Từ thao túng tâm lý đến… “võ đài” hôn nhân

13/07/2023 - 06:04

PNO - Khái niệm thao túng tâm lý (TTTL) đã nhiều lần được nhắc đến như một cách cắt nghĩa cho tình trạng bị tê liệt, trì kéo nỗ lực vùng thoát.

Chị L.Đ.P.U. bật khóc trước những bằng chứng chị bị chồng bạo hành trong suốt một thời gian dài
Chị L.Đ.P.U. bật khóc trước những bằng chứng chị bị chồng bạo hành trong suốt một thời gian dài

Gần đây, dư luận phẫn nộ, bất bình đối với vụ chồng bạo hành người vợ giảng viên ở TPHCM hay người chồng ở Hải Dương xuống tay cả với người vợ đang mang thai… Vết thương chằng chịt, số lần bạo hành “không đếm xuể” qua nhiều năm tháng, đối với cả người có học vấn cao khiến dư luận đặt câu hỏi “vì sao nạn nhân không vùng lên, họ như bị… gây tê”. Khái niệm thao túng tâm lý (TTTL) đã nhiều lần được nạn nhân và dư luận xã hội nhắc đến như một cách cắt nghĩa cho tình trạng bị tê liệt, trì kéo nỗ lực vùng thoát.

Mổ xẻ khía cạnh TTTL trong bạo lực gia đình, Báo Phụ nữ TPHCM đã tổ chức một buổi thảo luận bàn tròn với sự chia sẻ của luật sư Ngô Lệ Quỳnh (Đoàn Luật sư TPHCM), chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy (phụ trách Trung tâm tâm lý Welink, Trưởng ban Đào tạo Hội Khoa học Tâm lý và Giáo dục TPHCM) và chị L.Đ.P.U. (quận Gò Vấp, TPHCM) - một nạn nhân của bạo lực gia đình, TTTL.

Luật sư Ngô Lệ Quỳnh
Luật sư Ngô Lệ Quỳnh

Phóng viên: Theo anh chị, phụ nữ hay đàn ông dễ bị TTTL hơn?

Chị L.Đ.P.U: Phụ nữ dễ bị TTTL hơn, bởi môi trường sống, nền giáo dục, văn hóa, truyền thống, tâm lý yếu. 

Luật sư Ngô Lệ Quỳnh: Thực tế là cả nam và nữ đều có thể trở thành nạn nhân của hành vi TTTL và không giới nào dễ trở thành nạn nhân hơn giới nào.

Chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy: Bị thao túng hay thao túng không phân biệt nam nữ mà thao túng thường là những người ưu tiên nghĩ cho bản thân và bị thao túng thì ngược lại ưu tiên cho người khác nhất là người thân. Văn hóa cũng như kỳ vọng của xã hội chúng ta tạo ra số đông kẻ thao túng là đàn ông và bị thao túng là phụ nữ.

* Trình độ học vấn, nhận thức pháp luật thấp có phải là “vùng trũng” của nguy cơ bị TTTL và bạo lực?

Luật sư Ngô Lệ Quỳnh: Hành vi TTTL không phân biệt giới tính và có thể xảy ra ở bất kỳ ai, bất kể tuổi tác, địa vị xã hội hay nền văn hóa. Hành vi này phụ thuộc vào các yếu tố như quyền lực, kiểm soát và quan hệ quyền lợi trong một mối quan hệ.

Do đó, quan trọng hơn là nhìn vào mối quan hệ cụ thể và sự cân nhắc đúng đắn khi xác định thủ phạm và nạn nhân để hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi.

Chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy: Những cái gọi là "thiếu hiểu biết" có thể xem là bề nổi, bởi ngay khi cải thiện sự hiểu biết, người ta vẫn không thay đổi lối tư duy và mô thức hành vi.

Đặc tính của rất nhiều người (nữ) bị bạo hành là lệ thuộc, ngây thơ, làm hài lòng người khác, tự nhận những trách nhiệm, cần sự công nhận… chính là đặc tính của người bị thao túng. 

Mọi chuyện như luôn theo cặp. Kẻ thao túng là những người ích kỷ sẽ tìm thấy sự thỏa mãn nơi người không nghĩ đến bản thân. Chúng ta, về mặt văn hóa, hay ủng hộ những đôi như vậy và vô tình ta chấp nhận tình trạng thao túng một khi không có ai phản đối hoặc khi chưa có bi kịch.

Chị L.Đ.P.U.: Trong 3 năm chung sống, tôi bị chồng thao túng đến mức không còn là chính mình, dù tôi là người có tri thức, là giảng viên đại học. Mọi thứ từ ăn uống, sinh hoạt, công việc của tôi đều do chồng là anh T. quản lý và sắp đặt theo ý anh ta.

Dù hiện nay anh T. đã bị tòa án (cấp sơ thẩm) tuyên xử 10 tháng tù vì tội “hành hạ vợ”, nhưng nỗi đau mà anh ta để lại trong tôi vẫn còn nguyên. Hiện nay, tôi không còn tìm thấy bất cứ niềm vui nào trong cuộc sống, tôi mất ngủ triền miên.

Mỗi khi một mình, hay nhắm mắt, gương mặt T. lại ám ảnh tôi và những câu chuyện, trận đòn trước đây làm tôi không thở nổi. Người kéo tôi thoát khỏi cuộc hôn nhân tù ngục này là người chị họ từng bị bạo lực gia đình và TTTL. Chị cũng là một trí thức.

Chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy
Chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy

* Khái niệm TTTL là gì và cách nhận diện ra sao, thưa anh chị?

Chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy: Bất kỳ một hành vi nào được thiết kế và thực hiện nhằm chiếm lấy, kiểm soát hoặc gây ảnh hưởng đến người khác nhằm mang lại lợi ích cho người thực hiện đều là TTTL. Dù có cả tích cực lẫn tiêu cực, TTTL nói về nghĩa tiêu cực nhiều hơn.

Về hệ lụy của TTTL, đánh mất chính mình là thứ căn bản. Chủ nghĩa tập thể hay chủ nghĩa cá nhân đều quan trọng chuyện nhận diện và ý thức về bản thân. 

Tiếp sau đó là những vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm và lo âu hay bất kỳ tình trạng bất ổn nào trong tâm lý. Song song đó là các vấn đề về cơ thể như bất an, mất ngủ, đau đầu…

Nhận diện người TTTL rõ ràng đôi khi phải cần một khóa học, bởi có vô vàn cách. Về mặt khoa học, có thể nêu 2 cách phân loại phổ biến của Braiker (2004) và của Simon (1996). Nhìn chung là bất kỳ hành vi nào nhằm đạt được hoặc thỏa mãn bản thân mà không nghĩ hoặc không tôn trọng nhu cầu của đối tác như một người độc lập đều có khả năng là thao túng.

Thường bao gồm và không giới hạn: tâng bốc bằng khen ngợi; nạn nhân hóa, dùng chiêu ỉ ôi; trấn áp gây sợ hãi; phỉ báng, gán ghép; đổ tội, chối bỏ; lừa dối; hợp lý hóa; gây xấu hổ…

Luật sư Ngô Lệ Quỳnh:  Xét về góc độ xã hội, TTTL có thể hiểu là “một hình thức lạm dụng tâm lý, gây ra những ảnh hưởng quá mức tới người khác thông qua việc bóp méo tinh thần, bạo hành tâm lý và cảm xúc với mục đích chiếm lấy quyền lực, quyền kiểm soát, lợi ích hoặc một đặc quyền nào đó của nạn nhân” (theo thạc sĩ Nguyễn Trọng Nhân - giảng viên Trung tâm đào tạo Ý tưởng Việt).

Hiện nay, hệ thống pháp luật Việt Nam chưa định nghĩa hành vi TTTL. Do đó, ta có thể xét đến mục đích của hành vi để quy định chế tài. Ví dụ cụ thể trong trường hợp TTTL để dẫn đến bạo hành về tinh thần và thể xác thì có thể sẽ phạm tội hành hạ người khác theo quy định tại Bộ luật Hình sự.

Nếu bạn nhận thấy một hoặc nhiều dấu hiệu này xuất hiện trong cuộc sống của mình, có thể bạn đang trải qua tình trạng TTTL: cảm thấy mất tự tin và tự giảm giá trị bản thân; có cảm giác bị kiểm soát và đàn áp bởi người khác; có cảm giác hoài nghi và sợ hãi; bị cô lập và cắt đứt khỏi mối quan hệ; rối loạn tâm lý; thấy mình thay đổi trong hành vi và tâm trạng (trở nên quá nhút nhát, dễ tức giận hoặc hoàn toàn mất đi sự hứng thú và cảm xúc); phụ thuộc vào người thao túng dù biết rằng họ gây ra sự đau khổ và ngược đãi cho bạn.

* Bằng cách nào nạn nhân thức tỉnh và tìm cơ hội giải thoát cho mình?

Chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy: Chữ thức tỉnh rất đắt giá. Luôn luôn cần nạn nhân thức tỉnh và can đảm sống vì mình. Chỉ có bản thân mới là nguồn gốc cứu chính mình. Cải thiện lòng tự tôn, tập luyện giao tiếp quyết đoán, tạo lập ý nghĩa cho cuộc đời mình, lên kế hoạch cho bản thân… đều quan trọng.

Tố cáo là khi có những bằng chứng về thiệt hại. Nhưng có những thiệt hại không nhìn được bằng mắt thường.

Chị L.Đ.P.U.: Trong tâm khảm mình nhận thức điều người thao túng nói là sai nhưng buộc lòng mình phải nghe theo, làm theo hoặc cảm thấy họ nói phần nào đúng. Nạn nhân cần tìm nhiều người khác, chuyên gia tâm lý phân tích việc này.

Không nên nói với chủ thể thao túng vì họ rất dễ nắm bắt được tâm lý và họ sẽ tìm gặp những người mình tham vấn để điều hướng họ, nói xấu mình. Những người tư vấn phải là những người hiểu biết hoặc thấu hiểu nạn nhân và không dễ bị tác động. Đồng thời, nạn nhân phải nhận thức lỗi không phải do mình. 

Trên thực tế, những người TTTL rất giỏi che đậy và xây dựng một hình ảnh tốt đẹp bên ngoài. Những lời khen của nạn nhân hay cái cách nạn nhân tự che giấu điều xấu cho họ, bảo vệ họ đã khiến nạn nhân gặp khó khăn khi cất tiếng nói sự thật về người thao túng.

Luật sư Ngô Lệ Quỳnh: Nạn nhân cần nhận ra họ đang bị TTTL, rằng tình trạng này không lành mạnh và không chấp nhận được; cần tìm sự hỗ trợ từ các tổ chức chuyên về hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình và TTTL (các tổ chức xã hội, trung tâm tâm lý, bác sĩ, nhà tư vấn hoặc luật sư chuyên về vấn đề này); xây dựng mạng lưới an toàn gồm những người tin tưởng và hỗ trợ họ như gia đình, bạn bè, người thân hoặc các nhóm hỗ trợ địa phương; tìm kiếm kiến thức và thông tin; thu thập bằng chứng; tố cáo và tìm kiếm sự hỗ trợ pháp lý.

* Xin cảm ơn và kính chúc các anh chị luôn vui khỏe, hạnh phúc. 

Tôi bị chồng đánh mà vẫn tưởng mình có lỗi

Hôn nhân của tôi do mẹ sắp đặt. Ban đầu tôi từ chối, nhưng mẹ một mặt tạo điều kiện để T. thường xuyên đến nhà chơi, một mặt mẹ đánh vào tâm lý tôi. Mẹ nói: “Người đàng hoàng, tử tế, nghề nghiệp ổn định, yêu thương, lo lắng cho con hết lòng, con không đồng ý, coi chừng nghiệp báo”. 

Từ khi T. xuất hiện ở nhà tôi, mẹ tôi rất vui - điều tôi chưa làm được cho mẹ. Vì vậy, tôi đã đồng ý kết hôn với T. Sau khi cưới, mẹ và chồng cho rằng thể trạng tôi ốm yếu, cần phải tẩm bổ, nên tôi ăn uống hoàn toàn theo sự sắp đặt của mẹ và chồng. Tôi dạy tiếng Anh tại nhà, chồng là người đứng ra quản lý lớp và anh quyết luôn thu bao nhiêu tiền, lớp học bao nhiêu người…

Ban đầu, tôi cứ nghĩ đây là sự quan tâm, lo lắng của mẹ và chồng dành cho mình nên dù không thoải mái, tôi cũng không dám phản ứng, vì tôi sợ phụ tấm lòng của những người yêu thương.

Cưới nhau chưa đầy 1 tháng, chồng đã đánh tôi - đấm, đá, dập đầu tôi vào tường. Rồi ngay sau đó, chồng khóc, xin lỗi, nói vì tôi “trả lời” nên anh không kìm được cơn giận. Câu nói này làm tôi thấy mình cũng có lỗi, dù mâu thuẫn là chồng nghĩ xấu về gia đình tôi và tôi chỉ giải thích rất nhẹ nhàng để anh hiểu.

Người cô ôm cháu khóc nức nở sau khi nghe U. kể những trận đòn nhừ tử từ chồng là T. tại phiên tòa xử T. về hành vi “Hành hạ vợ” vào cuối tháng 4/2023
Người cô ôm cháu khóc nức nở sau khi nghe U. kể những trận đòn nhừ tử từ chồng là T. tại phiên tòa xử T. về hành vi “Hành hạ vợ” vào cuối tháng 4/2023

Rồi sau đó, cứ vài tháng tôi lại bị chồng cho no đòn, mặt mày sưng húp, mình mẩy bầm tím. Chồng lại khóc, xin lỗi, nói do áp lực công việc, cuộc sống nên anh nóng nảy, không thể kiểm soát. Tôi lại nghĩ “mình cũng có một phần trách nhiệm khi chồng gặp áp lực không thể hóa giải”. 

Vậy là, bị chồng đánh đau, bị chửi mắng nặng nề, tôi vẫn không dám khóc, vì sợ tiếng khóc của mình làm chồng khó chịu (chồng từng nói rất bực khi phụ nữ khóc) và chồng sẽ ngủ không được, không tập trung làm việc được. Sự nín nhịn của tôi càng khiến tôi chìm trong bạo hành.

Chồng đánh đập tôi tàn bạo hơn, nhiều lần hơn dù chẳng có mâu thuẫn gì. Thậm chí, khi chở tôi đi ngoài đường, nói chuyện qua lại, chồng không hài lòng, cũng dừng xe đánh và lôi tôi xềnh xệch giữa phố. 

Ý nghĩ ly hôn xuất hiện nhiều lần trong tôi, nhưng mẹ tôi dập ngay: “Vợ chồng nào chả thế, chén trong sóng còn khua”. Những người quen thân thì động viên: “Cố lên, mấy năm đầu hôn nhân thường gặp nhiều khó khăn, rồi sẽ qua thôi”.

Vậy là tôi tiếp tục chịu đựng bạo hành và sự thao túng tâm lý của chồng. Tôi chỉ thoát ra được khi tâm sự với người chị họ - cũng từng là nạn nhân của bạo lực gia đình. Chính chị đã đồng hành và kéo tôi thoát khỏi cuộc hôn nhân ngục tù. Tôi được bác sĩ chẩn đoán trầm cảm nặng, hiện vừa phải điều trị trầm cảm vừa phải điều trị tâm lý. 

Mình không tự cứu mình thì ai cứu khi kẻ thao túng luôn dùng lời lẽ dẫn dắt để mình thuận theo, lung lay ý chí vốn có? Khi nạn nhân có thể nhận thức dần các hành vi, ngôn từ thao túng và phát tín hiệu cho cơ thể, nhận thức, não bộ để tìm sự giúp đỡ, ngăn chặn hành vi bạo hành, thao túng là lúc họ có cơ may thoát.

Đơn giản nhất là nạn nhân có thể tách khỏi người thao túng để tìm lại sự thăng bằng, bình tâm. 

L.Đ.P.U. (quận Gò Vấp, TPHCM)

Thùy Dương - Diệu Hiền (thực hiện)

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(4)
  • hồ văn hùng 27-10-2024 05:07:32

    hết sức biết ơn, đời sống sao nhiều nghiệt ngã quá, tinh thần là vô hình nhưng lại rất cụ thể...

  • Gu 14-07-2023 22:01:40

    Thật may mắn. Hi vọng mỗi nạn nhân bị TTTL đều sẽ gặp được người thức tỉnh mình. Dù những kẻ tồi tệ có thể không phải trả cái giá mà chúng đáng phải nhận, vết thương lòng nạn nhân cũng khó lòng nguôi ngoai, nhưng chí ít chính nghĩa đã được thực thi, và kẻ có tội phải sống cùng tội lỗi suốt cuộc đời còn lại.
    Tôi chỉ thắc mắc, mẹ nạn nhân đóng vai trò gì trong câu chuyện này? Bà có biết con gái là nạn nhân của BLGĐ? Nếu ko biết thì bà quả là một người mẹ vô tâm. Còn nếu biết... tôi thực sự không dám nghĩ đến khả năng này...

  • Tuluip tran 14-07-2023 13:30:27

    Thật là ác và vô lương tâm cho những kẻ thao túng , bạo hành người khác. Đọc xong bài báo , thấy thương cho cô gái và những người bị bạo hành bởi người được gọi là người thân.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI
  • Chuyện tình cha mẹ tôi: Ba mê rửa chén vì muốn mẹ nghỉ ngơi

    Chuyện tình cha mẹ tôi: Ba mê rửa chén vì muốn mẹ nghỉ ngơi

    20-12-2024 06:34

    Mấy chục năm qua, chị em tôi đã quen thuộc với hình ảnh ba vào bếp. Ba tình nguyện làm "người đam mê rửa chén" vì ba yêu gia đình.

  • 70 tuổi, cha tôi vẫn miệt mài làm rẫy giữ đất

    70 tuổi, cha tôi vẫn miệt mài làm rẫy giữ đất

    19-12-2024 17:54

    Mỗi lần nghĩ đến hình ảnh cha già cặm cụi đi cắt cành, bón phân, kéo ống nước tưới cây, tôi thấy lòng đau như ai cắt từng khúc ruột.

  • Xuân… nhặt

    Xuân… nhặt

    19-12-2024 06:46

    Nhà không rộng, chỉ có khoảng ban công là có thể nuôi cây. Vậy là ba cứ đem cây về chăm sóc, tưới tắm, nâng niu.

  • Tôi đi thuê người yêu

    Tôi đi thuê người yêu

    18-12-2024 17:05

    Tại TPHCM, có một dịch vụ được chào mời vừa công khai lại vừa kín đáo: dịch vụ của những người yêu thuê giờ.

  • Tuổi ăn đám cưới, tuổi viếng đám tang

    Tuổi ăn đám cưới, tuổi viếng đám tang

    18-12-2024 10:30

    Tôi nhận ra, ở độ tuổi ngấp nghé 50 của mình, tôi đi viếng đám tang nhiều hơn những đám, tiệc khác.

  • “Tạm ứng” gối chăn

    “Tạm ứng” gối chăn

    18-12-2024 06:17

    Trong công việc, cuộc sống, người ta có thể tạm ứng nhiều thứ, nhưng tạm ứng gối chăn sẽ để lại nhiều hậu quả khó lường.

  • Chỉ đường cho hươu: Yêu người hơn tuổi

    Chỉ đường cho hươu: Yêu người hơn tuổi

    17-12-2024 18:37

    Lòng con canh cánh về mối tình ngang trái của mình. Mỗi khi nghe ai đó nói “phi công trẻ”, “hồng hài nhi”… là con lại chộn rộn, mắc cỡ.

  • Ai rồi cũng tập thể thao: Bước ngoặt huy hoàng trong công cuộc tập luyện của tôi

    Ai rồi cũng tập thể thao: Bước ngoặt huy hoàng trong công cuộc tập luyện của tôi

    17-12-2024 12:48

    Bạn thuyết phục ròng rã mấy tháng trời. Bạn bảo sẽ cùng tôi đi bộ về đích để tôi không thấy ngại.

  • Chữ hiếu trong kinh doanh

    Chữ hiếu trong kinh doanh

    17-12-2024 08:51

    Tôi thích được ngồi nghe mẹ kể chuyện xưa, được ăn cơm với mẹ, được cùng mẹ đi thăm bà con… Mấy món mẹ nấu là ngon nhất thế giới.

  • Trăm năm trong cái nắm tay

    Trăm năm trong cái nắm tay

    17-12-2024 06:03

    Người ta có thể dễ dàng đến bên nhau, nhưng liệu có bao nhiêu người đi được cùng nhau tới tuổi xế chiều?

  • “Siêu xe” của ông nội

    “Siêu xe” của ông nội

    16-12-2024 16:19

    Chiếc “siêu xe” của ông nội đã theo chủ nhân được gần 15 năm. Mỗi ngày, ông luôn dành thời gian chăm chút nó, như người bạn đồng hành đáng tin cậy.

  • Lời nói như dao

    Lời nói như dao

    16-12-2024 13:03

    Cần tránh những lời nói xúc phạm, miệt thị, thay vào đó là những lời nói lịch sự, tôn trọng, góp phần xây dựng mối quan hệ.

  • Trẻ em cần thế giới thật đầy yêu thương

    Trẻ em cần thế giới thật đầy yêu thương

    16-12-2024 06:21

    Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.

  • Khoảnh khắc dài nhất

    Khoảnh khắc dài nhất

    15-12-2024 17:58

    Chỉ cần gặp mẹ, được ngồi gần mẹ, mọi chênh chao, chơi vơi, xáo trộn đều được lắng xuống, chữa lành.

  • Ngoại vẫn chắt chiu những hạt mè

    Ngoại vẫn chắt chiu những hạt mè

    15-12-2024 16:54

    Có lẽ vì vị mè ướp đẫm mồ hôi của ngoại, cũng có thể vì khói bếp thân thương làm thơm chén cơm nóng hổi quyện cùng vị muối mè mằn mặn.

  • Con bình thường hay đặc biệt?

    Con bình thường hay đặc biệt?

    15-12-2024 06:48

    Mong con thông minh vượt trội hay chỉ cần con khỏe mạnh, bình thường, câu trả lời của bạn là gì?

  • Ngưng đổ lỗi!

    Ngưng đổ lỗi!

    14-12-2024 19:37

    Người luôn tự coi mình là nạn nhân hiếm khi nhận ra lỗi của chính mình, cũng khó có cơ hội nhận ra khả năng của bản thân khi cố gắng.

  • Mẹ chưa bao giờ xa tôi

    Mẹ chưa bao giờ xa tôi

    14-12-2024 15:48

    Sau bao nhiêu năm cách lòng, tôi đã thật sự hiểu mẹ, hiểu rằng mẹ có những lý do để rời xa ba, nhưng chưa bao giờ mẹ rời xa tôi.