Từ thường dân bước vào hoàng gia - Bài cuối: Bà hoàng chân trần

19/01/2014 - 18:45

PNO - PN - “Tôi không phải là hoàng hậu. Tôi chỉ là vương phi. Ở Maroc chỉ có quốc vương, không có hoàng hậu”. Bà Lalla Salma đã giải thích như vậy nhưng người dân Maroc vẫn gọi bà là hoàng hậu hoặc trìu mến hơn là “Bà hoàng chân...

edf40wrjww2tblPage:Content

Bước vào hoàng gia

Khi cưới cô gái thị dân Salma Bennani vào ngày 21/3/2002, Quốc vương Mohammed VI đã phá vỡ truyền thống của vương triều Maroc. Lần đầu tiên trong lịch sử, phu nhân của Quốc vương được giới thiệu với thần dân là công chúa. Với danh phận đó, bà Lalla Salma đã mở ra một kỷ nguyên mới, đồng thời đối mặt với thách thức lớn là thể hiện tính hiện đại mà vẫn không xa rời truyền thống - một nhiệm vụ không dễ dàng đối với một thiếu nữ thuộc tầng lớp tiểu tư sản mới 24 tuổi. Tuy nhiên, cái gốc thị dân đã giúp bà gần gũi với người dân và được họ yêu mến ngay từ đầu.

Sinh năm 1978 tại Fes, thành phố lớn thứ ba của Maroc, bà Lalla Salma (tên con gái là Salma Bennani) là con gái út của ông al-Haj Abdel Hamid Bennani, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Fes. Mồ côi mẹ từ lúc lên ba, bà và người chị được cha đưa lên thủ đô Rabat sống với bà nội ở khu phố lao động Akkari. Tốt nghiệp kỹ sư công nghệ thông tin năm 22 tuổi, bà làm việc cho Omnium Nord Africain, một tập đoàn tư nhân hàng đầu Maroc có vốn đầu tư của hoàng gia, được vài tháng thì gặp đức vua. Đó là cuộc gặp gỡ định mệnh tựa như cổ tích.

Tu thuong dan buoc vao hoang gia - Bai cuoi: Ba hoang chan tran

Hoàng hậu Maroc Lalla Salma

Gần dân

Hoàng gia Maroc đã kiểm soát và tính toán kỹ lưỡng về hiệu quả truyền thông những lần xuất hiện trước công chúng của Hoàng hậu Lalla Salma. Sự hiện diện của bà bên cạnh Quốc vương, Thái tử Moulay Hassan (sinh năm 2003) và Công chúa Khadija (sinh năm 2007) làm cho hình ảnh vương triều trở nên gần gũi, ấm áp tình người hơn so với hình ảnh cũ có phần xa cách, mang tính thần thánh của một đấng quân vương.

Thay vì ngụ tại hoàng cung xa cách dân, Quốc vương và Hoàng hậu dọn về tư dinh ở Dar es Salam, một quận giàu có của thủ đô. Lần đầu tiên, người dân có dịp chứng kiến tận mắt hình ảnh Quốc vương hạnh phúc bên cạnh vợ, con. Về phần bà Salma, dù là “mẫu nghi thiên hạ” nhưng bà vẫn giữ nhiều thói quen từ thời con gái. Bà thường tự lái xe đưa Thái tử Hassan về chơi với bà cố. Việc này đã làm không ít người hàng xóm kinh ngạc. Tất cả những người từng gặp đều ca ngợi bà là người thân thiện, nói năng giản dị, không lạnh lùng, xem thường người dân.

Một học giả am hiểu tường tận hoàng gia Maroc nhận xét: “Đâu phải ai cũng làm được điều đó. Phải có những đức tính đặc biệt và khả năng thích ứng phi thường”. Nói cách khác, bà Salma không phải bình hoa di động mà là một phụ nữ độc lập và tự tin, điều mà đa số phụ nữ Maroc hướng tới trong một xã hội đang chuyển mình.

Hiệu ứng truyền thông

Cũng giống như đệ nhất phu nhân các nước, Hoàng hậu Lalla Salma thường xuyên làm từ thiện và trổ tài ngoại giao nhằm nâng cao hình ảnh vương triều Maroc. Tuy nhiên, trong bất cứ lĩnh vực nào bà cũng tạo được sự khác biệt, với dấu ấn riêng của một “bà hoàng hiện đại nhưng giản dị và khiêm tốn” như nhận xét của nhà báo Catherine Tabouis, phụ trách mục nhân vật ở tuần báo Pháp Paris Match.

Bà Salma làm từ thiện có chọn lọc chứ không dàn trải để cầu danh. Bà tập trung sức lực và tiền bạc vào cuộc chiến chống ung thư, một căn bệnh bị coi là “điểm đen” của ngành y tế Maroc, cướp đi mỗi năm 35.000 người, chiếm 7,2% số ca tử vong. Năm 2005, bà thành lập Hội Chống ung thư Lalla Salma, được sự trợ giúp của cố vấn nhà vua và các chuyên gia về bệnh ung thư giỏi nhất.

Tu thuong dan buoc vao hoang gia - Bai cuoi: Ba hoang chan tran

Hoàng hậu Lalla Salma trong một sự kiện về phòng chống ung thư

Công việc từ thiện của bà đạt kết quả lớn nhờ hiệu ứng hình ảnh mà bà là một đạo diễn khôn khéo. Tháng 3/2013, bà cùng Quốc vương Mohammed VI đến bệnh viện hiến máu, phát động chiến dịch hiến máu toàn quốc giúp bệnh nhân ung thư. Những thước phim quay cảnh này được phát trên truyền hình. Tháng 6/2013, bà lại xuất hiện bên cạnh một bé gái rụng hết tóc do hóa trị. Cũng tháng này, bà phân phát thuốc trị ung thư cho trẻ em ở các nước Gabon, Burkina Faso, Bờ Biển Ngà, Senégal và Mali. Những chiến dịch tương tự của bà đã gây ấn tượng mạnh trong và ngoài nước. Năm 2010, bà được nhà ung thư học lừng danh David Khayat trao tặng giải Charte de Paris. Năm 2011, nguyệt san Middle East xuất bản tại London xếp bà vào danh sách “50 nhân vật quyền lực nhất” thế giới Ả rập.

Trong lĩnh vực ngoại giao, bà chịu khó đến Anh và Đức học nghi thức ngoại giao, đồng thời hoàn thiện tiếng Anh và Tây Ban Nha trước khi đại diện Quốc vương Mohammed VI tham gia những sự kiện trọng đại ở Maroc và nước ngoài, tiếp đãi hoặc hội kiến các nguyên thủ quốc gia, từ Nhật hoàng đến Quốc vương Thái Lan hay nữ Tổng thống Argentine. Đáng nói là bà Salma thường được quốc vương hỗ trợ từng chi tiết nhỏ, đích thân ông chọn trang phục cho vợ mỗi khi bà công du nước ngoài, như một quan chức Maroc tiết lộ trên tờ Paris Match năm 2003.

Bí ẩn đời tư

Những tiết lộ mang tính hậu trường rất hiếm. Hoàng gia Maroc rất dị ứng với những thông tin liên quan đến đời tư của hoàng hậu. Bản thân bà Salma cũng không thích bị quấy rầy hay khoe khoang sinh hoạt cá nhân trong cung đình. Nếu trong các chuyến công du nước ngoài, cánh paparazzi có thể săn trộm hình ảnh hoặc đưa tin giật gân về Hoàng hậu Maroc thì cuộc sống hàng ngày của bà ở trong nước là điều bí ẩn đối với công chúng.

Thỉnh thoảng cũng có ngoại lệ khiến hoàng gia Maroc phản ứng dữ dội. Tuần báo Al Jarida Al Oukhra từng nếm mùi cay đắng vào năm 2005 khi tiết lộ thông tin được cho là nhạy cảm, ví dụ như hoàng hậu thích đi chân trần trong hoàng cung hay thích ăn món ra-gu thịt cừu hầm cà rốt. Số báo “đặc biệt” này bán được gấp đôi số lượng hằng ngày nhưng ban biên tập cũng lãnh đủ những cơn sấm sét phẫn nộ của hoàng gia.

Báo chí phương Tây thường so sánh Hoàng hậu Lalla Salma với Hoàng hậu Rania của Jordan. Cả hai đều xinh đẹp, ăn mặc hợp thời trang và luôn thu hút sự chú ý của báo giới. Tuy nhiên, trong khi bà hoàng xứ Jordan nổi bật với cuộc chiến chống mù chữ, đấu tranh cho nữ quyền quy mô toàn cầu, cổ xúy đối thoại Đông-Tây, thích chụp ảnh với những người nổi tiếng như cựu Tổng thống Bill Clinton hay ca sĩ Bono thì bà Salma khiêm tốn hơn, tránh được những phiền toái do truyền thông.

 TRỌNG NGHĨA

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI