Tù nhân phải nộp đủ tiền phạt, bồi thường thiệt hại… mới được đặc xá?

21/05/2018 - 19:27

PNO - Dự án Luật đặc xá (sửa đổi) quy định người bị kết án phạt tù về bất kỳ tội gì đều phải chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, án phí, bồi thường thiệt hại...

Chiều 21/5, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã trình bày về Dự án Luật Đặc xá (sửa đổi) nhằm để sửa đổi, khắc phục những tồn tại sau 10 năm áp dụng Luật Đặc xá hiện hành.

Đáng lưu ý, tại Điều 10 quy đinh điều kiện được đề nghị đặc xá của Dự án Luật quy định: Người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn đang chấp hành hình phạt tù được đề nghị đặc xá phải có đủ một số điều kiện.

Trong đó nổi bật là yêu cầu “đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, đã nộp án phí. Trường hợp chưa chấp hành xong thì do Chủ tịch nước xem xét, quyết định” và “đã thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường thiệt hại hoặc nghĩa vụ dân sự khác, trừ trường hợp có thỏa thuận bằng văn bản không yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc đồng ý bồi thường thiệt hại sau khi được đặc xá”.

Nhận định về quy định này, Ủy ban Tư pháp cho biết, ở Luật hiện hành, những người bị kết án phạt tù về tội phạm tham nhũng hoặc một số tội khác do Chủ tịch nước quyết định thì phải chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác.

Việc Dự thảo Luật sửa đổi và áp dụng với người bị kết án phạt tù về "bất kỳ tội gì", nhiều ý kiến cho rằng sẽ dẫn đến có những người mặc dù quá trình cải tạo rất tốt, lập công lớn… nhưng do hoàn cảnh kinh tế khó khăn sẽ không có khả năng thi hành nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự. Như vậy, những đối tượng này thì sẽ không bao giờ được đặc xá, ảnh hưởng đến công bằng xã hội.

Tu nhan phai nop du tien phat, boi thuong thiet hai… moi duoc dac xa?
Lo quy định mới tại Dự án Luật đặc xá (sửa đổi) gây mất công bằng trong xã hội (ảnh minh họa)

Mặt khác, về bản chất, đặc xá là một trong những chính sách khoan hồng của Nhà nước đối với người chấp hành án phạt tù. Bên cạnh ý nghĩa là đặc ân của người đứng đầu Nhà nước thì chế định đặc xá còn có mục tiêu khuyến khích người chấp hành án phạt tù cải tạo tốt để sớm được tái hòa nhập cộng đồng. Việc đặc xá cũng tạo cơ hội cho họ sau khi được trả tự do có điều kiện lao động để thi hành nghĩa vụ dân sự.

“Việc ràng buộc trách nhiệm thi hành án dân sự đối với người bị kết án, coi đó là một điều kiện xét đặc xá sẽ làm giảm ý nghĩa của chính sách đặc xá, đồng thời làm mất đi động lực của những người bị kết án là người nghèo phấn đấu cải tạo tốt. Do vậy, đề nghị cân nhắc hết sức thận trọng quy định này”, bà chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết.

Ngoài ra, Dự thảo Luật giữ nguyên quy định của Luật hiện hành về 3 thời điểm đặc xá gồm: nhân sự kiện trọng đại của đất nước; nhân ngày lễ lớn của đất nước và trong trường hợp đặc biệt.

Có ý kiến cho rằng để khắc phục việc đặc xá nhiều như thời gian qua (trung bình 1,5 năm/01 đợt), bảo đảm tính cụ thể của Luật và tạo sự chủ động cho các cơ quan trong triển khai thực hiện, đề nghị quy định chỉ xét đặc xá nhân dịp Quốc khánh mùng 2/9 và không dưới 3 năm/đợt hoặc 5 năm/đợt.

Tuấn Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI