Bỏ nghề tiếp viên ở Dubai vì… nhớ nhà
Đang là tiếp viên hàng không của hãng hàng không Emirates với mức lương và điều kiện sống bao người mơ ước, Vũ Khánh Ly chuyển hướng trở thành phi công. Bạn bè và người thắc mắc: “Đâu là điểm mấu chốt khiến Ly ra một quyết định táo bạo như vậy?”.
Khánh Ly cho biết, thời gian ở tại Dubai, Ly tập dần cuộc sống tự lập và làm quen với thành phố xa hoa bậc nhất thế giới. Khoảng thời gian làm việc tại "hãng hàng không 5 sao" đã cho Ly những trải nghiệm và bài học cùng niềm tin “năng lực ở đâu sẽ được đặt ở vị trí đó”. Ly mạnh mẽ hơn, tự lập hơn, thế giới quan rộng mở…
Nhưng một mình ở nước ngoài, không người thân bên cạnh, cô gái trẻ phải đối mặt với cảm giác cô đơn quay quắt không điểm dừng. “Có những lần tôi bệnh cũng phải tự chạy xe đến bệnh viện truyền dịch rồi tự chạy xe về nhà" Khánh Ly kể.
|
Vũ Khánh Ly khi còn là tiếp viên hàng không sinh sống và làm việc tại Dubai (ảnh: nhân vật cung cấp) |
Là tiếp viên hàng không, được nhìn ngắm thiên nhiên qua những ô cửa nhỏ, Ly luôn có những cảm xúc hạnh phúc khó tả. "Nếu được ngồi trong buồng lái, nhìn bầu trời với góc cực rộng thì thiên nhiên sẽ hùng vĩ đến mức nào?", Ly từng đặt câu hỏi như vậy, nhưng trong cô chưa từng xuất hiện suy nghĩ làm phi công. Ban đầu, Ly chỉ quyết định dừng công việc ở nước ngoài, trở về nước với hi vọng tìm việc mới cùng mong muốn mãnh liệt là ở gần gia đình và "biết đâu có thể xây dựng gia đình riêng".
Trong thời gian sắp xếp lại cuộc sống và tiếp tục đi bay để chờ đến ngày về nước, Ly tình cờ gặp gỡ và trò chuyện cùng một cơ trưởng người Singapore. Người này đã đưa cho Ly câu hỏi mang tính bước ngoặt: “Có bao giờ em nghĩ mình sẽ vẫn tiếp tục bay, nhưng là với một ví trí và nhiệm vụ khác?”.
Ly nhận thấy, hơn 3 năm xa nhà đã là khoảng thời gian dài, nên cô không muốn xa nhà biền biệt nữa. Cô gái quyết định nộp đơn học phi công để làm việc cho một hãng hàng không Việt Nam.
Thời gian đó, Ly cũng gặp một nữ đồng nghiệp vừa trở thành cơ phó, 2 chị em đã tâm sự, trải lòng thực tế về những được - mất của nghề phi công. Nhờ sự ủng hộ của ba và các anh chị, Ly mạnh dạn với hướng đi mới.
“Nghề phi công đến với tôi đúng vào thời điểm thiên thời - địa lợi - nhân hoà, ngoài sự mong đợi hay kế hoạch, nên để nói điểm mấu chốt thay đổi quyết định thì chỉ có một chữ duyên", Ly chia sẻ
Kết thúc 1,5 năm học lái máy bay tại Mỹ, Khánh Ly chuyển sang chương trình huấn luyện trên máy bay dân dụng ở Singapore và chính thức trở thành phi công của một hãng hàng không trong nước.
Được về Việt Nam sống, được hít thở không khí nhiều cây xanh, xung quanh là tiếng Việt và người Việt, Ly không còn cô đơn. Gia đình Ly đã thật sự vui vì hiểu được cuộc sống thiếu thốn tình cảm của cô khi xa nhà.
Khi con gái út ở Việt Nam, gia đình cảm giác an tâm hơn, dễ dàng quan tâm chăm sóc Ly khi cần. Khánh Ly hay đùa với bạn bè rằng: "Trong công việc mình là “con ghẻ” (vì công việc vất vả, đôi khi quên mình là phụ nữ) vậy thôi chứ về nhà mình là công chúa".
Chú Vũ Văn Lộc, ba của Ly chia sẻ: “Con gái sống một mình ở nước ngoài rất cô đơn và rất tội, nên khi Ly trở về Việt Nam làm việc, tôi và gia đình rất vui vì có cảm giác gần gũi, yên tâm”.
|
Hiện Khánh Ly là cơ phó của một hãng hàng không trong nước (ảnh: nhân vật cung cấp) |
Hạnh phúc vì đã không từ bỏ
Nhìn lại chặng đường gần 4 năm từ khi có ý định học phi công đến hôm nay, Khánh Ly luôn tự hào vì chưa bao giờ bỏ cuộc, tự hào vì vượt qua được những điều mà bản thân từng tưởng chừng không thể.
Đã có thời điểm gặp quá nhiều khó khăn về tinh thần, Khánh Ly từng nghĩ: “Không biết mình lựa chọn con đường này có đúng không?”, “Tại sao mình cứ loay hoay một mình với bao áp lực như vậy?”, “Tương lai sau này như thế nào?”… Nhưng mỗi khi vượt qua, Ly lại hạnh phúc và cảm ơn chính mình vì đã không dừng lại.
Ly khoe, bây giờ chỉ cần 20 phút đi xe là Ly có thể gặp anh chị và các cháu; 30-45 phút là gặp được bạn bè, đồng nghiệp; 2 giờ là có thể gặp ba và các anh chị ở quê nhà Đồng Nai.
|
Sự hỗ trợ về tinh thần của gia đình trong mọi giai đoạn, mọi quyết định, đã giúp Ly vững vàng vượt khó (ảnh: nhân vật cung cấp) |
Ngoài những kiến thức chuyên môn trong vận hành tàu bay, một phi công còn cần phải cập nhật thường xuyên những quy định khai thác đường bay của từng khu vực vào từng thời điểm khác nhau, học hỏi không dừng. "Thế cho nên nghề phải học suốt đời là có thật”, Ly cười. Đó cũng là phong cách sống năng động, không ngừng khám phá nội lực và giới hạn của bản thân của Khánh Ly.
Ở tuổi 30, nữ cơ phó hài lòng với bản thân của thì hiện tại. Cô tự hào vì sự tiến bộ, ít nhất là trong thế giới quan và nhận thức riêng về bản thân, đồng thời cũng hạnh phúc và tự hào về mình trong quá khứ. Phải qua những thời điểm “nhút nhát”, “chênh vênh” “nóng như lửa”… như vậy, thì mới có một Ly của hiện tại, biết hài lòng, biết sống đơn giản và chú trọng những giá trị cốt lõi.
Thời gian gần đây, hạnh phúc của Ly dần "gom lại" khi cô được thoải mái tận hưởng không gian cá nhân, sự yên bình, chỉ gặp gỡ những người mình muốn, được làm việc trong một môi trường tốt và cởi mở, đồng nghiệp quan tâm lẫn nhau trong công việc, cho nhau cảm giác như trong một gia đình.
Ly nhận ra mọi thứ như những mảnh ghép đang dần khít lại cho bức tranh cuộc sống tuổi 30 đầy đặn, sống động.
Thảo Thanh
Với tôi, hạnh phúc là khi mình hài lòng và thấy đủ | “Everyone chases after happiness, not noticing that happiness is right at their heels” (tạm dịch: Ai cũng chạy theo hạnh phúc mà không để ý rằng, hạnh phúc ở ngay gót chân mình) là câu nói luôn nhắc Ly hiểu hạnh phúc của bản thân (ảnh: Thảo Thanh) |
Mỗi người sẽ có định nghĩa về hạnh phúc khác nhau. Có người hạnh phúc là tài chính, vật chất; người thì là định nghĩa dựa trên sức khoẻ, có sức khoẻ là có hạnh phúc; Người thì hạnh phúc khi đứng ở địa vị, vị trí mong muốn trong xã hội; Người lại chọn gia đình, tình cảm đầy đủ là hạnh phúc. Quan niệm của Ly về hạnh phúc là khi mình hài lòng và thấy đủ. Thời gian hữu hạn, đừng lãng phí để sống cuộc đời của người khác. Trong tương lai gần, dự định của Ly vẫn sẽ là tập trung cho công việc, chăm lo cho sức khoẻ của bản thân và cố gắng sắp xếp kỳ nghỉ phục hồi để nạp năng lượng sau thời gian dài không nghỉ. Về việc tìm được nửa còn lại, Ly nghĩ sẽ để tự nhiên, cuộc đời Ly nhiều lần không theo kế hoạch mà chỉ là theo chữ duyên nên Ly tin hạnh phúc sẽ gõ cửa trong lúc ít mong chờ nhất. Còn niềm hạnh phúc trong công việc, với Ly và tất cả các đồng nghiệp hàng không, hạnh phúc thật sự rất đơn giản. Đó là cất cánh tốt đẹp và hạ cánh an toàn. Có thể với nhiều người, việc di chuyển bằng đường hàng không chỉ đơn giản là bước lên máy bay, ngồi xuống và chợp mắt nghỉ, mở mắt ra là đến nơi. Nhưng để có được điều giản đơn ấy, cần bao sự nỗ lực của mọi bộ phận, từ mặt đất, sân đỗ đến tổ lái. Đó là lý do Ly trân trọng cái bắt tay cuối mỗi hành trình bay của mình. Vũ Khánh Ly |