Tự tập vật lý trị liệu tại nhà sau tai biến: Chậm phục hồi, dễ bị tổn thương 

30/05/2023 - 06:02

PNO - Rất nhiều gia đình khi thấy tính mạng bệnh nhân tai biến đã qua cơn nguy kịch thì xin cho người thân về nhà để tự chăm sóc và tự tập vật lý trị liệu. Các bác sĩ khuyến cáo, tự chăm sóc và can thiệp tại nhà không thể bằng ở bệnh viện, khiến bệnh nhân chậm hồi phục, dễ bị tổn thương về sức khỏe và tâm lý.

Bán trật khớp vai, dị tật dáng đi

Vừa qua, chị P.T.M., ngụ tại phường Bình Trưng Tây, TP Thủ Đức đưa mẹ là bà N.T.B. (78 tuổi) tới khám và điều trị tại Khoa Vật lý trị liệu Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Cách đây 6 tháng, bà B. bỗng dưng bị méo miệng, nói đớ, yếu liệt nửa người. Lúc đưa tới bệnh viện cấp cứu, bà được chẩn đoán bị đột quỵ não. Sau khi qua cơn nguy kịch, gia đình đã xin cho bà B. về theo dõi và tự tập vật lý trị liệu tại nhà. 

Theo chị M., con cái bận đi làm, kinh tế khó khăn nên đưa mẹ về nhà tự tập vật lý trị liệu sẽ thuận tiện và tiết kiệm chi phí. Chị và gia đình chủ yếu lên mạng tìm các bài tập vận động cho người tai biến rồi tự áp dụng cho bà B. Bỗng nhiên vài ngày nay, chị thấy một bên vai của mẹ bị sưng, khi xoa bóp bà đau đớn, nhăn nhó. Lúc này, chị M. đưa mẹ tới bệnh viện khám mới biết bà bị bán trật khớp vai. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị teo cơ do tập vật lý trị liệu không đúng cách. 

Một bệnh nhân sau tai biến đang được can thiệp vật lý trị liệu tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh - ẢNH: T.D.
Một bệnh nhân sau tai biến đang được can thiệp vật lý trị liệu tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh - Ảnh: T.D.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thanh Sang - Phó khoa Vật lý trị liệu Bệnh viện Lê Văn Thịnh - có tới 50% bệnh nhân tai biến đến can thiệp vật lý trị liệu đã qua mất giai đoạn vàng. Thời điểm tối ưu để can thiệp vật lý trị liệu cho bệnh nhân là 3-6 tháng sau khi bị tai biến. Tùy tình trạng của từng bệnh nhân mà bác sĩ cùng các kỹ thuật viên vật lý trị liệu sẽ thiết kế bài tập phù hợp.

Không có bài tập nào chung cho tất cả mọi người, vì thế việc tự tập vật lý trị liệu ở nhà đối với bệnh nhân tai biến gần như là bất khả thi.

Chị Lê Thị Phương Dung - kỹ thuật viên trưởng Khoa Vật lý trị liệu của bệnh viện - chia sẻ, nhiều người vẫn chưa nhận thức đúng về vai trò quan trọng của can thiệp vật lý trị liệu đối với bệnh nhân tai biến. Không ít trường hợp mất 1-2 năm nghe ngóng, tự xoa bóp, bấm huyệt ở nhà.

Mãi tới khi thấy các chức năng vận động của người thân không hồi phục mà còn nặng thêm thì mới chịu đưa tới bệnh viện can thiệp vật lý trị liệu. Chị Dung chỉ cho chúng tôi một nam bệnh nhân khoảng 60 tuổi, khi bước đi thì gót chân xoay ra ngoài. Chị giải thích đó là hậu quả của việc tự tập vật lý trị liệu thiếu sự hướng dẫn của nhân viên y tế có chuyên môn. Kết quả là chân bệnh nhân bị yếu, gân cơ co rút nên biến dạng dáng đi. 

Một bệnh nhân khác là chị H.T.H. (45 tuổi, ngụ tại TP Thủ Đức) được gia đình đưa về tự tập vật lý trị liệu sau cơn tai biến. Với tình trạng của bệnh nhân, lẽ ra 6 tháng đã có thể tự đi lại và sinh hoạt cá nhân. Thế nhưng tới nay đã 1 năm mà chị vẫn ngồi xe lăn. Trường hợp của chị H. đã qua mất giai đoạn vàng nên hồi phục sẽ rất chậm. 

Can thiệp bài bản tại bệnh viện chỉ mất 3-6 tháng 

Bác sĩ chuyên khoa 1 Âu Văn Khê - Khoa Y học cổ truyền, cơ sở 3 Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - cho biết, các bệnh nhân tai biến ngoài những tổn thương về sức khỏe do gia đình tập vật lý trị liệu tại nhà thì họ còn phải gánh chịu sang chấn lớn về tâm lý. Mới đây, khi thăm khám cho nam bệnh nhân N.V.K. (50 tuổi, ngụ tại quận Tân Bình), bác sĩ đã cảm nhận sâu sắc điều này. 

Ông K. tâm sự với bác sĩ mình chỉ muốn chết chứ chẳng muốn sống làm gánh nặng cho vợ con. Bệnh nhân vẫn tỉnh táo nhưng bị yếu liệt nửa người. Sau khi được điều trị tai biến ổn định, ông K. xuất viện về nhà. Từ đó tới nay đã 8 tháng nhưng bệnh nhân cũng không tái khám, chủ yếu chỉ uống thuốc điều trị bệnh cao huyết áp. Mỗi tuần, gia đình có mời thầy thuốc tới nhà châm cứu, bấm huyệt được 2 lần nhưng tình trạng yếu liệt của ông vẫn không cải thiện. Tất cả sinh hoạt cá nhân của ông đều phải nhờ vào vợ và con trai. Thấy mình ốm đau, tinh thần ông suy sụp, không còn muốn sống tiếp nữa...

Bác sĩ Khê khuyên người vợ nên thu xếp cho bệnh nhân tới bệnh viện tập vật lý trị liệu, điều trị y học cổ truyền, kết hợp đông tây y. Ở bệnh viện, ông K. sẽ thấy xung quanh mình có nhiều bệnh nhân đồng cảnh ngộ, từ đó sẽ không còn cảm giác cô độc, tự ti mà thêm động lực để cố gắng. 

Theo bác sĩ Khê, nhiều gia đình tính bài toán kinh tế, cho rằng bệnh nhân tai biến về nhà tự can thiệp phục hồi chức năng sẽ tiết kiệm hơn khi đưa tới bệnh viện. Đây là suy nghĩ sai lầm. Thoạt nghe thì tưởng chi phí điều trị tại bệnh viện sẽ tốn kém hơn nhưng nếu được can thiệp sớm, bài bản tại bệnh viện thì chỉ từ 3-6 tháng bệnh nhân tai biến đã có thể tái hòa nhập cuộc sống.

Còn tự chăm sóc tại nhà, tưởng rẻ hơn nhưng lại không hiệu quả, dẫn tới bệnh nhân bị di chứng lâu dài, phải sống phụ thuộc vào người khác, trở thành gánh nặng cho gia đình. Dù có mời thầy thuốc tới nhà bấm huyệt, châm cứu đi chăng nữa bệnh nhân sẽ không được thuốc thang đầy đủ. 

Trong giai đoạn phục hồi, người bệnh tai biến cần được theo dõi sát sao và phối hợp nhiều phương pháp can thiệp chứ không chỉ mỗi châm cứu và bấm huyệt. Chưa kể, một số gia đình tự tìm thầy thuốc bấm huyệt, châm cứu trên mạng, rất dễ lâm vào cảnh tiền mất tật mang. Những di chứng thường gặp của bệnh nhân tai biến sau thời gian dài gia đình theo dõi và chăm sóc tại nhà là: viêm phổi, loét vùng tì đè, bán trật khớp vai, khớp háng, qua mất giai đoạn vàng hồi phục chức năng vận động, trầm cảm. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI