Những ngày này, pháp đình trở thành một “điểm nóng”, dư luận theo dõi sát sao số phận pháp lý của cô hoa hậu trẻ, mà những bằng chứng, nhân chứng mới được đưa ra từng ngày đã khiến cho phiên tòa sơ thẩm ngoặt sang những hướng bất ngờ.
Ai theo dõi những phiên tranh tụng ấy mới thấy, đây thoạt đầu tưởng là một phiên tòa chẳng có gì đặc biệt với cái khởi đầu rất thị phi (câu chuyện đại gia - chân dài), nay đã hóa thành nơi đấu trí đấu sức, nơi hé lộ những số phận, tính cách, quyết định không ngờ tới.
Cả những cuộc đời, những con người tưởng có thể giấu mặt, có thể chôn chặt mối liên quan của họ với tấn bi hài kịch này, nay cũng đã bắt đầu phải bước tới tòa trước sức ép tự thân của phiên xử, của luật pháp và dư luận.
|
Hoa hậu Phương Nga đã được tại ngoại điều tra sau phiên tòa kết thúc ngày 29/6. |
Nếu cứ nhìn vào sắc diện của những người trong cuộc, sẽ có cảm giác câu chuyện đã đi xa hơn người ta dự định - xa hơn nguyện vọng của bên nguyên, và xa hơn ý muốn của những người tham gia quá trình khởi tố, điều tra vụ án. Nhưng bây giờ thì chắc khó mà dừng lại được nữa rồi.
Trong khi đó, một quyết định khác khởi đầu cho một hành trình khác, cũng dẫn tới tòa, đã được thi hành. Một bác sĩ, cũng rất trẻ, thuộc khoa Hồi sức tích cực - Đơn nguyên Thận nhân tạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, đã bị khởi tố và bắt giam phục vụ điều tra.
Chuyện bắt đầu từ ngày 29/5, khi sự cố y khoa đã xảy ra tại bệnh viện, 18 bệnh nhân bị hôn mê, tính đến nay có tám nạn nhân đã tử vong. Nguyên do sự cố được cho là tại hệ thống nước của thiết bị, mà khi kiểm tra, người ta thấy đã được sửa chữa, khử trùng bởi một công ty không phải là công ty được chính thức ký hợp đồng sửa chữa.
Bác sĩ này bị bắt giam do chưa nhận được bàn giao việc sửa chữa bằng văn bản và chưa biết nguồn nước có đạt tiêu chuẩn hay không, mà vẫn quyết định chạy thận cho các bệnh nhân. Hàng loạt giáo sư đầu ngành đã lên tiếng phản đối vụ bắt giam này.
|
Bộ Y tế kiến nghị cho BS Lương tại ngoại thay vì hình thức tạm giam để điều tra sự việc |
Ngày 27/6, Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam đã gửi đơn kiến nghị lên Bộ trưởng Bộ Công an về việc cơ quan điều tra bắt tạm giam bác sĩ Hoàng Công Lương. Trong thời điểm nhiều ý kiến trao đổi gay gắt, đã có kiến nghị cho rằng nên thay đổi hình thức: cho tại ngoại điều tra hơn là bắt giam.
Như một sự sắp xếp cố tình của tạo hóa, việc đề nghị cho bác sĩ trên được tại ngoại điều tra cũng trùng hợp với việc luật sư tại phiên tòa đề nghị cho cô hoa hậu được tại ngoại trong quá trình tranh tụng, xét xử.
Tự do, dù là tự do hạn chế, cũng là điều đáng ao ước, đáng đấu tranh. Không biết diễn tiến sắp tới sẽ ra sao, nhưng rõ ràng, các nhà tư pháp cũng đang chịu một sức ép từ công luận, và sự căng thẳng của họ là có thể hiểu được.
Ít có khi nào mà các quyết định của các cơ quan thi hành pháp luật được “soi” kỹ đến vậy, và rất có thể còn bị thay đổi. Đây là kết quả của một quá trình, khi những vụ án oan sai làm chấn động dư luận, làm nảy sinh nỗi hồ nghi: hình như hệ thống hành pháp của mình đang có vấn đề.
Dư luận còn chưa quên năm 2015 với hai vụ án oan sai được xác định, minh oan, bồi thường: vụ Huỳnh Văn Nén và vụ Nguyễn Thanh Chấn. Nay thì nỗi hồ nghi ấy mở rộng hơn một chút nữa: tư pháp càng có vấn đề.
Tại phiên tòa của cô hoa hậu, một nhân chứng được tòa triệu tập đã yêu cầu được ngồi trong phòng kín thực hiện thẩm vấn, đối chất bằng âm thanh qua micro, và tòa chấp nhận. Chuyện này trở thành chuyện lạ lùng hiếm có, mà theo lời một vị phó chánh tòa hình sự, là chưa từng xảy ra “trong suốt 30 năm”.
Phiên tòa chưa kết thúc, khi các chi tiết, các lập luận trong thực tế diễn ra ngày một phức tạp hơn và sự theo dõi sát sao của truyền thông cho thấy nhiều mặt khuất tất của quá trình điều tra được lật ra, dư luận dự đoán rồi sẽ còn nhiều chuyện khác cũng sẽ tiếp tục trở thành công khai, dù có thể có người không muốn.
Cô gái đứng trước vành móng ngựa tuyên bố mình “giữ quyền im lặng” trong những ngày đầu phiên tòa sơ thẩm rõ ràng đã chủ động nghiên cứu luật chơi và chọn chơi theo cách của mình. Đó là người trong cuộc. Một hội nghề nghiệp, với những tên tuổi đầu ngành, uy tín, với những người thầy thâm niên mấy chục năm trong nghề chữa bệnh và dạy học ở trường y, đã lên tiếng quyết liệt: “Đừng để chúng tôi có cảm giác mình là con tốt đen”.
Đó là những người (theo cách nghĩ thông thường là) ngoài cuộc. Chắc chắn sau những động thái này, hệ thống hành pháp, tư pháp sẽ có những nhìn nhận lại. Cuộc sống đã chuyển động theo tốc độ và quy luật riêng của nó, và những vụ việc trên là những phản quang chói gắt vào thế giới thâm u của pháp đình, nó chứng tỏ, và thúc giục toàn bộ hệ thống phải thay đổi để bắt kịp những chuyển động của thực tiễn.
Kết quả được mong đợi, và cũng là kết quả tích cực nhất trong mọi vụ án luôn luôn là sự thực thi công lý, đúng người đúng tội, kẻ có tội sẽ phải chịu trách nhiệm về tội lỗi của mình. Tuy nhiên, nhân loại cũng biết rằng, minh định chuyện đúng sai ở đời này là chuyện khó đạt đến mức tuyệt đối, không phải lúc nào phán quyết của tòa án cũng đúng đắn đối với tất cả những người có liên quan, khi đó, trách nhiệm tối thiểu là không để xảy ra thêm oan sai nào khác nữa...
Lập Phương