Tự sướng & tự yêu

08/03/2019 - 18:00

PNO - Phụ nữ và đàn ông, ai yêu bản thân mình hơn?

Đàn ông có câu chuyện chàng Narcissus thấy hình ảnh mình phản chiếu trong nước mà đem lòng si mê vẻ đẹp của chính mình, đến nỗi lao xuống sông tự vẫn, khi tình yêu vô nghĩa này không được đáp lại. Từ đó, “Narcissus” được dùng để chỉ những người yêu mình thái quá. Nhưng cánh phụ nữ, từ lúc còn thơ, cũng đều biết câu chuyện bà hoàng hậu suốt ngày soi gương thần, với câu hỏi duy nhất: “Thế gian ai đẹp được như ta?”.

Say mê vẻ đẹp chính mình, ngày xưa có các truyện cổ tích, ngày nay có chức năng selfie (tự sướng) của điện thoại và nhất là các phần mềm chỉnh sửa ảnh theo kiểu “auto-đẹp” nên ai cũng có thể trở thành Bạch Tuyết - đối thủ tiềm tàng “muôn phần đẹp hơn” bà hoàng hậu độc ác nọ. Chẳng cứ đàn bà, đàn ông cũng cần đăng những bức chân dung mà họ nghĩ là thể hiện cái tôi hoàn hảo nhất của chính mình trước thế gian.

Tu suong & tu yeu
Cho dù đàn ông bị coi như đỏm dáng và “nữ tính” hơn xưa, theo một nghiên cứu có tên Selfiecity, tiến hành tại 5 thành phố: Bangkok, Berlin, New York, Sao Paulo và Moskva thì sự thật là phụ nữ vẫn chụp ảnh “tự sướng” nhiều hơn đàn ông gấp 1,8 lần.

Thậm chí, ở thủ đô nước Nga, các kiều nữ tóc vàng chụp ảnh selfie nhiều gấp 5 lần các anh chàng Ivan (chắc các chàng quá say rượu để tự sướng). Kết luận về nguyên nhân phụ nữ hay đăng hình ảnh có phần sexy của mình, một giáo sư đại học New South Wales ở Sydney (Úc) đã nhận xét: khi một phụ nữ trẻ trưng ra hình ảnh khiêu khích trong bộ bikini, đừng xem cô ấy là “óc ngắn” hay nạn nhân đáng thương, mà phải thấy đây là tay chơi đầy chiến lược trong một trò chơi xã hội phức tạp và có tính tiến hóa.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, phụ nữ tìm thấy ở selfie một khả năng kiểm soát sự thể hiện bản thân. Họ chẳng còn đợi cái gương thần nào trả lời, mà chính những chiếc điện thoại thông minh có cài đặt Instagram và Facebook đã trở thành những “con mắt xanh”, biết nhìn ra vẻ đẹp của ta bất cứ lúc nào. Giờ đây “da trắng như tuyết, tóc đen như gỗ mun” trở thành tiêu chí dân chủ gấp vạn lần ngày xưa. Việc còn lại là ngồi đếm “like” (lượt thích).

Chiến thuật selfie

Nghiên cứu chẳng biết có ích gì bên trên còn phân tích xa hơn nữa, cho thấy số phụ nữ chụp selfie trong tư thế nghiêng đầu nhiều gấp rưỡi đàn ông. Theo ý họ, chụp ảnh nghiêng đầu là một biểu hiện của “tư thế cực đoan”, thay vì “trắng mặt ăn tiền” nhàm tẻ như nam giới.

Bức ảnh có sự cố (dù thật ra “sự cố” rất vớ vẩn - một lời trêu đùa làm ta phật ý) bị xóa đi lập tức. Rút cục thì, “không có phụ nữ xấu, chỉ có người phụ nữ không… đăng ảnh selfie”. Chụp ảnh tự sướng, nhờ công năng ngày càng được nâng cấp của các loại smartphone, các phiên bản càng mới càng biết cách cho ra hình ảnh vừa “thực” lại vừa “hư”.

Vậy, bức ảnh “cực đoan” đó sẽ có ý nghĩa thế nào với chủ nhân khi được like, cười ha ha, thả tim, phẫn nộ, bình luận, chia sẻ? Nếu coi selfie như màn trình diễn áo tắm trong một cuộc thi hoa hậu, những phản ứng từ khán giả đánh giá chất lượng màn trình diễn.

Người đăng hình giống như H’Hen Niê hay Nguyễn Thị Huyền trong các cuộc thi hoa hậu thế giới, gửi thông điệp “Vote me, vote for Vietnam” (Bầu cho tôi, bầu cho Việt Nam). Ở đây sẽ là: “Like tôi đi, like đi, nếu như còn muốn làm bạn“.

Những lượt bấm like chỉ ý nghĩa khi đạt trên một chục, đến hàng trăm thì chắc chắn là gây chú ý lắm rồi. Nếu chỉ vài like từ bạn bè, người ta sẽ nghĩ bức ảnh quyến rũ này thực ra không quyến rũ mấy (có lẽ có vấn đề ở vòng eo hay làn da), bạn bè bấm like mang tính an ủi là chính. Nhưng chỉ cần một hai cú “thả tim”, đột nhiên bức ảnh được xác nhận là sexy thật.

Nhưng nếu có người cười “ha ha” thì chủ nhân chột dạ, chẳng lẽ trông lại có gì buồn cười hay sao. Chân cong, ba vòng có vấn đề, tư thế không ổn? Và nếu có ai đó thả tương tác phẫn nộ (chắc hiếm thôi) thì lại… rất đáng yêu, kiểu như chỉ là đứa bạn thân nó giả vờ lồng lộn lên với sự tươi mát thanh xuân của mình thôi mà.

Sau lần đăng hình sexy đầu tiên với thành công bất ngờ, người ta sẽ bắt đầu nghĩ đến lần tiếp theo. Cách bao nhiêu ngày? Vừa mới đăng hôm qua, bức hình còn chưa hạ nhiệt, vẫn còn khả năng thu hoạch thêm like, thêm tim… Đăng dồn dập quá có vẻ thiếu đoan chính, mà người ta nói rồi, less is more (ít là nhiều).

Tu suong & tu yeu
 

Nhưng để cách quãng quá, người ta sẽ quên mất mình sexy thế nào. Cơn hưng phấn sau lần trình diễn đầu thật sự có tác dụng gây nghiện cho nhiều lần tiếp theo. Tự sướng không đồng nghĩa với tự tin. Ta cực kỳ mẫn cảm với những phản ứng của người xem, nhất là nếu tấm ảnh nhắm tới một vài đối tượng cụ thể. Đành hồi hộp mà đăng lên thôi.

Một khi đã đăng, ta lại rơi vào chu trình quen thuộc: chờ xem ai like, ai thả tim, ai bình luận, ai chia sẻ (ai sẽ chia sẻ bức ảnh bikini của ta chứ?) và liệu trong số đó có những đối tượng ta mong chờ không. Bấy nhiêu thứ đó đủ biến chuyện đăng hình selfie thành một công việc bận rộn rồi.

Ngày hôm đó chỉ trôi qua như ý khi số lượt tương tác đạt mức mong đợi. “Đã khuya rồi vẫn ngồi đếm like”, nằm xuống giường ngủ mà tay vẫn vô thức cầm điện thoại để xem còn ai nói gì về bức ảnh cạnh bể bơi lúc chiều…

Không đau thương sao có thu hoạch

Chuyện thực ra chẳng có gì ầm ĩ nếu như việc selfie và đăng ảnh sexy không rơi vào vùng nhạy cảm, bị dán nhãn không lành mạnh. Trăm lời khen sẽ vô giá trị nếu có thêm một nhận xét không vừa ý, thậm chí gây cảm giác bị xúc phạm vì liên quan tới thân thể, tới hành vi táo bạo của ta, chứa đựng một sự phán xét về đạo đức (loại phụ nữ gì mà “khoe hàng” trên Facebook suốt thế?). Tâm trạng ta vỡ vụn khi biết mình có thể bị dán nhãn như một sinh vật gây cười trên mạng xã hội.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, phụ nữ tìm thấy ở selfie một khả năng kiểm soát sự thể hiện bản thân. Họ chẳng còn đợi cái gương thần nào trả lời, mà chính những chiếc điện thoại thông minh có cài đặt Instagram và Facebook đã trở thành những “con mắt xanh”, biết nhìn ra vẻ đẹp của ta bất cứ lúc nào. Giờ đây “da trắng như tuyết, tóc đen như gỗ mun” trở thành tiêu chí dân chủ gấp vạn lần ngày xưa. Việc còn lại là ngồi đếm “like” (lượt thích).

Nhưng thừa nhận với nhau đi, chính sự rủi ro này lại là yếu tố kích thích sự mạo hiểm của ta khi đăng hình tự sướng. Nó chứa một nguồn năng lượng kích thích sự đua tranh của mỗi người về mặt tiến hóa. Bức ảnh selfie của các chị em tái hiện lại nét quyến rũ của vô số trang quảng cáo có hình ảnh người mẫu Victoria’s Secret cho đến vẻ thanh lịch của các đệ nhất phu nhân trên các bản tin.

Selfie, dù chụp chính ta, lại giúp ta hóa thân vào một trò chơi thực tế. Nhu cầu được trở thành người khác, một cái tôi siêu việt hóa ra chẳng chỉ riêng của cánh đàn ông mà còn đúng với cả giới nữ.

Bức ảnh có sự cố (dù thật ra “sự cố” rất vớ vẩn - một lời trêu đùa làm ta phật ý) bị xóa đi lập tức. Rút cục thì, “không có phụ nữ xấu, chỉ có người phụ nữ không… đăng ảnh selfie”. Chụp ảnh tự sướng, nhờ công năng ngày càng được nâng cấp của các loại smartphone, các phiên bản càng mới càng biết cách cho ra hình ảnh vừa “thực” lại vừa “hư”.

Phụ nữ đăng hình selfie cũng giống như La Quán Trung viết Tam quốc diễn nghĩa, sáng tạo ra các nhân vật lắm khi không trùng khớp với nguyên mẫu, nhưng rõ ràng cả trăm triệu người say mê. Họ theo đuổi câu chuyện mà các nhân vật mang tính đại diện tham gia chứ ai hơi đâu cãi Tào Tháo đời thực không gian hùng như trong văn.

Vị giáo sư Úc ở Sydney đã thẳng thắn nhận xét về việc đăng hình tự sướng sexy của chị em rằng: “Cô ấy cũng khuếch đại mình thật nhiều trong cuộc sống này, như bao người mà thôi. Bất luận phải trái, vào thời buổi này, có ngoại hình quyến rũ, nói chung thu hoạch được nhiều hơn”.

Tuy nhiên, selfie không chỉ là vấn đề tự sướng, cho dù là yêu mình thái quá đi nữa, nó là một nghi thức đương đại xác nhận một người thực đang sống và đang kết nối với xã hội. Có thể những người không đăng hình selfie đã “thu hoạch” đủ rồi, không phải vất vả selfie nữa.

Về bản chất, đăng một tấm ảnh selfie quyến rũ có khác gì cố viết một bài tản văn sao cho độc giả thích thú đâu. Thay vì dữ liệu hiển thị bằng ký tự thì được trình bày bằng các điểm ảnh. Sự tác động vào thị giác và cảm xúc còn nhanh chóng và hiệu quả “muôn phần trội hơn”.

Sự thật đáng buồn đối với các nhà văn muôn thuở là: “một bức ảnh có giá trị như ngàn câu chữ”. Tôi tự sướng bằng chữ nghĩa của mình, thật cũng chưa chắc hiệu quả như chị em tự sướng bằng những tấm hình quyến rũ, dù chưa biết ai yêu bản thân hơn ai.

Nhà văn Nguyễn Trương Quý

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI