edf40wrjww2tblPage:Content
Năm nay 72 tuổi, Hoàng hậu Michiko là người đầu tiên ở Nhật Bản xuất thân từ dân thường trở thành hoàng hậu. Khi đám cưới vương giả này diễn ra vào năm 1959, ông Akihito còn là hoàng thái tử. Ông gặp Michiko Shoda tại một giải quần vợt và nhanh chóng say đắm cô. Là con của một kỹ nghệ gia giàu có, sau lễ cưới, Hoàng hậu Michiko đã phải điều chỉnh cuộc sống theo nếp vương giả nhưng bà vẫn giữ những thói quen khi còn là dân thường. Đích thân bà chăm sóc ba người con là Thái tử Naruhito, Hoàng tử Fumihito và Công chúa Sayako.
Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko
Tự tay nuôi dạy các con
Xưa nay, những đứa con của hoàng gia thường được chăm sóc bởi những người hầu đặc biệt trong sự giám sát chặt chẽ của những thành viên hoàng gia. Hoàng hậu Michiko là người đầu tiên muốn tự tay chăm sóc các con, điều trước nay chưa hề có ở một vị hoàng hậu. Nhiều người trong hoàng gia đã xem đó là điều bất thường, nhưng sau này Hoàng hậu Michiko tiết lộ: “Tôi đã hỏi ý kiến Hoàng thái tử Akihito về mọi chuyện và tôi thật sự biết ơn chồng về những gì ông đã chỉ bảo tôi dựa trên trải nghiệm của ông, để giúp tôi cân bằng giữa đời thường và cuộc sống hoàng gia”.
Có lần, Hoàng hậu Michiko bị khiển trách vì đã vén màn cửa xe, giúp các phóng viên thuận lợi hơn trong việc chụp ảnh vị hoàng tử mới sinh mà bà đang bế. “Làm như thế có thể sẽ khiến hoàng tử bé nhỏ bị cảm lạnh”, người ta đồn là Hoàng thái hậu đã rầy con dâu mình như thế. Nhưng, cũng chính vì những điều bình thường đó mà người dân Nhật hết lòng ngưỡng mộ vị hoàng hậu của mình. Thái độ của Hoàng hậu Michiko trước những lời la rầy của “bề trên” chỉ là im lặng và tiếp tục nuôi dạy các con theo cách của mình. “Hoàng hậu đã vượt qua những thời điểm khó khăn bằng tinh thần kiên trì”, nhà văn chuyên theo dõi chuyện hậu trường của hoàng gia Nhật, Midori Watanabe viết trong một bài báo như thế.
Cuộc sống của Hoàng hậu Michiko thậm chí còn khó khăn hơn khi ông Akihito chính thức lên ngôi Nhật hoàng vào năm 1989. Có lần hoàng hậu bị một cơn đột quỵ dẫn đến mất giọng vào năm 1993. Nhiều người cho rằng chính vì quá tức giận với những bài báo lá cải, chuyên đơm đặt, bịa chuyện mà Hoàng hậu Michiko lâm vào tình trạng đó. May mà sau một thời gian chữa trị, bà đã tìm lại được khả năng phát âm.
Phải nhiều năm sau, người ta mới biết được những gì đã xảy ra với Hoàng hậu Michiko trong hoàng cung. Có nhiều quy định khắt khe đặt ra từ bao thế hệ mà một vị hoàng hậu không thể làm khác. Chẳng hạn, muốn có một chuyến đi đến Tokyo, bà phải xin phép trước 14 ngày; trong bất kỳ lần xuất hiện chính thức nào trước công chúng, bà cũng phải đi sau chồng... ba bước. Hoàng hậu phải thay kimono ba lần mỗi ngày… Bà không có tiền riêng, thậm chí ngay cả việc gọi một cú điện thoại cho người thân hoặc bạn bè cũ, Hoàng hậu Michiko cũng phải xin phép. Ai bảo hoàng hậu của một đất nước giàu có nhất nhì thế giới là sung sướng!
Như một định mệnh, cuộc đời con dâu trưởng của bà, vợ của vị Nhật hoàng tương lai, công nương Masako cũng không phải toàn màu hồng.
Áp lực hiện hữu và vô hình
Masako Owada là con gái của một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, tốt nghiệp Khoa Kinh tế, ĐH Harvard và Khoa Ngoại giao ĐH Oxford trước khi trở thành thái tử phi. Masako Owada cũng từng rơi vào tình trạng trầm uất vì sức ép đối với một vị mẫu nghi thiên hạ tương lai. Thậm chí, Masako có thời gian sa sút tâm lý nghiêm trọng đến mức bà được cho phép miễn trừ mọi nhiệm vụ của một thành viên hoàng gia và không nhất thiết phải có mặt trong mọi sự kiện quan trọng.
Chứng bệnh này được cho là đã đến từ sức ép tâm lý quá khủng khiếp của hoàng gia trong việc chuẩn bị cho Masako trở thành hoàng hậu. Theo lẽ thường, với những gì đã được đào tạo trong lĩnh vực ngoại giao, Masako phải là trợ thủ đắc lực cho Hoàng thái tử Naruhito, nhưng trên thực tế, điều đó chỉ càng gây thêm sức ép cho bà.
Công nương Masako Owada và Thái tử Naruhito trong lễ cưới
Masako từng sống gần như trọn thời niên thiếu ở nước ngoài khi cha bà làm việc tại Moscow và London. Bà chỉ đồng ý kết hôn với Hoàng thái tử Naruhito vào năm 1993, sau hai lần từ chối. Lý do bà đồng ý là vị hôn phu đảm bảo sẽ làm mọi cách để bảo vệ bà trước những luật lệ khắt khe của hoàng gia. Tuy nhiên, thực tế không phải lúc nào cũng như mong muốn, sự khác biệt giữa hai cách sống thường xuyên “làm khó” vị công nương trẻ.
Dù muốn hay không thì một vị hoàng hậu tương lai cũng không thể thoát được sức ép của hoàng gia. Những áp lực đó đã khiến Michiko suy sụp về cả tâm lý lẫn sức khỏe. Hoàng gia Nhật thất vọng vì họ phải chờ đợi quá lâu mà vẫn chưa có được một “hoàng tử bé” để nối vương quyền. Hơn sáu năm sau lễ cưới với Hoàng thái tử Naruhito, Masako có thai, nhưng sau đó không lâu lại là tin không vui - vị hoàng hậu tương lai bị sẩy thai.
Công nương Masako Owada và con gái
Năm 2001, hoàng gia đón mừng tin Masako sinh con đầu tiên, nhưng đó là một bé gái, công chúa Aiko. Theo luật lệ vương triều, cô công chúa nhỏ này sẽ không được phép kế vị ngai vàng. Năm 2003, Masako phải nhập viện và được điều trị lâu dài vì có triệu chứng bất ổn tâm lý.
Không như Hoàng hậu Michiko luôn tuân thủ các luật lệ áp đặt từ hoàng gia, Masako không ít lần tỏ thái độ phản kháng trước những quy định cổ hủ đã kéo dài hàng nghìn năm của hoàng gia Nhật. Đã nhiều lần, không hiểu vì vô tình hay hữu ý, Masako làm trái quy định. Chẳng hạn trong một cuộc họp báo, bà nói nhiều hơn, nói lâu hơn với các nhà báo so với Hoàng thái tử Naruhito. Sau đó, Masako đã bị hoàng gia chỉ trích. Trong lần đến thăm các nạn nhân của vụ động đất ở Kobe năm 1995, bà đã quỳ xuống và ôm hôn những người lớn tuổi để an ủi họ. Một lần nữa, hoàng hậu tương lai của nước Nhật lại bị chỉ trích vì “hành động đó là không xứng đáng với bậc mẫu nghi thiên hạ”. Lý giải của Miko Kodama (ĐH Musashi) ít nhiều góp phần xoa dịu những sự chỉ trích dành cho Masako: “Nhiều người cho rằng Masako là một người ích kỷ và không nghĩ đến thanh danh của hoàng gia, nhưng cần phải hiểu là bà vẫn còn ảnh hưởng của chứng tâm lý bất ổn, đó là điều còn tệ hại hơn bất cứ căn bệnh nào”.
THIỆN NGA