Công lý có nhiệm vụ phân định phải trái-đúng sai. Đối diện với khoảnh khắc soi chiếu minh bạch đó, người phụ nữ từng được vinh danh là “công chúa” trong lòng người dân Hàn Quốc đã thật sự gục ngã.
|
Bà Park Geun-hye trên đường được đưa đến trại giam - Ảnh: AP |
Cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã bật khóc khi đối diện với cánh cửa hẹp buồng giam. Số hiệu 503 từ đây được gán cho bà, người đàn bà đơn độc đã chẳng thể một mình xoay chuyển bánh xe định mệnh.
Năm 2012, bà Park Geun-hye giành nhiều phiếu bầu nhất so với bất kỳ ứng cử viên tổng thống nào của Hàn Quốc trong thời đại dân chủ để trở thành tổng thống.
Năm năm sau, bà là tổng thống dân cử đầu tiên bị phế truất trong lịch sử đất nước này. Ở bà, dường như không có sự trung dung, mà là sự tận cùng của mọi cảm xúc.
Phần lớn thời gian niên thiếu của bà Park đã gắn với Nhà Xanh - phủ Tổng thống Hàn Quốc.
Năm bà lên chín, cha bà là ông Park Chung-hee cầm quyền đất nước sau cuộc đảo chính quân sự năm 1961. Ông ghi dấu trong lịch sử Hàn Quốc là người thức thời, đã dẫn dắt đất nước bước qua thời kỳ công nghiệp hóa, nhanh chóng trở thành một cường quốc kinh tế ở khu vực.
Bản thân bà Park, người chị cả trong gia đình, từ rất sớm đã nhận thức mình phải có trách nhiệm chia sớt cùng cha gồng gánh đại cuộc.
Mẹ bà khuyến khích con theo học ngành lịch sử nhưng bà quyết tâm học ngành kỹ sư điện tử chỉ vì mong muốn duy nhất là cùng cha hoàn thành sứ mệnh dân tộc.
Bà chấp nhận sống cùng áp lực, chịu sự soi mói của bạn học chỉ vì mình là con gái tổng thống. Bà từng chia sẻ với truyền thông là luôn bị ám ảnh bởi việc học vì đó là nhiệm vụ nặng nề, là con đường duy nhất giúp bà thể hiện tình yêu với gia đình.
|
Cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye. |
Bà Park tốt nghiệp cử nhân ngành điện tử ĐH Sogang với điểm số gần như tuyệt đối 3,82/4. Những ngày đầu ở Pháp chuẩn bị cho chương trình học lên cao, Park Geun-hye được tin mẹ qua đời vì đỡ viên đạn ám sát cha mình, nên tức tốc trở về quê hương.
Chưa kịp nguôi ngoai sau biến cố, bà nhận ngay trọng trách “đệ nhất phu nhân”, bù đắp khoảng trống mẹ mình để lại, cùng cha bước vào chính trường ở tuổi 22.
Nhật ký của bà còn dòng chữ: “Trách nhiệm lớn nhất của mình bây giờ là tương lai đất nước. Mình không thể để bố đơn độc. Từ bây giờ, mình sẽ gạt hết mọi ước mơ, quên đi cuộc sống dễ dàng, tự do ngoài kia”.
Cái chết của người mẹ đã khắc sâu vào tim bà Park. Bà từng ví trải nghiệm đau lòng đó như mũi dao sắc nhọn đâm thẳng vào tâm hồn. Một khi ai đó chạm trúng, mọi lý trí sẽ nhường chỗ cho trái tim mềm yếu.
Khoảng thời gian đóng vai trò cánh tay mặt của cha mình, bà rơi vào mối quan hệ đầy toan tính của cha con Choi Tae-min và Choi Soon-sil.
Choi Tae-min lợi dụng hoàn cảnh, khẳng định mình có thể làm cầu nối giúp bà Park liên hệ với người mẹ đã khuất bằng những chiêu trò tâm linh. Nhờ vậy, cha con họ Choi dễ dàng bước vào thế giới riêng của bà Park, mạnh tay chi phối mọi công việc của bà.
Họ nắm rõ điểm yếu lớn nhất của bà là sự cô đơn cùng cực, là khát khao một chỗ dựa vững chắc của tình thân khi bản thân phải gồng mình làm chỗ dựa tinh thần cho cha và hai em.
Sự phụ thuộc ngày càng lớn, người ngoài ai cũng thấy rõ, nhưng là người trong cuộc, bà Park vẫn để cho những điều khuất tất xảy ra. Năm 1979, ông Park Chung-hee bị bắn chết bởi chính thuộc cấp Kim Jae-gyu, người đứng đầu cơ quan tình báo trung ương.
|
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye gặp các gia đình nạn nhân vụ chìm phà Sewol năm 2014. Ảnh: Korea Times |
Ông Kim từng thừa nhận trước tòa, một phần lý do ông làm điều đó đến từ sự bất mãn khi chứng kiến Choi Tae-min lợi dụng cha con họ Park.
Sau cái chết của cha, bà Park càng bị kết chặt vào cha con họ Choi hơn. Hai người em ruột của bà đã nhiều lần chỉ trích việc gia đình Choi mưu đồ đen tối, lợi dụng ngày giỗ của cố Tổng thống Park để kêu gọi lập quỹ tư nhân.
Bà Park bỏ ngoài tai lời khuyên của hai em, lặng lẽ thừa nhận người thân tín nhất của mình là Choi Tae-min và Choi Soon-sil. Đây là nguồn cơn dẫn đến hệ lụy của đời bà, tạo thành cơn địa chấn bê bối chính trị lớn nhất trong lịch sử Hàn Quốc.
Nhà họ Choi đồng hành với bà Park Geun-hye, không ngừng thể hiện quyền lực, vượt qua mọi nguyên tắc, giới hạn. Họ là những “người thân” duy nhất ở bên cạnh bà Park, chờ cho đến ngày bà đắc cử tổng thống.
Đó chính là lúc họ “gặt hái”. Trái đắng hôm nay là điều không thể tránh khỏi.
43 năm từ khi mất đi người mẹ, Park Geun-hye chưa bao giờ vượt qua được nỗi ám ảnh của vùng ký ức đau thương ấy. Trong nhà riêng của mình, bà Park buộc thời gian ngừng trôi bằng cách giữ không gian trang trí nguyên vẹn thời bà còn trong vòng tay bố mẹ.
Những tấm ảnh gia đình, chân dung cha mẹ bà xuất hiện khắp nơi. Đó là nơi cho bà cảm giác được vỗ về, được bấu víu vào ký ức thời còn được ấp ủ trong tình thương gia đình.
|
Cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye. |
Luật pháp sẽ trừng phạt những sai phạm. Bà Park sẽ phải đối mặt với những cuộc thẩm vấn tiếp theo trước khi bị tuyên có tội hay không.
Trước làn sóng giận dữ của dân chúng, bà Park vẫn nhận được tình cảm chân thành từ những người đã và mãi yêu thương bà.
Quanh khu vực nhà riêng của bà, có những nhóm người thường trực dõi theo chiếc xe chở bà từ Nhà Xanh trở về rồi vài tuần sau lại chở bà đến trại giam. Họ gào thét: “Thưa công chúa, tôi xin lỗi vì đã không thể bảo vệ bà”, “Xin công chúa hãy tha thứ cho tôi”…
Cuộc đời đầy biến cố và hiện tại, bà Park Geun-hye phải tiếp tục đón nhận sự cô đơn. Thứ duy nhất bà tạm sở hữu lúc này là số hiệu 503 cùng cái không gian 10m2 của phòng giam để chờ đến ngày phán xét.
THIÊN NHƯ (Theo Straits Times, Korea Times, Korea Joogang Daily)