Từ phim 'Thưa mẹ con đi': Đừng tự 'bẫy' mình bằng truyền thông

28/08/2019 - 07:33

PNO - Những ai đã xem 'Thưa mẹ con đi' có thể thấy, đây là bộ phim về tình cảm gia đình hơn là kể câu chuyện tình giữa hai chàng trai, như cách mà phim dùng đồng tính làm “chất liệu” chính để quảng bá trước đó.

Mười ngày trụ rạp đã trôi qua với bộ phim Thưa mẹ con đi (khởi chiếu ngày 16/8). 

Là tác phẩm hiếm hoi xuất hiện kể từ sau ba tháng hè điện ảnh Việt gần như bặt tăm trên màn ảnh, bộ phim truyện dài đầu tay của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh đã không phụ công chờ đợi của khán giả. Phim nhận được nhiều lời khen của truyền thông lẫn công chúng.

Nhưng cũng từ những ngày đầu ra mắt, lịch chiếu dành cho phim tại các cụm rạp lớn ở Hà Nội, TP.HCM khá ít ỏi, lại còn rơi vào những khung giờ khá kén khách như 8-9g sáng, 12g30-13g hoặc tối muộn, trong khi suất chiếu vào giờ “vàng” quá hiếm hoi. Thực tế này khiến đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh phải “đăng đàn” kêu gọi mọi người tích cực đến rạp xem phim để Thưa mẹ con đi có thể trụ rạp. Trả lời báo chí về chuyện phim bị hạn chế suất chiếu, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh nói, yếu tố đồng tính trong phim có thể là lý do khiến các rạp e dè, vì LGBT vốn không phải là chủ đề ăn khách ở Việt Nam.

Tu phim 'Thua me con di': Dung tu 'bay' minh bang truyen thong
Cảm xúc của Thưa mẹ con đi nằm ở yếu tố gia đình hơn là mối tình đồng tính của hai chàng trai

Những ai đã xem Thưa mẹ con đi có thể thấy, đây là bộ phim về tình cảm gia đình hơn là kể câu chuyện tình giữa hai chàng trai, như cách mà phim dùng đồng tính làm “chất liệu” chính để quảng bá trước đó. Xuyên suốt phim, đọng lại trong lòng khán giả là chất Việt, thể hiện qua những yếu tố bản địa như bối cảnh ngôi nhà, tục tảo mộ, hội chợ miệt vườn, đám giỗ quê, văn hóa Đông - Tây trong bữa ăn, tư tưởng cháu đích tôn phải lấy vợ, đẻ con nối dõi tông đường…

Hồn Việt trong phim là tình mẹ thương con, bà thương cháu, bao trùm trong cách xây dựng từng nhân vật cũng như lời thoại của họ. Bà nội của Văn hồn hậu, an ủi cháu trai: “Nếu thằng này không được thì mình kiếm thằng khác, thiếu gì”. Mẹ của Văn đảm đang, tinh tế qua câu nói với con trai: “Đời mẹ làm vợ thì ít, làm dâu thì dài”. Cô út Hồng thương mẹ, nhưng ưa hờn mát: “Có thằng cháu cưng là cho tui ra rìa”. Đó mới chính là “chìa khóa” níu cảm xúc khán giả chứ không phải vài phân cảnh âu yếm trong nhà tắm, hành động gắp thức ăn cho nhau hay cái nắm tay, tựa đầu giữa hai nhân vật chính.

Sự khó xử khi phải lựa chọn giữa hiếu và tình, sống cho bản thân hay cho gia đình - vấn đề mà phim đặt ra không phải là chuyện hiếm gặp trong các gia đình. Vì thế, nếu quá chú trọng vào “chất liệu” đồng tính để tiếp thị, sẽ dễ khiến phim lọt “bẫy” tự giới hạn đối tượng người xem, dẫn đến việc chưa chiếu đã bị xếp suất không tốt. Rất may, Thưa mẹ con đi đã có lịch chiếu thay đổi theo hướng thuận lợi hơn, nhưng câu chuyện đạo diễn phim kêu gọi “giải cứu” hẳn sẽ là bài học cho những ai làm phim về giới LGBT. 

Nguyễn Ngọc 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI