Từ những đồng xu cổ lượm được đến 2 bảo tàng tư nhân

23/06/2024 - 07:57

PNO - 30 năm trước, ông Đỗ Hùng thích thú khi nhặt được vài đồng xu cổ. Ông cũng không ngờ từ niềm đam mê khơi dậy lúc đó, giờ ông đã có 2 bảo tàng riêng về văn hóa, lịch sử Việt.

Bảo tàng trang sức 54 dân tộc Việt Nam và Bảo tàng Hoàng cung triều Nguyễn đặt tại số 68 Nguyễn Huệ, quận 1, TPHCM, có diện tích khoảng 1.000m2, được đầu tư với chi phí ban đầu 15 tỉ đồng, chưa tính giá trị của hàng ngàn hiện vật. Báo Phụ nữ TPHCM đã phỏng vấn ông Đỗ Hùng - chủ của 2 bảo tàng này

Ông Đỗ Hùng thuyết minh về các cổ vật trong Bảo tàng Hoàng cung triều Nguyễn
Ông Đỗ Hùng thuyết minh về các cổ vật trong Bảo tàng Hoàng cung triều Nguyễn

Phóng viên: Lĩnh vực sưu tầm cũng có nhiều điểm khó khăn riêng, đặc biệt trong việc kiểm chứng nguồn gốc, tính xác thực. Ông đã trải qua quá trình này ra sao?

Ông Đỗ Hùng: Mỗi hiện vật đều gắn với một câu chuyện hoặc tinh hoa của từng giai đoạn trong lịch sử. Điều đó thôi thúc tôi tìm tòi, góp nhặt chúng. Tôi đã tham gia rất nhiều cuộc đấu giá ngoài nước, đưa nhiều cổ vật về Việt Nam. Thời tôi trẻ, tài liệu nghiên cứu không nhiều, thậm chí thiếu thốn. Tôi lục tung các hiệu sách để mua được Cảnh Đức Trần đào lục, Thú vui ngoạn cổ… của cụ Vương Hồng Sển để nghiên cứu. Giai đoạn sau, tôi tìm hiểu tài liệu của các nhà nghiên cứu tư nhân, nhưng cũng rất ít.

Tôi cũng mua nhiều tài liệu từ Pháp về, sau đó thuê người biên dịch. Về sau, tôi làm quen và nhận được sự hỗ trợ của nhiều người công tác trong các bảo tàng lớn của cả nước, cho tôi tham khảo nhiều tài liệu của Viện Sử học quốc gia… có cơ sở chắc hơn cho việc sưu tầm.

Việc chọn nguồn để mua hết sức quan trọng. Với cổ vật triều Nguyễn, tôi chủ yếu mua qua các hãng đấu giá lớn, có uy tín trong lĩnh vực này. Việc xác định tính xác thực của cổ vật đòi hỏi sự kỳ công. Tôi đích thân mua, tìm hiểu và cũng từng “trả học phí” nên nhớ dai lắm.

* Việc xây dựng, vận hành bảo tàng không đơn giản. Nhiều đơn vị đã thành lập và gặp không ít khó khăn khi đi vào hoạt động.

- Dĩ nhiên, với người làm kinh tế, tôi sẽ không chọn làm bảo tàng nếu chỉ nhìn về góc độ lợi nhuận. Để thành lập bảo tàng cần những trải nghiệm đủ lớn. Tại các nước Âu - Mỹ, mô hình bảo tàng tư nhân phát triển khá mạnh. Nhưng tại Việt Nam thì ngược lại, vì không có vị trí tốt, cách trưng bày chưa hấp dẫn... 10 năm qua, tôi đến nhiều bảo tàng trên thế giới để tham khảo các mô hình, phong cách trưng bày. Dựa vào đặc thù văn hóa Việt Nam, tôi cách điệu các chi tiết để thể hiện. Tại Singapore, Thái Lan, các bảo tàng tư nhân vẫn phát triển, sống tốt, nhưng dĩ nhiên khó bằng các ngành kinh tế chủ lực.

Khách tham quan Bảo tàng Trang sức 54 dân tộc Việt Nam (Ảnh: Thành Lâm)
Khách tham quan Bảo tàng Trang sức 54 dân tộc Việt Nam (Ảnh: Thành Lâm)

* Hỗ trợ bảo tàng tư nhân phát triển là vấn đề được đề cập rất nhiều trong 2 năm qua. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

- Việc quảng bá, lưu truyền văn hóa chưa bao giờ dễ. Nhìn ở mặt tích cực, tôi thấy Nhà nước cũng đang ủng hộ cho sự phát triển của bảo tàng. Tuy nhiên, khi về đến địa phương thì tùy vào điều kiện kinh tế, xã hội, sự phát triển của các lĩnh vực mà quan điểm khá khác biệt. Việc đầu tiên vẫn cần sự nỗ lực từ bên trong của mỗi đơn vị, trước khi nghĩ đến những nguồn lực bên ngoài.

Lượng hiện vật được trưng bày ở 2 bảo tàng chỉ chiếm khoảng 20 - 25% số cổ vật tôi đang có. Thực tế, ở trung tâm TPHCM, muốn tìm một mặt bằng có diện tích lớn gấp 3 lần hiện tại để trưng bày hiện vật nhiều hơn rất khó.

Ở nước ngoài, bảo tàng được xem là trường học thứ hai, hỗ trợ tốt cho việc giáo dục. Tại Việt Nam, chúng ta đang theo xu hướng này và sẽ là chuyện tất yếu. Nhưng để có được điều này là câu chuyện dài hơi, sự kết hợp của nhiều thành tố, chứ không phải chuyện riêng của ai hay đơn vị nào.

* Xin cảm ơn ông.

Bảo tàng trang sức tại tầng trệt trưng bày đầy đủ trang sức của 54 dân tộc Việt Nam, có những món tuổi thọ khoảng 2.500 năm. Trong đó, trang sức của dân tộc Kinh chiếm nhiều nhất, được chia thành nhiều chất liệu: ngọc, đồi mồi, vàng, bạc… Nhiều hiện vật xuất hiện từ đầu triều Nguyễn.

Bảo tàng Hoàng cung triều Nguyễn (tầng 8-9) trưng bày nhiều hiện vật quý của các vua triều Nguyễn và hoàng hậu Nam Phương. Đáng chú ý là hiện vật của vua Kiến Phúc, lâu nay rất khó sưu tầm. 1 trong 2 chiếc cúp mừng sinh nhật vua Duy Tân cũng có mặt tại đây. Đời sống hoàng cung triều Nguyễn còn được thể hiện rõ qua nhiều cổ vật như: võng của hoàng tử, công chúa; bàn ăn; tủ; tranh thêu; vũ khí; trang phục…

Theo tiến sĩ Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế, thành viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia - bộ sưu tập của ông Đỗ Hùng có nhiều hiện vật mà ngay tại Huế và nhiều bảo tàng khác trên cả nước chưa có hoặc còn thiếu. Ông đánh giá trong bộ sưu tập này có mấy chục cổ vật rất quý, đa dạng.

Thành Lâm (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI