Tụ tập đông người và những hiểm họa chực chờ

31/10/2022 - 06:10

PNO - Ngày 29/10 đánh dấu một trong những thảm họa chết chóc nhất ở Hàn Quốc kể từ năm 2014, với hơn 150 người thiệt mạng khi tham gia lễ Halloween ở Itaewon, Seoul. Sau thời gian giãn cách vì đại dịch, nhiều sự kiện tập trung đông người được tổ chức trở lại khiến nguy cơ xảy ra các thảm kịch tương tự cao hơn.

Ngạt thở bởi sức ép từ đám đông

G. Keith Still - giáo sư thỉnh giảng về khoa học đám đông tại Đại học Suffolk ở Anh - cho biết, thảm kịch tại Hàn Quốc không phải là một vụ giẫm đạp thông thường, mà là vụ đè bẹp đến chết bởi sức nặng của đám đông.

Lực lượng cứu hộ, điều tra viên làm việc tại con hẻm dốc ở Itaewon, hiện trường nơi hơn 150 người thiệt mạng khi đi chơi lễ Halloween - ẢNH: REUTERS
Lực lượng cứu hộ, điều tra viên làm việc tại con hẻm dốc ở Itaewon, hiện trường nơi hơn 150 người thiệt mạng khi đi chơi lễ Halloween - Ảnh: Reuters 

Về cơ bản, vụ việc tại con hẻm hẹp, dốc ở Iteawon là một “hiệu ứng domino” khiến hàng trăm người ngã đè lên nhau, không lối thoát. Càng có nhiều người tập trung trong một diện tích nhỏ, nguy cơ xảy ra giẫm đạp, đè bẹp càng lớn.

Giáo sư Still nói thêm: “Khi hiệu ứng té ngã dây chuyền xảy ra, cả đám đông như hòa làm một. Nếu ở trong không gian hạn chế, việc tất cả đều cố gắng đứng dậy dẫn đến tay chân bị xoắn vào nhau. Kết quả không ai đứng dậy được nữa”. 

Trên Twitter, một nhân chứng nói rằng mọi người đột ngột “ngã như những quân cờ domino và la hét”. Người này viết thêm: “Tôi thực sự cảm thấy như mình bị nghiền nát. Tôi thở qua một khoảng trống nhỏ, khóc và nghĩ rằng mình sắp chết”. Nếu bị mắc kẹt như vậy, trước hết, áp lực từ phía trên và phía dưới khiến nạn nhân khó thở. Sau khoảng 30 giây, lưu lượng máu lên não không đủ sẽ khiến nạn nhân choáng váng. Và khoảng 6 phút sau, nạn nhân chết vì ngạt thở. Đồng thời, mọi người cũng có thể bị thương ở chân, tay và ngất xỉu khi cố gắng thở, vùng vẫy thoát khỏi đám đông.

Sau đại dịch, các sự kiện cộng đồng, lễ hội đông đúc tái mở cửa đã thu hút nhiều người tham gia. Một số vụ giẫm đạp, đám đông chèn ép đến chết người tương tự đã xảy ra khắp thế giới. Gần đây nhất là vụ hỗn chiến và giẫm đạp khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và hơn 320 người bị thương tại sân vận động bóng đá ở Đông Java, Indonesia vào đầu tháng 10/2022. Trước đó vào tháng 11/2021, vụ giẫm đạp tại lễ hội âm nhạc Astroworld giữa màn trình diễn của rapper Travis Scott, ở bang Texas, Mỹ khiến ít nhất 10 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương. 

Xa hơn, năm 2010 ghi nhận hai vụ đám đông giẫm đạp làm hơn 350 người thiệt mạng. Đó là Cuộc diễu hành tình yêu ở Đức vào tháng 7/2010 làm 21 người chết, 500 người bị thương. Và Lễ hội té nước tại Campuchia vào tháng 11/2010 khiến 345 người chết và hơn 300 người bị thương. Cả hai bi kịch này có điểm chung với vụ việc tại Hàn Quốc là lối vào và ra hẹp, duy nhất (ở Đức là một đường hầm, ở Campuchia là một cây cầu và ở Hàn Quốc là một con hẻm). Cả ba sự kiện đều có số lượng người tham gia lên đến hơn trăm ngàn.

Kiểm soát đám đông và bảo vệ bản thân

Martyn Amos - giáo sư tại Đại học Northumbria ở Anh chuyên nghiên cứu về đám đông - cho biết, những sự kiện lớn cần có kế hoạch phù hợp và kiểm soát bởi những người được đào tạo để quản lý đám đông. Các khía cạnh liên quan đến không gian, thời gian và sự kiện phải được xem xét trong quá trình lập kế hoạch. Cần có kế hoạch bổ sung cho bất kỳ tình trạng gia tăng số người tham gia tại bất kỳ thời điểm nào. Các trường hợp khẩn cấp đột ngột không lường trước được (như hỏa hoạn, pháo nổ) cũng có thể gây ra sự cố như giẫm đạp và phải luôn được chuẩn bị ứng phó. 

Nghiên cứu của Đại học Victoria, Úc năm 2018 đã chỉ ra việc thắp sáng một sân vận động để khán giả biết rằng buổi biểu diễn đã kết thúc có thể giúp họ di chuyển ra ngoài một cách có trật tự. Tất cả các lối ra phải thông thoáng, dễ tiếp cận và đủ ánh sáng. Ngoài ra, ban tổ chức cũng nên sắp xếp các vùng đệm, khoảng không gian trống để điều tiết đám đông và đưa ra những lưu ý cần thiết cho người tham gia ngay từ bên ngoài khu vực diễn ra sự kiện. 

Đối với việc tự bảo vệ bản thân trong trường hợp mắc kẹt giữa một đám đông hỗn loạn, Paul Wertheimer - một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về an toàn đám đông hiện đang làm việc tại Mỹ - khuyên mọi người bình tĩnh và dành thời gian nhớ lại tất cả các lối ra mà mình đã nhìn thấy khi đi vào. Cần cố gắng đứng vững, tiết kiệm năng lượng bằng cách không chống lại đám đông hay la hét. Bên cạnh đó, bạn có thể sử dụng ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp với những người xung quanh (chỉ tay, vẫy tay, thậm chí dùng ánh mắt); giữ tay trước ngực giống như một võ sĩ quyền anh để dễ di chuyển và bảo vệ cơ thể. Nếu ai đó chìa tay ra để được giúp đỡ, hãy nắm lấy để giữ họ đứng vững. 

Paul cũng chia sẻ một kỹ thuật để thoát khỏi đám đông, đó là di chuyển theo nhịp sóng: “Nếu bạn bị đẩy về phía trước, giống như trong cơn sóng, sẽ có một khoảng lặng. Sự tạm lắng đó là cơ hội để bạn di chuyển, bước theo một đường chéo vào khoảng trống giữa người với người. Bước một vài bước, đứng vững qua một đợt sóng khác, rồi thêm vài bước nữa trong giai đoạn tạm lắng tiếp theo. Thực hiện kỹ thuật này cho đến khi bạn thoát khỏi đám đông”. 

Linh La (theo Washington Post, ABC7, World Nomads, Straits Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI