Từ sự cố đề thi ở Hà Nội, TPHCM lên phương án ra sao cho kỳ thi tốt nghiệp THPT?

18/06/2023 - 14:17

PNO - Với hơn 97.000 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023, TPHCM đã xây dựng phương án dự phòng trong khâu in sao đề thi với số lượng lớn, tránh sự cố.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, năm nay TPHCM có 97.437 thí sinh dự thi bao gồm thí sinh THPT, GDTX và thí sinh tự do. Với số lượng thí sinh lớn, TPHCM đã bố trí 18 máy in công suất lớn trong đó có 6 máy in dự phòng để đảm bảo xử lý kịp thời cho các tình huống bất thường xảy ra trong quá trình in sao đề thi số lượng lớn. Cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ công tác in sao đề thi đảm bảo đúng yêu cầu. Ban in sao đề thi gồm 92 người đều được tập huấn kỹ cả về mặt kỹ thuật.

Khu vực in sao đề thi đảm bảo an toàn, kín đáo, biệt lập và được bảo vệ nghiêm ngặt trong suốt thời gian làm việc, có đầy đủ phương tiện bảo mật, phóng cháy, chữa cháy theo quy định.

TPHCM lên phương án trong khâu in sao đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023
TPHCM lên phương án trong khâu in sao đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023

Về khâu in sao đề thi, Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng - Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 cho hay, qua kiểm tra thấy còn có nơi có lúc chưa quan tâm thỏa đáng cho anh em bộ phận in sao đề thi. Có nơi hàng chục người phải ở trong một không gian nhỏ, ngủ ghế bố. Tổ chức công việc quan trọng như vậy nhưng nơi ăn chốn ở thì chưa tương xứng.

“Các địa phương phải chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho cán bộ làm thi đảm bảo đủ sức khoẻ, thoải mái tinh thần thể chất để làm tốt. Chỉ cần một khâu sơ sểnh, in sao đề thi không tốt, không kiểm tra thì sẽ phải trả giá. Nơi in sao đề thi, làm phách, chấm thi cần chủ động điều kiện về điện trong trường hợp bất khả kháng” - Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia kỳ thi nhấn mạnh. 

Theo ông, kỳ thi tốt nghiệp THPT là một kỳ thi có quy mô lớn trên cả nước, trong cùng một thời điểm có hàng triệu thí sinh dự thi cùng khoảng 220 ngàn cán bộ làm thi. Những tình huống bất thường có thể xảy ra bất cứ lúc nào, vì thế, công tác đảm bảo an ninh trật tự, dự phòng các giải pháp ứng phó cần luôn chủ động. 

Ông đề nghị Ban chỉ đạo kỳ thi các tỉnh, thành phố phải nhận thức được tầm quan trọng của kỳ thi, đảm bảo các yếu tố nghiêm túc, khách quan, công bằng, đúng quy chế. Không quá căng thẳng áp lực song cũng không quoa loa, đại khái. Cần phân cấp phân quyền thống nhất, chủ động trong tổ chức kỳ thi.

Riêng khâu tập huấn phải thật kỹ lưỡng, cụ thể hóa từng đối tượng từ chủ tịch hội đồng thi, cán bộ coi thi, làm phách…, đảm bảo yêu cầu không có 1 cán bộ nhân viên nào tham gia vào tổ chức thi mà chưa được tập huấn hoặc nói rằng mình chưa nắm vững quy chế thi. Chọn con người tham gia vào kỳ thi phải vừa có kinh nghiệm, vừa có trách nhiệm.. 

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, trong khâu tổ chức thi thì cẩn thận, chu đáo bao nhiêu cũng không đủ, cần thực hiện theo nguyên tắc “4 đúng, 3 không”: đúng quy chế; đúng đủ quy trình; đúng vị trí; đúng thời điểm kịp thời xử lý các tình huống bất thường và không lơ là chủ quan; không tự ý xử lý tình huống bất thường; không căng thẳng quá mức.

Quốc Trung

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI