Chúng ta sống trong một thế giới ngập hàng hóa, ai cũng mua thứ gì đó ít nhất một lần trong ngày. Nhưng hẳn nhiều người sẽ phải thừa nhận sự thật này: Rất ít trong số chúng ta biết được con đường đi lắt léo của chúng, từ nơi sản xuất cho tới khi chúng được trao tay bạn.
“Định mệnh” thay đổi đời bạn nằm ở đây! Chỉ cần lần ra được con đường, cộng thêm một chút ham muốn “kiếm thêm thu nhập”, cầm chắc bạn sẽ trở thành người bán hàng trên mạng. Còn bán được nhiều ít phụ thuộc vào cái duyên... rao hàng của bạn.
|
Với sự bùng nổ của công nghệ, việc trở thành một "tiểu thương online" là rất dễ dàng. |
Có nằm mơ, tôi cũng chưa từng nghĩ mình sẽ trở thành người bán hàng online. Dù là rất nhiều gợi ý lẫn “thấy ham” khi cứ mỗi lần mở Facebook, y như rằng sẽ thấy đứa bạn nào đó rao bán từ chiếc iPhone xách tay, chai Chivas miễn thuế, lọ nước hoa chính hãng cho đến cân thịt lợn “cắp nách”, hũ mắm của dì Tư dưới quê hay mẻ khô cá “nhà làm”...
Sau mỗi đợt rao hàng, bạn lại khoe ảnh đi chơi, ăn nhà hàng. Mọi hình ảnh đều phải thật “xứng tầm” với cuộc sống đẳng cấp, biết tiêu dùng và hưởng thụ đúng nơi đúng chỗ, giăng tràn trên Facebook của bạn, hút mắt các “fan” – những người mua hàng tiềm năng.
Chuyện xảy ra vào một ngày đẹp trời, làm thay đổi cuộc đời gã công chức đạo mạo, nói năng nghiêm chỉnh (và dĩ nhiên, luôn phàn nàn về công việc và mức lương) như tôi. Số là chuyến đi về quê đứa bạn cũ hồi đại học ở Đồng Nai.
Khách quý đường xa về chơi, bạn hào hứng gom cho đủ món ngon quê hương vào mâm cơm gia đình, từ khoanh giò lụa giã tay, đĩa chà bông cá tới ly rượu vang cacao thơm nồng.
Hỏi ra tôi mới biết món ngon chỉ loanh quanh người địa phương thưởng thức. Ý tứ hăm he làm người bán hàng nghe chừng đã len lỏi, tôi bèn nhờ bạn “dắt mối” tới tận lò sản xuất đặt vấn đề.
Nhận được những cái gật đầu cổ vũ, tôi bắt đầu tìm đường đưa đặc sản về phố, trao tận tay “khách yêu”... nằm sẵn sờ sờ trong “friends list” hơn cả ngàn người trên Facebook của tôi.
Mở sạp món quê trên mạng được cái lợi là không tốn chi phí thuê mặt bằng hay thuê người trông coi. Một người bạn chuyên “đánh hàng” quần áo, túi xách từ Thái Lan, qua ngả Lào về VN, có doanh số hàng tháng lên xấp xỉ 200 triệu đồng/ tháng, với khách hàng ở khắp miền Bắc.
|
Bán hàng online tuy dễ, nhưng có đắt hàng hay không lại là chuyện không hề đơn giản. |
Bạn khoe bạn mở sạp ngoài chợ Hôm, Hà Nội không nhằm vào khách lẻ, mà chủ yếu có điểm tập kết hàng, từ đây điều động các “shipper” đi giao hàng trong thành phố, gửi cho xe khách giao giùm hoặc cho dịch vụ giao hàng nhanh.
Dấn thân vào thương trường online nghĩa là bạn phải từng bước xây dựng “đế chế” cho riêng mình. Thành công chỉ có thể đến qua sự cộng hưởng của nhiều yếu tố: 1 trang Facebook cá nhân với friends list “chất lượng”, một trang fanpage với ít nhất vài chục ngàn người “theo dõi”, chưa kể một loạt tài khoản bận rộn khác trên Zalo, Instagram hay Twitter.
Các mạng xã hội luôn có sẵn những công cụ quảng cáo với chi phí rất phải chăng, so với quảng cáo trên các kênh truyền thông chính thống.
Thậm chí, nếu khéo tạo những nội dung hút khách, bên cạnh những thông tin giới thiệu sản phẩm, có khi bạn chẳng phải mất đồng bạc quảng cáo nào.
Tay bạn bán quần áo của tôi phán chắc nịch:“Dễ nhất là anh cứ post lên cho em mấy câu chuyện, hình ảnh thật cảm động, chuyện bếp núc, chuyện tình yêu, hôn nhân gia đình cho gần gũi để khách hàng share – like – comment”.
Khách không được nhìn tận mắt, sờ tận tay sản phẩm. Do là hàng bán online, tiền chuyển khoản thì hàng mới gửi đi, hoặc dịch vụ giao hàng sẽ thu tiền giùm.
|
Kinh doanh online tưởng nhẹ nhàng nhưng thực ra cạnh tranh rất khốc liệt. |
Thế nên, hút được khách là một chuyện, chuyện cần hơn là phải tạo được cảm giác an tâm cho khách rằng sản phẩm và dịch vụ của bạn hoàn toàn chất lượng và đáng tin. Nhất là khi bạn không thể mãi nhăm nhe bán hàng...cho người quen.
Chẳng thế mà các “tiểu thương online” một khi đã “ảo” là phải “ảo” cho trót, phải tìm cho ra những khía cạnh hay ho của đời tư (mà phần lớn có bàn tay dàn dựng) để còn... khoe với khách.
Tôi sớm nhận ra trong mắt khách hàng, nhỏ bạn của tôi mang hình ảnh của một bà mẹ “đảm đang, chiều chồng chiều con nhất mực”. Bạn hàng của tôi là nữ nhà báo chỉ xuất hiện ở những nơi đẳng cấp, bên cạnh những nhân vật tầm cỡ và chỉ bán những sản phẩm hảo hạng (nên giá cũng chót vót)...
Nhưng cũng vì là thế giới ảo, để bảo vệ kênh bán hàng của mình, nhất thiết bạn phải trực chiến 24/7 với các đối thủ cạnh tranh bán cùng mặt hàng.
Thường thấy nhất là nhảy vô trang bán hàng của bạn buông vài lời bình luận chê bai sản phẩm. Trắng trợn hơn là để lại những đường link dẫn đến...trang bán hàng của họ. Hoặc “cướp” khách bằng cách “canh me” khách nào để lại lệnh đặt hàng công khai trên trang, là lập tức nhào vô...chat riêng với khách.
Từ lúc “sa chân” vào nghề, tôi nhận ra mình bắt đầu sở hữu một bí mật mang tên lợi nhuận. Ngoài sức mạnh mê hoặc của bí mật cuốn tôi vào hằng hà những con số trong bài toán tối ưu hóa, sao cho chi phí tối thiểu mà lợi nhuận thì... tối đa.
Thành thật mà nói, nó cũng làm tôi thay đổi chút ít trong cách cư xử. Trong cùng một câu hỏi tò mò của người xung quanh, tôi bắt đầu tập những câu trả lời mang tính nói tránh, nói chung chung, bí bức quá thì... nói lảng. Hẳn là họ nhận ra chuyện thật tế nhị.
Vài người bạn của tôi vì nghề phụ bán hàng online thu nhập lớn quá mà đã bỏ hẳn nghề chính. Một số khác cố giữ “chân trong chân ngoài” để cả hai tương hỗ cho nhau. Có người đi đường dài, có người sau vài tháng bỗng “mất duyên” bán hàng.
Tưởng rằng cái gì bạo phát sẽ bạo tàn, nhất là khi gần đây xuất hiện nhiều thông tin tiêu cực trong bán hàng online, nhưng thực tế lại đang cho thấy trăm hoa vẫn cứ đang đua nở.
Tôi hoàn toàn đồng ý với bạn tôi: Thị trường có chỗ cho tất cả, chỉ cần bạn tìm cho ra được vị trí dành cho mình, dù lớn dù nhỏ.
Nhưng hẳn là bạn cũng cần phải chuẩn bị cho những thay đổi quan hệ xã hội mà việc bán buôn này mang lại, khi bỗng một ngày bạn và đứa bạn học ngày xưa bỗng thành người bán – người mua, người ra sức thuyết phục còn người thì... ngại ngần cả nể.
Tùy Phong