này tăng vọt từng ngày. Tính đến chiều 1/3, đã có hơn 1.000 TS tham gia. Trong đó, có 58 tập thể với hơn 700 người dự thi, tăng gấp đôi về đội hình lẫn số lượng người tham gia, và con số 300 TS dự thi với tư cách cá nhân đã tăng gấp ba lần so với kỳ thi lần thứ nhất - 2014.
Trong buổi thi sáng 28/2, các TS đến từ 19 đơn vị quận huyện trực thuộc Hội LHPN đã tạo không khí sôi động qua phần trình diễn. Rất nhiều cán bộ, hội viên phụ nữ đã đến sân khấu Ngôi Sao, khu vực tổ chức hội thi từ rất sớm để chuẩn bị trang phục, trang điểm và tranh thủ tập luyện.
Bên cạnh những chương trình dự thi mang tính “cây nhà lá vườn” mộc mạc, giản dị, không ít đơn vị đã có sự đầu tư khá kỹ lưỡng về trang phục, trang điểm, biểu diễn… thu hút sự quan tâm, cổ vũ của khán giả. Phần thuyết minh cho các tiết mục được chăm chút nên khá sâu sắc, gây ấn tượng đẹp về chiếc áo dài gắn với truyền thống dân tộc.
Bà Phan Thị Mai, 67 tuổi, cán bộ hưu trí ở P.15, Q.8, tình cờ ghé hội thi khi tham quan Đầm Sen cùng với gia đình đã ngồi suốt buổi sáng 28/2 để xem cho hết chương trình vì theo bà: “Không rời đi được, không phải chỉ vì mấy cô cán bộ Hội đẹp, biểu diễn dễ thương mà lời bình của mấy đội dự thi về chiếc áo dài “quốc hồn, quốc túy” sâu sắc quá”. Quả thật, so với hội thi năm 2014, lần này, do có kinh nghiệm lẫn thời gian chuẩn bị, các đơn vị đã đầu tư nhiều hơn khi bước lên sân khấu, từ trang phục, hoạt cảnh, nhạc nền cho đến lời giới thiệu về những bộ sưu tập được lựa chọn trình diễn.
Có khá nhiều tiết mục, khách tham quan vừa xem biểu diễn, vừa ngân nga hát theo những câu lý, câu hò như tiết mục ca nhạc kịch Tứ bình của Hội LHPN Q.6. Đây là một tiết mục khá ấn tượng được trình diễn bởi 12 nữ cán bộ Hội, hội viên nòng cốt của quận. Bà Nguyễn Huỳnh Như Oanh - Phó chủ tịch Hội LHPN, người lo khâu “hậu cần” của đội cho biết: “Do tất cả đều kiêm nhiệm công tác, nên các chị chỉ được tập luyện trong vòng bốn buổi trưa. May mắn, chúng tôi được chị Liên Nguyễn, cán bộ Trung tâm Văn hóa Q.6 hỗ trợ ý tưởng, đạo diễn chương trình. Thấy mọi người cổ vũ, chưa nghe kết quả, chúng tôi đã vui rồi”.
Tiết mục Tứ bình cùng với bốn tiết mục của các đơn vị Hội LHPN Q.5, Q.Thủ Đức và Hội Phụ nữ Công an TP.HCM đã được chọn trong 13 đội hình tập thể tiếp tục tranh tài ở vòng chung kết hội thi.
Các thí sinh trong đội hình dự thi của Hội LHPN Q.Thủ Đức
Thí sinh trẻ trung, tự tin
Nếu trong ngày đầu tiên, chương trình đã thu hút hơn 1.000 lượt khán giả đến xem và cổ vũ, thì ngày thi thứ hai, bảng B, bảng thi cá nhân đã thật sự ấn tượng. Ngay từ sáng sớm, cả trăm người đã đến “xí” trước chỗ ngồi xem chương trình. Càng về sau, hội thi càng thu hút sự quan tâm của người tham dự bởi nét duyên của chiếc áo dài được từng cá nhân dự thi biểu diễn luôn được thể hiện rõ ràng, nổi bật hơn. Hội thi “Duyên dáng áo dài” được phát động rộng rãi trong các sở, ngành, trường học; các TS đa phần đều lần đầu bước lên sân khấu nên không khỏi bỡ ngỡ.
