Không phải cứ bắt “trend” là thành đề mở
Hiện nay, nhiều giáo viên, nhà trường thường có xu hướng đưa những những vấn đề thời sự hoặc những vấn đề có sự quan tâm lớn của dư luận vào trong các đề kiểm tra để tạo sự gần gũi với học sinh, để mang hơi thở cuộc sống vào trong môn học. Sự đổi mới trong cách ra đề kiểm tra theo hướng này đã tạo được sự thích thú không nhỏ cho học sinh, giúp môn học trở nên thực tế và gần gũi với cuộc sống.
Đồng tình với phương pháp đổi mới trong cách thức ra đề kiểm tra, ThS. Nguyễn Phước Bảo Khôi (giảng viên Khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm TP.HCM) đánh giá, trước thực tế sách giáo khoa còn nặng tính hàn lâm, kiến thức còn nặng về lý thuyết thì việc ra đề kiểm tra mở với tính thực tế trước tiên là để giảm tính hàn lâm của môn học, mang hơi thở cuộc sống vào trong môn học. Đây là xu hướng hoàn toàn phù hợp.
|
Không phải cứ bắt trend là thành đề kiểm tra mở |
Đề kiểm tra mở cũng thể hiện sự thay đổi trong cách thức kiểm tra, đánh giá và cách học của học sinh. “Thay vì chỉ dập khuôn nêu ra các quan điểm, góc nhìn một chiều như các yếu tố hàn lâm trong chương trình học, đề kiểm tra mở trao cho học sinh cơ hội để nói lên tiếng nói, quan điểm, cách nhìn của chính mình trước các vấn đề xã hội. Đồng thời, cách ra đề này cũng rèn cho các em tư duy phản biện, cung cấp thêm thông tin cuộc sống thường nhật phù hợp đến với học sinh”, ThS. Khôi khẳng định.
Dù vậy, ThS. Nguyễn Phước Bảo Khôi nhìn nhận, cách ra đề kiểm tra mở hiện nay còn gặp phải nhiều bất cập khi thực tế đến hẹn lại lên, vẫn còn quá nhiều đề kiểm tra gây tranh cãi. Tuy nhiên, những bất cập này lại xuất phát từ chính giáo viên. Nhiều giáo viên còn nóng vội trong đổi mới. Đổi mới còn là hiện tượng, bề nổi, chưa đi sâu vào quá trình. Thậm chí không ít giáo viên còn có quan điểm rằng người ta đã làm mà mình không làm thì mình sẽ dở hơn người ta. Nhiều giáo viên còn chạy theo những xu hướng, hiện tượng “hot” trong xã hội mà “quên” việc đánh giá xu hướng, hiện tượng đó có phù hợp với mục tiêu giáo dục hay không. “Chính cái vội đó cộng với việc bùng nổ thông tin dẫn đến người giáo viên bị mất bình tĩnh, nóng vội, hấp tấp, thiếu kiểm soát trong việc lựa chọn dữ liệu để đưa vào đề kiểm tra”, ThS. Khôi phân tích.
“Không phải cứ bắt trend là thành đề kiểm tra mở”, thầy Võ Kim Bảo (giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Nguyễn Du, Q.1) thẳng thắn. Theo giáo viên này, bên cạnh mục đích làm mới công tác kiểm tra đánh giá, làm mới môn học thì đề kiểm tra còn phải đảm bảo rất nhiều yếu tố khác. Trong đó, tính định hướng giáo dục luôn phải là hàng đầu.
Trước quá trình đổi mới thi cử, thầy Bảo nhìn nhận, chính mỗi giáo viên cũng muốn luyện cho học sinh làm quen với nhiều dạng đề khác nhau để không hoang mang khi tiếp cận các đề thi thực tế. Tuy nhiên, trong quá trình chọn lọc dữ liệu để xây dựng đề kiểm tra thì giáo viên chưa có nhiều kinh nghiệm.
“Mở” cũng phải có giới hạn
“Bắt trend trong đề kiểm tra cũng mang đến những lợi ích nhất định. Rõ ràng nhất là giáo viên thấy được suy nghĩ, thái độ, tâm tư, tình cảm của học sinh trước những vấn đề đó, đồng thời giúp học sinh mở ra, quan tâm đến các vấn đề dư luận xã hội nêu. Tuy nhiên, với điều kiện giáo viên phải khéo léo. Giữa những xu hướng chung của giáo dục, giáo viên phải cẩn trọng, trau dồi chuyên môn để có thể vững vàng tiếp cận những cái mới”, thầy Võ Kim Bảo nhấn mạnh.
Riêng môn văn, giáo viên này cho rằng, đề kiểm tra vẫn cần thiên về yếu tố văn chương, giáo dục. Dù đề mở vẫn cần theo hướng đánh giá kỹ năng, năng lực để học sinh học thực chất, có kỹ năng, không phải học theo kiểu nhồi nhét, học tủ, học vẹt.
“Đề kiểm tra phải tuân thủ yêu cầu chương trình, phát triển kỹ năng, năng lực học sinh. Đề phải mang tính giáo dục, có thực tiễn. Việc lựa chọn dữ liệu vào đề thi không đơn giản, nhiều khi với một dữ liệu mở phải lường trước được những tình huống. Muốn vậy, trong quá trình làm đề kiểm tra, giáo viên nên bàn bạc với tổ chuyên môn, cùng thảo luận thống nhất…”, thầy Võ Kim Bảo phân tích.
|
Dữ liệu trong đề kiểm tra phải hướng đến tính giáo dục học sinh |
Khẳng định “mở” là cần thiết và phù hợp với xu hướng, song ThS. Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, Q.10) nhấn mạnh, mở cần trong một giới hạn giáo dục. Các nhân vật, sự kiện đưa vào đề kiểm tra phải mang tính giáo dục, nhân văn, còn phải mang yếu tố chính trị, tư tưởng. Đặc biệt, phải phù hợp với nội dung chương trình, cấu trúc đề thi, tính lịch sử, văn hóa. “Học trò rất thích cái mới lạ, cái độc đáo song điều đó không đồng nghĩa với việc cứ cái gì mới lạ là đưa vào đề. Giáo viên phải xem cái mới đó sẽ tác động đến học sinh như thế nào, giá trị giáo dục nằm ở đâu”, ông Phú nói.
Trong bối cảnh dịch COVID-19, một cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM nhận định, đề kiểm tra mở giúp giảm áp lực học tập cho học sinh, để học sinh học thực chất, kiểm tra thực chất, nhẹ nhàng dù là kiểm tra trực tiếp hay trực tuyến. Tuy nhiên, mở cũng phải có giới hạn trong đề, giáo viên phải nêu được ra các yêu cầu cụ thể, bám sát theo năng lực, nhận thức của học sinh, nhất là giới hạn kỹ năng năng lực trong khung chương trình của khối lớp. “Mọi xu hướng thực tế đưa vào đề phải phù hợp với mục tiêu giáo dục, cần dự tính trước các tình huống có thể phát sinh…”, vị này nhận định.
Én Bông