Tự sự của Sa Huỳnh

09/12/2023 - 07:25

PNO - Có thể nói Đa nhân cách - album đầu tay của Sa Huỳnh trong vai trò tác giả và ca sĩ - đã phác họa gần như trọn vẹn chân dung âm nhạc của cô.

“Đàn bà trẻ con” là cụm từ miêu tả Sa Huỳnh và âm nhạc của cô thường xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Vì ở đó, người ta nhìn thấy một cô gái trong veo, chân thành xuất hiện đồng thời với một phụ nữ đắm say, mãnh liệt, sâu lắng như “cơi trầu” và cũng biết ghen như bao người đang yêu khác.

Nhưng Sa Huỳnh đâu chỉ có thế. Ở cô còn có sự nhạy cảm đôi khi hơi quá mức của người làm nghệ thuật mà cô đang cố gắng cân bằng; còn có khát khao được giãi bày và tìm kiếm những tri âm tri kỷ qua âm nhạc. Quan trọng hơn, bên trong Sa Huỳnh luôn tồn tại một ngọn lửa mà từ khi được thổi bùng lên vào năm 17 tuổi, thời điểm cô nổi đình đám với ca khúc Về ăn cơm trên sóng Bài hát Việt, vẫn luôn cháy và càng cháy càng sáng, càng ấm áp.

Cùng thời với Sa Huỳnh giai đoạn đó còn có những cái tên nữ nhạc sĩ rất sáng giá như Giáng Son, Lưu Thiên Hương hay Lê Cát Trọng Lý. Dẫu mỗi người một “trường phái”, đôi khi gián đoạn vì lý do này, lý do khác nhưng họ đã cùng nhau vẽ nên diện mạo âm nhạc đầy tính nữ, cho thấy sự cần mẫn, sáng tạo độc đáo và riêng biệt.

Tuy nhiên, nếu ở 3 nữ nhạc sĩ trên có sự tự tin và tâm thế sẵn sàng để bước vào giới giải trí thì Sa Huỳnh lại chọn cách thong dong, thậm chí có phần lảng tránh. Khi tên tuổi nở rộ và được giới nhạc thị trường săn đón, Sa Huỳnh chọn “theo chồng bỏ cuộc chơi” và chuyển hẳn ra Hà Nội sinh sống. Để rồi một thời gian sau, vợ chồng Sa Huỳnh - Duy Hùng làm một cuộc dịch chuyển nữa vào Sài Gòn.

Mọi sự lựa chọn hay những vọng động của đời sống, với Sa Huỳnh, đều là những trải nghiệm, những khám phá mới mẻ. Cô đón nhận chúng bằng trái tim, dẫu đôi lúc chẳng dễ dàng và từ đó hoàn thiện bản thân mỗi ngày một chút. Vậy nên, âm nhạc với Sa Huỳnh là một hành trình trưởng thành. Không quá khi nói Sa Huỳnh viết nhạc và tự hát để tìm tri kỷ. Mỗi bài hát cô viết là một dấu mốc quan trọng cho những bước ngoặt, những thay đổi dù nhỏ hay lớn nhưng có sức tác động không hề nhỏ đến cô. Có thể là Mang thai, Bão hòa và nhiều ca khúc nữa từng được Tùng Dương thể hiện rất thành công; cũng có thể là những cảm xúc biến chuyển một cách vi tế như trong album này.

Từ những hoài niệm ấu thơ trong À ơi ban trưa, sự khám phá về nỗi buồn, lời nhắc nhủ ai đó và cũng là chính mình, rằng “Có được rồi đừng để mất đi” cho đến những ghen tuông rất phụ nữ trong Hoạn Thư, sự bẽ bàng thảng thốt trong Hóa ra người xa lạ… - các bài hát được Sa Huỳnh chọn lựa kỹ càng vừa tạo thành một câu chuyện âm nhạc hoàn chỉnh, vừa phù hợp với giọng hát thủ thỉ, tâm tình của cô.

Tuy nhiên, nhạc của Sa Huỳnh trong Đa nhân cách cực kỳ trúc trắc, vì thế album này không hề dễ nghe. Song, một khi đã vượt qua được các bước chuyển điệu ấy, người nghe sẽ tìm được sự đồng cảm và ít nhiều thấy trái tim mình được xoa dịu. Bởi suy cho cùng, âm nhạc là tiếng nói của trái tim và Sa Huỳnh đã chạm đến trái tim bằng những điều chân thật nhất.

Ca khúc Đa nhân cách: 

 

Sa Huỳnh làm thơ và có thơ được chọn đăng báo từ bé, đó cũng là thế mạnh của cô cho phần lời nhạc. Thế nhưng, ở album này, không chỉ phần lời mà khâu phối khí, sản xuất cũng như thiết kế đĩa cũng là những điểm sáng. Phần hòa âm không chỉ tôn vinh được chất giọng của Sa Huỳnh mà còn mang người nghe đến những thế giới khác nhau của âm thanh. Mỗi bài hát là một thế giới thú vị, rất Việt Nam mà không hề cũ trong khi những hình vẽ minh họa cho mỗi bài hát trên thiết kế đĩa khơi lên trí tưởng tượng về những câu chuyện khác nhau. 

Điều tiếc nuối nhất cho album có lẽ ở đôi chỗ xuống tông thấp, giọng Sa Huỳnh chưa được mượt mà. Nhưng, với một người mới bắt đầu đi những bước đầu tiên, còn gì lớn lao hơn tìm gặp được những dây rung động cùng tần số. Trong bối cảnh nhiều ca sĩ chuyên nghiệp ngần ngại phát hành đĩa vật lý vì điều kiện kinh tế, điều này thật đáng để trân trọng. 

Linh Lan

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI