Từ thầy giám thị đến người “anh cả” của làng giáo viên địa lý

27/11/2021 - 11:11

PNO - Từ giám thị kiêm bảo vệ Trường THCS Nguyễn Du (Q.Gò Vấp), bằng nỗ lực tự học và tình yêu với nghề giáo, thầy Lê Thanh Long (giáo viên môn địa lý Trường THPT Phạm Văn Sáng, huyện Hóc Môn) đã trở thành người “anh cả” trong làng giáo viên địa lý tại TPHCM - như cách gọi mà đồng nghiệp mến mộ dành tặng.

Thầy giám thị và khát khao đứng lớp 

Tốt nghiệp ĐH Sư phạm TPHCM chuyên ngành Sư phạm Địa lý năm 2002, qua bạn bè giới thiệu, thầy Lê Thanh Long được nhận vào làm giám thị tại Trường THCS Nguyễn Du (Q.Gò Vấp).

Gia cảnh khó khăn, vừa làm giám thị, thầy Long vừa nhận làm thêm công việc bảo vệ trường. Đồng lương giám thị, bảo vệ ngày mới ra trường khi đó không nhiều lại phải dành dụm gửi về quê cho ba mẹ, song với mong muốn được đứng lớp giảng dạy, thầy Long đều đặn trích một phần nhỏ để mua sách về chuyên môn, mỗi khi rảnh lại mang ra học, nâng cao kiến thức. Khi thầy cô ở trường đi học tin học, thầy cũng xin hiệu trưởng đăng ký học lấy chứng chỉ.

Học sinh thích thú trong các tiết Địa lý của thầy Lê Thanh Long
Học sinh thích thú trong các tiết Địa lý của thầy Lê Thanh Long

Năm 2005, Sở GD-ĐT TP tổ chức tập huấn chương trình thay sách giáo khoa cấp THPT, thầy Long tiếp tục làm đơn xin hiệu trưởng tạo điều kiện được tham dự tập huấn để cập nhật thêm kiến thức. Ròng rã 3 năm, từ năm 2005 - 2007, trong suốt 3 đợt tập huấn, thầy Long đều tham gia đầy đủ, hoàn thành chương trình và được cấp giấy chứng nhận. 

“Ngày đó nhiều vất vả nhưng tôi vẫn luôn khát khao được đứng lớp dạy học trò. Chính niềm hy vọng một ngày sẽ được đứng lớp đã trở thành động lực để tôi nhủ mình phải cố gắng từng ngày”, thầy Long nhớ lại. 

Năm 2007, khi TPHCM tuyển giáo viên theo diện KT3, với đầy đủ các tiêu chuẩn về chứng chỉ, chuyên môn, nghiệp vụ..., thầy Long đã trúng tuyển. Từ đây, ước mơ được đứng trên bục giảng trở thành hiện thực, dù thầy phải “làm lại từ đầu” sau 5 năm ra trường. 

Quãng thời gian từ năm 2007-2012, thầy Long là giáo viên dạy địa lý tại Trường THCS Trường Sơn (Q.Gò Vấp) và THCS Tân Xuân (huyện Hóc Môn). Ở mỗi ngôi trường, bằng tình yêu nghề và kiến thức chuyên môn vững vàng, thầy Long luôn say mê công tác. Những năm cuối giảng dạy tại Trường THCS Tân Xuân, thầy tham gia công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, có năm học sinh đoạt giải Nhất cấp huyện. 

Năm 2012, khi dạy học dự án bắt đầu manh nha tại TPHCM. Với tinh thần tự học, thầy Long tìm kiếm tài liệu, lặn lội khắp Tân Bình, Bình Chánh dự giờ sinh viên ĐH Sư phạm TPHCM để nắm bắt, học hỏi và mạnh dạn triển khai trong tiết dạy của mình. Cũng năm đó, với dự án về biển đảo cho học sinh khối 9, thầy Long đã xuất sắc đoạt giải Nhất cuộc thi Dạy học dự án cấp TP do Sở GD-ĐT TP tổ chức lần đầu tiên. 

“Những bài học địa lý như được khoác lên màu sắc mới, gần gũi với cuộc sống, học sinh cùng nhau thực hiện, cùng làm việc nhóm. Các em rất thích thú. Nhìn thấy học sinh hạnh phúc trong môn học, tôi biết rằng mình đã đi đúng hướng và tiếp tục đổi mới”, thầy Long chia sẻ. 

Người “anh cả” của làng giáo viên địa lý

Năm 2012, thầy Lê Thanh Long về công tác tại Trường THPT Phạm Văn Sáng (huyện Hóc Môn) khi đó mới vừa thành lập. Với kinh nghiệm trong giảng dạy, thầy được tin tưởng phân công làm tổ trưởng chuyên môn.  

Gần 10 năm đứng lớp THPT, đều đặn mỗi năm thầy đều thực hiện những dự án sáng tạo trong môn học. Lớp học trở thành trạm nghiên cứu. Học sinh học địa lý qua thơ, vè, định hướng nghề nghiệp. Các phương pháp dạy học tích cực, dạy học qua chủ đề, dự án, STEM được thầy linh hoạt đưa vào trong tiết học.

“Ban đầu đổi mới, khi chưa quen với cách học mới, nhiều học sinh cũng phản ánh với phụ huynh, với ban giám hiệu là học thầy Long phải làm việc nhiều, không có thời gian để học các môn quan trọng khác. Nhưng về sau, khi càng tham gia, với phương pháp mới học sinh không phải ghi nhớ kiến thức, không phải học thuộc lòng mà được trực tiếp trải nghiệm qua mỗi tiết học, được học thêm nhiều kỹ năng như làm việc nhóm, sử dụng sơ đồ tư duy, thiết kế... để vận dụng cho các môn học khác, các em đã thích thú hơn”, thầy Long kể.

Bằng tình yêu nghề, nỗ lực tự học, từ một giám thị, thầy Lê Thanh Long đã trở thành người anh cả của làng giáo viên Địa lý, đi đầu trong đổi mới sáng tạo
Bằng tình yêu nghề, nỗ lực tự học, từ một giám thị, thầy Lê Thanh Long đã trở thành người "anh cả" của làng giáo viên địa lý, đi đầu trong đổi mới sáng tạo

Bí quyết “chinh phục” học sinh của thầy còn đến từ việc đổi mới trong kiểm tra đánh giá môn học. Thay vì gọi học sinh... khảo bài, sau mỗi bài học, thầy khuyến khích học sinh vẽ sơ đồ tư duy, biểu đồ, thiết kế các sản phẩm video, tạp chí, sách, mô hình trực quan, lược đồ điện tử... Các hoạt động sáng tạo được thầy cộng điểm, lấy làm điểm kiểm tra thường xuyên. Phương pháp này cũng được thầy áp dụng trong các tiết học online khiến học sinh hào hứng. 

Có xuất phát điểm chậm hơn so với các giáo viên khác, do đó thầy Long luôn ý thức tự học, đổi mới, học hỏi từ đồng nghiệp. Ngoài xung phong tham dự các khóa tập huấn do Sở tổ chức, thầy Long còn tìm hiểu đăng ký học thêm các khóa học về đổi mới phương pháp giảng dạy, tham gia vào các nhóm giáo viên đổi mới sáng tạo trong bộ môn. Trước tinh thần tự học và nỗ lực đổi mới không ngừng nghỉ, thầy Lê Thanh Long được nhiều đồng nghiệp trong cộng đồng giáo viên sáng tạo tại TPHCM mến mộ gọi là “anh cả”. 

“Điều tôi thấy vui nhất là sự đổi mới của mình đã dần xóa đi tư duy môn phụ trong học sinh, phụ huynh. Thông qua việc đổi mới, tôi biết thêm năng lực, tính cách của học trò để phân hóa, thay đổi về phương pháp giảng dạy, tiệm cận hơn theo thế mạnh của từng em. Quan trọng nhất là qua mỗi tiết học bồi đắp thêm cho các em tình yêu quê hương, đất nước, giúp các em nhận ra sự gần gũi của môn học với cuộc sống, hướng các em đến việc tự học”, thầy Lê Thanh Long bày tỏ.

Nhìn lại hành trình từ khi làm giám thị kiêm bảo vệ cho đến khi trở thành giáo viên THPT, là người đi đầu trong các hoạt động đổi mới, sáng tạo, thầy Long cho rằng, chỉ cần tình yêu với nghề luôn “cháy” thì ở bất cứ môi trường nào cũng sẽ nỗ lực hoàn thành tốt công việc. 

Én Bông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI