Từ phương xa nhớ tháng Tư quê nhà

22/04/2025 - 06:05

PNO - Xa quê hương nửa vòng trái đất, ở một nơi có cái lạnh trong ngày giữa tháng Tư có khi âm 5-7 độ C, tôi vẫn cảm nhận được sức nóng của những gì đang diễn ra nơi quê nhà.

Hình ảnh lá tổ quốc cờ rực rỡ giữa đêm pháo hoa giao thừa “online” (ảnh: Hà Thị Trâm Anh)
Hình ảnh lá cờ Tổ quốc rực rỡ giữa đêm pháo hoa giao thừa “online” (ảnh: Hà Thị Trâm Anh)

Cô bạn thân nhắn tin: “Chị về đi, về em dẫn đi coi duyệt binh diễu hành chào mừng 50 năm ngày thống nhất đất nước”. Dù đang xa quê hương nửa vòng trái đất, ở nơi có cái lạnh trong ngày giữa tháng Tư có khi âm 5-7 độ C, tôi vẫn cảm nhận được sức nóng của những gì đang diễn ra nơi quê nhà.

Không dưng có một điều gì đó cuộn chảy trong lòng tôi, dường như là sự bồi hồi, xúc động, là cảm giác bồn chồn, day dứt khó diễn đạt bằng lời. Tháng Tư hàng năm vốn là tháng nắng nóng ở quê nhà, huống gì năm nay khắp nơi rộn rã chào mừng kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước với nhiều hoạt động tưng bừng, sôi nổi.

Sinh ra và lớn lên giữa thời bình, dẫu không cảm nhận được hết sự khốc liệt của chiến tranh cũng như nỗi đau thương, mất mát của những người đã hy sinh cho nền hòa bình của đất nước, nhưng tôi có thể hiểu, để có được ngày hôm nay, đất nước đã trải qua muôn vàn gian lao, khó nhọc. Tôi luôn hạnh phúc vì được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này.

Nếu có ai hỏi điều gì gợi cho những người xa nhà nỗi nhớ quê hương nhiều nhất, tôi cho rằng đó không hẳn là tà áo dài truyền thống, là một món ăn gợi thèm cả mùi lẫn vị, hay một thanh âm, hình ảnh quen thuộc nào, mà chính là hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng. Phải chăng vì vậy mà những người du lịch thường đem theo lá cờ trong hành trang hay mặc áo, đội nón có in hình lá cờ để đánh dấu kỷ niệm những vùng đất họ đặt chân đến?

Riêng tôi, những đêm giao thừa xa nhà, đón giao thừa “online” nhờ cuộc gọi video của cô bạn thân, tôi đã suýt bật khóc khi thấy rừng cờ đỏ sao vàng rợp khắp các con phố TPHCM, giữa những màn trình diễn pháo hoa rực rỡ, lung linh đủ màu sắc trên nền trời đêm giao thừa.

Cảm giác xôn xao, rộn ràng của những ngày tháng Tư làm tôi nhớ những ngày TPHCM chính thức đưa vào sử dụng tuyến metro đầu tiên. Đã từng đi xe điện ngầm ở một số nước tiên tiến trên thế giới nhưng tôi vẫn chờ ngày được đặt chân trên chuyến tàu điện trên chính thành phố nơi mình sinh ra và lớn lên. Cũng như từng ngắm pháo hoa rực rỡ nơi xứ người, nhưng có lẽ chỉ trên bầu trời thành phố của mình, giữa bầu không khí của đất nước mình, hình ảnh ấy mới thực sự ấm áp.

Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, gần 50 năm đi qua cuộc đời mình, chứng kiến những thăng trầm của thời cuộc, là nhân chứng sống của nhiều biến chuyển vui buồn, tôi đã phần nào mãn nguyện khi nhìn ngắm "dung nhan" của đất nước, dù vẫn mơ ước những điều tốt đẹp hơn nữa mỗi ngày.

Vì cuộc sống, vì mưu sinh và những lý do khác nhau mà nhiều người dân Việt phải bôn ba khắp năm châu bốn bể. Nhưng những ai xa quê hương mới hiểu, dẫu thời gian có bôi xoá nhiều thứ trong ký ức của một người, nhưng cũng chính thời gian lại hằn sâu trong tim nỗi nhớ quê hương không gì bù đắp được.

Mấy ngày nay, xung quanh tôi, người thân, bạn bè đang chuẩn bị hành lý để kịp trở về vào dịp tháng Tư này, để được hoà mình vào không khí lễ hội tưng bừng, để được sống lại những ngày tháng đáng tự hào của dân tộc. Là người đang ở xa, tôi chỉ biết chúc phúc cho quê hương qua những con chữ. Tôi sẽ ngắm nhìn và chia vui cùng ngày hội của đất nước qua những cuộc gọi “live” và sự tường thuật nhiệt tình của người thân, bạn bè.

Với trái tim nồng nhiệt luôn hướng về quê nhà cùng tâm niệm: “Mai đây dù có đi xa, trong tim là cả quê hương” (*), tôi cầu mong đất nước luôn bình yên, vững vàng vượt qua mọi thử thách, để mỗi một năm trôi qua, người dân thành phố luôn nhìn lại và tự hào. Những người con của đất nước ở xa luôn ấm lòng khi nghĩ về nơi chôn nhau cắt rốn.

Tháng Tư ơi, vui sao nước mắt lại trào!

Vicky Le

(từ Colorado, Mỹ)

(*): lời bài hát Một thoáng quê hương, nhạc sĩ Thanh Tùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI