Từ những câu chuyện ấu thơ

19/04/2019 - 19:00

PNO - Tôi nhớ, vào cái tuổi chưa biết đọc, anh em tôi, mỗi tối trước khi đi ngủ, đều chen chúc, giành giật nhau để được nằm cạnh bà tôi, để được là đứa nằm gần bà nhất, khi bà kể chuyện.

LTS: Sáng nay, 19/4, Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM, Hội Xuất bản Việt Nam và báo Tuổi trẻ tổ chức tọa đàm "Làm gì để tạo thói quen đọc sách cho trẻ?" nhằm tìm giải pháp, kiến nghị và tham mưu cho UBND TP.HCM trong việc thực hiện đề án "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030". Đây cũng là hoạt động ý nghĩa nhân Ngày sách Việt Nam 21/4. Báo Phụ Nữ TP.HCM giới thiệu đến bạn đọc bài tham luận của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, trình bày trong 
tọa đàm.


1. Bao giờ cũng vậy, tôi luôn cảm động khi nhìn thấy một em bé ngồi say sưa đọc sách. Em ngồi trên chiếc băng dài ở trạm chờ xe buýt, trên ghế đá công viên hay trên chiếc ghế nhựa ở một quán cà phê lắp kính. Em 7, 8 tuổi, có người lớn đi kèm. Trong khi bố mẹ hay anh chị của em ngồi tán gẫu bên tách cà phê hay đang đuổi theo một quả cầu lông trên bãi cỏ thì em ngồi đó, một mình một thế giới, soi mặt vào trang sách, bằng vẻ hạnh phúc rạng ngời.

Tu nhung cau chuyen au tho
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

Những câu chuyện đã vẽ ra trong trí óc non tơ của tôi những gam màu tuyệt đẹp. Chúng gieo vào đầu tôi những hình ảnh mới mẻ, một thế giới lấp lánh màu sắc, làm dậy lên những nỗi hồi hộp, lo lắng, mừng vui qua số phận gập ghềnh của cô Tấm, những kiếp nạn của thầy trò Đường Tăng. Bà và chú tôi kể mãi cũng hết chuyện.Tôi tin, mọi trẻ em trên thế giới đều thích nghe kể chuyện. Tôi nhớ, vào cái tuổi chưa biết đọc, anh em tôi, mỗi tối trước khi đi ngủ, đều chen chúc, giành giật nhau để được nằm cạnh bà tôi, để được là đứa nằm gần bà nhất, khi bà kể chuyện. Cũng lạ, tiếng bà kể trong đêm, nằm đâu nghe cũng rõ, nhưng đứa nào cũng thích được nằm cạnh bà, như thể chạm vào bà thì hình ảnh trong các câu chuyện sẽ lung linh hơn. Ba tôi đi làm xa, nên những câu chuyện đầu tiên tôi nghe được là từ bà và chú tôi. Bà tôi kể chuyện Tấm Cám, Thạch Sanh, Cây tre trăm đốt, Đôi hia bảy dặm... Chú tôi lại thích kể chuyện Tôn Ngộ Không, Na Tra và một số chuyện trong Nghìn lẻ một đêm như Aladin và cây đèn thần, Alibaba và bốn mươi tên cướp...

Từ khi nghe chú tôi mách những câu chuyện đó và vô số những câu chuyện tương tự được chứa trong các cuốn sách, tôi đã cố gắng học chữ để có thể tự mình khám phá thế giới kỳ diệu kia. bảy tuổi, tôi mê mẩn với những cuốn Cái ấm đất, Ông đồ bể trong tủ sách Hồng do ba tôi mua về. Tám, chín tuổi, tôi đã mày mò đọc hết rương truyện Tàu của ông thợ hớt tóc trong làng. Rồi tôi tìm đến Vô gia đình của Hector Malot, Những kẻ khốn nạn của Victor Hugo...

Tôi khóc, cười qua những trang sách, ngạc nhiên thấy mình trải qua những cảm xúc mà trên thực tế tôi chưa đủ lớn để trải nghiệm ngoài đời. Sách, như vậy, đã bồi đắp tâm hồn, làm giàu có và làm trưởng thành tình cảm của một đứa bé, mài sắc một cách tự nhiên các ý niệm đạo đức, qua sự yêu ghét với người hiền, kẻ ác và đặc biệt mở rộng đến vô biên bờ cõi của trí tưởng tượng. Khi tôi học lớp Chín, đã đọc được nhiều sách, tới lượt các đứa em nhỏ của tôi lại tranh nhau nằm gần tôi vào những buổi tối, nhao nhao: “Anh hai kể chuyện đi, anh hai”.

Tu nhung cau chuyen au tho

2. Thói quen đọc sách là sự nối dài thói quen nghe chuyện, dưới hình thức chủ động, như vậy, đã hình thành một cách tự nhiên, với một đứa trẻ. Đó là một hành vi, một nhu cầu, như chạy nhảy, bơi lội, đùa nghịch, hát hò, vẽ vời. Nhưng hạt giống của thói quen đó phải được và phải có người gieo trồng trong đầu đứa trẻ, từ thuở ấu thơ, bằng những câu chuyện kể, bằng những cuốn sách làm quà, để nhu cầu đọc sách nảy mầm và trở thành một khát khao tự nhiên, như cỏ cây khát ánh sáng và khí trời.

Dúi cuốn sách vào tay một đứa trẻ 14, 15 tuổi trước nay chưa từng được nghe chuyện, chưa từng rờ tới sách, suốt ngày chỉ cắm mắt vào game trên máy tính, ép em đọc, vì những lý do cao cả, “khám phá kho báu tri thức” hay “nâng cao văn hóa đọc”, như người lớn vẫn hay nói, là một việc quá muộn màng; vì vậy, quá nhọc nhằn, giống như ép một người chuyển máy bay khi máy bay đang ở trên không. Trẻ em đến với sách, trước hết vì niềm vui. Các em đọc sách là do thích thú chứ không phải do nghĩa vụ. Từ xưa, chúng ta vẫn nói “thú đọc sách” đó thôi. Nó cũng như thú câu cá, thú đánh cờ, thú chơi tem - hoàn toàn tự nguyện. Ngay cả khi lớn lên, đọc sách với tâm thế của nhà nghiên cứu thì trước khi khai quật các vỉa chữ bằng thao tác khoa học, tôi tin hình thức tiếp cận đầu tiên với sách của nhà nghiên cứu lỗi lạc đó vẫn là thái độ thích thú thơ trẻ của đứa bé năm xưa.

Em bé ngồi ở trạm chờ xe buýt, trên ghế đá công viên hay giữa quán cà phê lắp kính kia đến với sách hồn nhiên như đến với một người bạn. Người bạn đó đang thay thế cha mẹ, anh chị hay người bà, người chú của em, để tiếp tục kể cho em những câu chuyện bất tận về tình yêu và cuộc sống. Đó là lý do tại sao em trông hạnh phúc, háo hức và tin cậy nhường kia. 

Tu nhung cau chuyen au tho
Những thiên thần nhỏ ở Đường sách TP.HCM

Trong những buổi tặng chữ ký cho bạn đọc, nhân dịp ra sách mới, tôi luôn xúc động khi thấy cảnh bà dắt cháu hay cha mẹ dắt con tới chỗ tôi ngồi. Hình ảnh đó khiến tôi nhớ đến bà và chú tôi - những người đã in dấu lên trí não tôi từ thuở ban sơ, bằng những câu chuyện đầu đời đẹp đẽ. Chính những người lớn tuyệt vời đó đã đắp nên con đường đầy hoa lá cho trẻ em đặt chân. Để rồi em lớn lên, đi đâu về đâu, quán xá, tàu xe, dọc lề đường gió bụi hay trong giờ nghỉ giữa sở làm, sách vẫn trong tay.

Em bé đó, hy vọng một ngày nào đó, chúng ta sẽ bắt gặp trong chính nhà mình. 

Nguyễn Nhật Ánh

Ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam: “Tỷ lệ đọc sách vẫn 1 đầu sách/người/năm”

Sau 10 năm (2010 - 2019), chúng ta vẫn chưa đạt chỉ tiêu 6 đầu sách/người/năm. Thống kê của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về việc tiếp cận thư viện của người dân Việt Nam cho thấy, tỷ lệ người dân Việt Nam sử dụng thư viện công cộng rất thấp: chỉ 0,057% dân số. Nếu so với mục tiêu phấn đấu là 85% người dân (trong đó 90% là học sinh sinh viên) sử dụng thư viện thì sự chênh lệch quá lớn.

Theo số liệu của Cục Xuất bản Việt Nam, trong 3 năm gần đây, bình quân mỗi năm Việt Nam xuất bản chưa tới 400 triệu bản sách. Nhưng số lượng sách giáo khoa, giáo trình đã trên 300 triệu bản (chiếm 80%). Gần 100 triệu bản sách còn lại chia cho trên 90 triệu dân sẽ thành khoảng 1 đầu sách/người/năm. Việt Nam hoàn toàn không có tên trong danh sách 61 nước có số lượng người đọc sách cao trên thế giới; trong khi khối Đông Nam Á có 3 nước: Singapore đứng thứ 36, Malaysia đứng thứ 53 và Indonesia đứng thứ 60. 

Có 20 tham luận trong tọa đàm "Làm gì để tạo thói quen đọc sách cho trẻ?", chủ yếu nêu thực trạng, đề xuất phương hướng phát triển văn hóa đọc trong trường học. Các tham luận đều kiến nghị: Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng chương trình học có tiết/giờ đọc sách chính thức, áp dụng cho tất cả trường tiểu học trên cả nước.

Bên cạnh tọa đàm, Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM cũng tổ chức "Tuần lễ khuyến đọc: Sách và bạn trẻ" (diễn ra từ ngày 19-27/4 tại Đường sách TP.HCM), gồm các hoạt động: trưng bày, triển lãm các tủ sách khuyến đọc cho thiếu nhi, sách truyền cảm hứng cho giới trẻ... Trong ngày 21/4, phái đoàn Wallonie Bruxelles (Bỉ) có triển lãm Wallonie-Bruxelles/Việt Nam - Hợp tác văn học phát triển rực rỡ, triển lãm bìa các quyển sách nổi tiếng của văn học Bỉ (đã được dịch ra tiếng Việt, cùng tranh của họa sĩ Dany), poster phim được chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn trinh thám Simenon…

Dịp này, Đường sách TP.HCM cũng cho ra mắt kênh YouTube riêng của đơn vị. Kênh gồm 3 chủ đề: Giới thiệu sách, Bản tin Đường sách và Mỗi tuần một nhân vật. Các chuyên mục sẽ phát định kỳ lúc 20g, thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần, tại kênh Đường Sách Channel, bắt đầu từ ngày 20/4.

Lục Diệp

 


 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI