Cơ sở mới của Trường THCS Nguyễn Văn Tố khánh thành ngày 1/9/2017, đi vào hoạt động từ năm học 2017-2018 tại P.14, Q.10, TP.HCM. Đây là ngôi trường cấp II được chăm chút về khâu thiết kế, mang dáng dấp khá hiện đại và là ước mơ của nhiều phụ huynh, học sinh.
|
Không gian của tự do tại trường THCS Nguyễn Văn Tố |
Khung trời đại học nơi trường trung học
Ngôi trường thành hình từ ý tưởng của ông Nguyễn Đức Trọng, nguyên Chủ tịch UBND Q.10, đồng thời cũng là một kiến trúc sư, muốn vượt khỏi lối mòn tư duy kiến trúc cũ. Dù không thuộc diện phải thi thiết kế, với mong muốn có một trường học hiện đại và phù hợp với xu thế giáo dục ngày càng đổi mới, lãnh đạo quận đã quyết định tổ chức cuộc thi tuyển vào năm 2015, với các yêu cầu dành cho sáu đơn vị tham gia: thoát khỏi rập khuôn cũ, tiện dụng, an toàn, xanh sạch và hiện đại, phù hợp với quá trình phát triển xã hội nói chung và ngành giáo dục nói riêng.
Với quyết tâm tạo ra một công trình giáo dục có kiến trúc độc đáo, ông Trọng còn tổ chức buổi tham quan thực tế các trường dân lập quốc tế tại Q.7 để các bên liên quan tham khảo. Hội đồng phản biện thiết kế là các kiến trúc sư đầu ngành. Thiết kế được chọn, sau đó, còn được bổ sung, chỉnh sửa để cân đối với nhu cầu thực tế trước khi được phê duyệt.
Có mật độ xây dựng chỉ 39% trên tổng diện tích đất 1ha, thiết kế ưu tiên không gian sinh hoạt ngoài lớp học: tăng diện tích cây xanh, cảnh quan, sân bóng đá mi-ni, nhà thi đấu đa năng; hệ thống giao thông rõ ràng, mạch lạc, bảo đảm an toàn; cầu thang, hành lang rộng, dễ đi và được bố trí hợp lý.
Trao đổi với Báo Phụ Nữ, ông Nguyễn Thành Phát - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Tố - không giấu niềm tự hào: “Phòng học của chúng tôi có thể sử dụng linh hoạt như phòng chức năng. Trường có nhiều không gian cho các hoạt động hội thảo nhóm, có công viên trên cao, cây xanh khắp nơi… Quan trọng nhất là môi trường này giúp giáo dục ý thức học sinh biết giữ gìn tài sản chung, môi trường rất tốt. Học sinh của chúng tôi có thể sinh hoạt, học tập cả ngày ở trường mà vẫn thích thú, nhờ một không gian như thế”.
Quan tâm đầu tư cho thiết kế
Chúng tôi tìm gặp kiến trúc sư Đồng Viết Thái - người thiết kế Trường THCS Nguyễn Văn Tố - ông tâm sự, không nên nói chuyện “chữ U”, “chữ O” (các tư duy thiết kế trường học lâu nay vẫn được mặc định - PV), hay cái này xấu, cái kia đẹp. Quan trọng là chúng ta có đầu tư thiết kế trường học hay không.
“Quy chuẩn cổ điển là trường học phải theo hướng Đông Bắc, phòng học phải thông thoáng… nên kiến trúc sư mà vẽ trường thì sẽ dùng ngay quy chuẩn đó, không khác gì hết. Thiết kế chữ U, chữ O còn để dễ quản lý học sinh, để các thầy đi ngang là nhìn thấy học sinh trong lớp trong khi lớp học nước ngoài khá kín đáo. Đó là vấn đề văn hóa, có thể thay đổi mà không ảnh hưởng gì đến giáo dục” - ông Thái nói.
“Ngày xưa đi học, sân chơi dưới đất, lên lầu chỉ có phòng học. Ngày nay, chúng tôi đặt sân chơi khắp nơi, kết nối bằng các cầu thang. Chúng tôi muốn tập trung tất cả những gì có thể cho không gian phụ sinh hoạt, vui chơi bên trong môi trường giáo dục” - kiến trúc sư Đồng Viết Thái nói thêm.
Cũng theo “truyền thống” thiết kế, các phòng học thường được bố trí sát nhau, dọc theo hành lang dài. Trường Nguyễn Văn Tố có “điểm nhấn” là các lớp được thiết kế xiên, cho phép mỗi phòng học có một khoảng sân tam giác phía trước và sau, có thể dùng làm bồn hoa, sân chơi, tủ đồ, không gian riêng cho lớp, băng ghế… giúp học sinh trong lớp thư giãn, tập văn nghệ, nhảy múa và sở hữu hành lang riêng.
|
|
|
|
“Vì trường hướng chính Tây, thiết kế như thế vừa để tránh nắng, vừa tạo được không gian riêng tư cho mỗi lớp” - ông Thái kể về điểm mình thích nhất trong thiết kế trường. Để có thể làm được tất cả những điều đó, ông Thái cho biết, nhóm ông phải giải trình tại sao lại đưa thêm mấy trăm mét vuông đó vào vì nó liên quan đến chuyện kinh tế, chủ yếu vì các quy định cứng nhắc. “Ví dụ xây cái trường 10 lớp thì 100 triệu đồng, xây 15 lớp thì 150 triệu đồng. Lên không gian, sân chơi này kia mà 15 lớp đội lên 200 triệu đồng thì người ta cắt. Đó mới chính là cái chúng ta cần thay đổi, không chỉ trong giáo dục, bởi nhiều lĩnh vực khác cũng bị bó buộc như thế” - ông Thái trầm ngâm.
Công trình Trường THCS Nguyễn Văn Tố có quy mô 5 tầng với 40 phòng học (40 học sinh/lớp), 10 phòng bộ môn, tọa lạc trên diện tích 1ha. Phần lớn diện tích trường dành cho cây xanh, cảnh quan và giao thông, sân bãi. Ông Đồng Viết Thái cũng phải “đấu tranh” để có được phòng nghe nhìn khoảng 70-80m2 - như ước mong của ông Trọng - nguyên Chủ tịch UBND Q.10. Phòng nghe nhìn thiết kế như một sân khấu nhỏ, để học sinh học diễn thuyết, thuyết trình, làm seminar với phía dưới là khán phòng đúng chuẩn.
Quốc Ngọc
Người ngoài choáng ngợp, người trong tự hào
Ở Q.4, ngày trước, từ một bãi sình lầy rộng gần 7.000m2 đã mọc lên ngôi trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi thật lộng lẫy.
Trên mảnh đất hình chữ nhật, ba dãy phòng học cao ba tầng được kết nối với nhau. Trường có 40 phòng học rộng rãi, thoáng mát, có LCD nối mạng và truyền hình cáp...
Trong “bụng” trường, lệch về một bên là khối nhà tròn cao ba tầng rất bắt mắt với hai tầng trên là thư viện và hội trường, tầng trệt là sảnh kết nối với sân chơi.
Bao bọc sân trường và các dãy lớp học là hệ thống cây xanh phủ kín. Để tiết kiệm diện tích, các nhà thiết kế đã đưa hồ bơi, nhà để xe, phòng tập thể dục xuống tầng hầm.
Cô Phạm Thúy Hà - Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi - cho biết: “Lỡ có đang bực bội, khi bước vào một không gian đẹp đẽ, rộng mở với cây xanh bóng mát, tiếng chim kêu thì trong lòng cũng nguôi ngoai phần nào. Được làm việc trong một ngôi trường thế này, chúng tôi cũng phải tự thay đổi để nâng tầm bản thân cho xứng đáng”.
Ngoài vẻ đẹp kiến trúc, chất lượng công trình cũng đáng lưu tâm. Qua 10 năm sử dụng, công trình không một vết nứt, không lún sụt. Vật liệu xây dựng trường là gạch men dán cột, dán tường trong ngoài lớp học, tay vịn cầu thang inox; thiết bị vệ sinh thông minh… đến nay vẫn còn nguyên vẹn và hoạt động tốt.
Minh Nhật
|
Ngôi trường trong mơ
Điện ảnh Nhật Bản, Hàn Quốc đã cực kỳ thành công trong việc giới thiệu văn hóa nước mình đến các quốc gia khác. Một dạo, khi tất cả học sinh cấp III của chúng ta vẫn mặc áo dài hoặc sơ mi trắng, biết bao nữ sinh Việt Nam khát khao được mặc những bộ đồng phục như nữ sinh Nhật, Hàn. Nhưng như thế vẫn chưa phải là tất cả.
Trong khuôn viên các trường học, chúng ta được chứng kiến các công trình mỹ thuật thực sự thay cho những chiếc ghế đá đơn điệu. Hãy tư duy từ góc độ của học sinh. Cảm giác sẽ thế nào khi ngồi đọc sách, học bài trên một băng ghế mà ở đầu kia là bức tượng đồng một người đang đọc sách? Khi học sinh ngồi trên băng ghế ấy, cảm giác có “bạn” cùng học là điều hết sức quan trọng. Về cảnh quan, một người bất kỳ nhìn băng ghế ấy, sẽ thấy “hai người” đang ngồi học.
Sẽ tuyệt vời nếu học sinh được ngồi trên những khoảnh “chiếu” trong sân trường để học bài, nghỉ ngơi mà bên cạnh họ là tượng thầy Chu Văn An, thầy Đồ Chiểu cũng đang ngồi đọc sách hoặc giảng bài. Những điều đó không khó, miễn là ta tư duy từ góc nhìn giáo dục kết hợp với văn hóa, mỹ thuật, khoa học thay vì chỉ thuần túy nghĩ chuyện xây cái trường với bao nhiêu phòng học để có đủ chỗ cho học sinh.
Thành Nhân
|