Rời sân khấu, mồ hôi còn lấm tấm trên trán, TS Huỳnh Thị Phương Hà (SN 1996), sinh viên năm nhất Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng run run kể: “Em lên sân khấu, nhìn xuống thấy ban giám khảo toàn những người nổi tiếng, em bắt đầu run vì đến lúc ấy em mới biết mình tham gia cuộc thi lớn quá. Hôm các anh chị ở Đoàn Thanh niên P.4, Q.Tân Bình, nơi em sinh hoạt vận động chụp hình mặc áo dài gửi dự thi, em cứ tưởng hội thi nhỏ thôi, nào ngờ…”. Tuy vậy, Hà cho biết em rất vui vì được biểu diễn áo dài trên sân khấu.
Cùng tâm trạng, bà Vũ Thị Xuân Phương, nhà ở Q.1, mẹ của TS Nguyễn Phương Linh (SN 1995), người lựa chọn trang phục, dạy con gái cách trình diễn và tự tay trang điểm cho con dự thi đã chia sẻ cảm xúc: “Từ một năm trước, sau khi xem chương trình truyền hình giới thiệu về hội thi lần đầu tiên, cháu Linh đã xin phép tôi năm nay được dự thi. Tôi thấy đây là một sân chơi lành mạnh, vừa có thể giúp con tôi tự tin, vừa giúp cháu hiểu và gìn giữ nét đẹp truyền thống của phụ nữ Việt Nam qua chiếc áo dài nên ủng hộ con”.
Bà Đặng Hồng Linh - Trưởng phòng Văn hóa gia đình - Sở Văn hóa, thể thao TP.HCM, thành viên ban giám khảo cho biết: “Do lượng TS thi cá nhân quá đông nên đã “gây khó” cho ban giám khảo”. Tuy nhiên, với con mắt nhà nghề, các thành viên ban giám khảo đã sàng lọc rất kỹ.
Nhà thiết kế Sỹ Hoàng nhận định: “Năm nay TS trẻ hơn, tự tin hơn, trong đó nhiều bạn khá sáng tạo khi lựa chọn trang phục, biết chọn họa tiết áo dài phù hợp bằng các loại hoa, các biểu tượng của dân tộc, đặc biệt là thời trang về biển đảo được nhiều bạn lựa chọn trình diễn. Tuy nhiên, một vài chiếc áo đã phá cách thái quá. Một ít bạn khác lựa chọn trang phục không phù hợp tuổi tác, trong khi hình thể đẹp, cách biểu diễn tự tin…”.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích - Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN TP.HCM cho biết: “Hội thi nằm trong khuôn khổ chương trình “Lễ hội Áo dài” năm 2015 do TP.HCM phát động, vừa là dịp để các TS biểu diễn nét duyên dáng, xinh đẹp trong chiếc áo dài, đồng thời, nhằm góp phần gìn giữ, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Ngoài hội thi, để thiết thực hưởng ứng “Lễ hội Áo dài”, Hội LHPN TP đã và đang phát động hội viên, phụ nữ mặc áo dài đi làm trong suốt hai tuần lễ, bắt đầu từ 2/3 đến 13/3/2015... Qua hội thi và các hoạt động của “Lễ hội Áo dài”, chúng tôi mong muốn áo dài sẽ là trang phục mà chị em, phụ nữ đều cảm thấy tự hào và ưu tiên lựa chọn khi dự các lễ hội, sự kiện, các buổi tiệc, lễ với gia đình, bạn bè…”.
Kết thúc ngày thi 1/3, có 21 trong số 300 TS dự thi cá nhân được vào chung kết. Vòng chung kết sẽ diễn ra trong ngày 7/3. Chương trình trao giải, tôn vinh “Duyên dáng áo dài” sẽ diễn ra trong đêm “Lễ hội Áo dài” 8/3/2015 tại Công viên Văn hóa Đầm Sen.
NGHI ANH - VIỆT PHƯƠNG