Ngày 20/2 là thời hạn cuối để chủ đầu tư phải khôi phục nguyên trạng trạm phát sóng Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) mà đơn vị này đã tự ý tháo dỡ. Và cuối tháng này, cũng là thời hạn chót khi việc xây mới nhà thờ Bùi Chu (huyện Xuân Trường, Nam Định) được bắt đầu. Nhưng ngày 20/2 đã là bất khả và những ngày còn lại của tháng Hai, có lẽ, cũng là bất khả đối với 134 năm giờ đây sẽ là “vô nghĩa lý” ở nhà thờ Bùi Chu…
Phải chăng, từ nhà thờ Bùi Chu đến Trạm phát sóng Bạch Mai là một sự “thất bại” của Luật Di sản văn hóa? Nếu không, nhà thờ đã không bị phá dỡ, và nơi phát đi bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa cũng không rơi vào tình cảnh “trên bảo dưới không nghe” như hiện nay.
Sau rất nhiều trì hoãn, cuối cùng, cuộc đối thoại giữa ngành văn hóa và nhà thờ Bùi Chu đã thất bại. Nếu thành công, có lẽ, số phận công trình 134 tuổi này sẽ không bị phá dỡ, để thay bằng một ngôi thánh đường với kiến trúc tương đối giống nhà thờ cũ, “khang trang và đẹp đẽ hơn”.
Dù rằng trước đó, một “đơn đề nghị cứu xét” do 20 kiến trúc sư, chuyên gia bảo tồn soạn ra nhằm kiến nghị tạm dừng phá dỡ, đã được gửi tới đầy đủ các ban bệ từ trung ương tới địa phương. Dù rằng, trước áp lực của dư luận, một đoàn công tác của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng đã xuống khảo sát, đánh giá hiện trạng và đề xuất phương án báo cáo bộ trưởng. Dù rằng, sau đó, có không ít phương án được đưa ra, từ phía các kiến trúc sư lẫn các đơn vị tham mưu của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Và dù rằng, nhà thờ nằm trong danh sách kiểm kê, lẽ ra, được bảo vệ mặc định bởi Luật Di sản văn hóa…
Thế nhưng, có một sự thật rằng: Luật Di sản văn hóa đã “thất bại” ở đây và chúng ta đã không thể bảo vệ nhà thờ Bùi Chu.
Ông Martin Rama - cố vấn cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB), Giám đốc dự án Trung tâm Phát triển đô thị bền vững thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, tác giả cuốn sách đoạt giải thưởng Bùi Xuân Phái 2014 - Hà Nội một chốn rong chơi, lâu nay vẫn được biết đến là một người yêu di sản và văn hóa Việt Nam, có nhiều bài viết về di sản được độc giả quan tâm. Ngày 16/2, khi mọi thứ có vẻ đã “an bài”, ông Martin Rama - một người nước ngoài - vẫn về với Bùi Chu với một hy vọng cuối cùng.
“Vẫn đang cố gắng tìm một giải pháp, không từ bỏ hy vọng. Nhưng ngày một bi quan. Chỉ còn 11 ngày nữa thôi”, ông viết trên trang facebook cá nhân của mình.
|
Một bà cụ đang cầu nguyện trước cửa nhà thờ Bùi Chu trước ngày bị phá dỡ - Ảnh: Trường Giang / Đình làng Việt |
Theo thông tin mới nhất, Đức Giám mục chính tòa Bùi Chu đã đưa ra thời hạn cho những nỗ lực cuối cùng để bảo tồn nhà thờ là ngày 2/3. Tuy nhiên, nói như ông Martin Rama, tình hình không khả quan lắm, trừ khi có những động thái mới từ phía chính quyền lẫn ngành văn hóa.
Dường như số phận các công trình di sản văn hóa ở ta đang bị đẩy vào một tình thế đối kháng không-thể-khác-được. Đối kháng giữa bảo tồn và phát triển. Đối kháng trong chính chủ thể văn hóa ở đó. Từ nhà thờ Bùi Chu, trước đó là nhiều câu chuyện “xói lở” di sản khác, rồi giờ đây là câu chuyện ở Trạm phát sóng Bạch Mai cũng đang ở “thì hiện tại hoàn thành tiếp diễn” - nghĩa là, đã mất mát, đang mất mát, và với cái đà không thể nào cứu vãn này, chúng ta sẽ còn mất mát trong tương lai.
Sau khi thông tin Trạm phát sóng Bạch Mai sẽ bị phá bỏ, để nhường chỗ cho dự án đường bộ trên cao dọc đường vành đai 2, dư luận đều phẫn nộ. Sự phẫn nộ ấy, dẫn tới việc Đài Tiếng nói Việt Nam gửi công văn kiến nghị giữ lại, báo cáo lên Thủ tướng; dẫn tới phản ứng (dẫu muộn màng nhưng có còn hơn không) của chính quyền TP. Hà Nội, đó là tạm dừng việc phá dỡ. Và những tưởng tòa nhà này được “yên thân” khi ngày 10/2, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung giao giám đốc Sở Văn hóa và thể thao Hà Nội Tô Văn Động phối hợp với Đài tiếng nói Việt Nam lập hồ sơ công nhận di tích lịch sử văn hóa đối với công trình nhà một tầng này để bảo tồn.
Thế nhưng, ngay trước quyết định trên, công trình này đã bị đập bỏ một gian và dỡ gần hết phần mái ngói. Biển tên tòa nhà đã bị cạo đi. Hiện trường đến nay vẫn còn ngổn ngang gạch vỡ, khung cửa sập...
Và buồn cười hơn, khi mọi thứ đang toang hoác, ngày 18/2, UBND quận Hai Bà Trưng ra một công văn yêu cầu Công ty cổ phần Xây dựng thương mại và dịch vụ văn hóa phải khôi phục nguyên trạng ngôi nhà một tầng thuộc cụm công trình Trạm phát sóng Bạch Mai mà công ty này vừa tự ý tháo dỡ trước ngày 20/2.
Ngày 20/2 là một thời hạn bất khả. Và làm sao khôi phục được nguyên trạng thứ mà ta đã cố ý phá đi, bất chấp mọi thứ; lại là công trình mà mỗi viên gạch, mỗi viên ngói, từng nét hoa văn kiến trúc đều chứa đựng giá trị thời gian cũng như lịch sử bao hàm trong đó?
Ai sẽ trả lời cho câu hỏi: vì sao Luật Di sản văn hóa không được thực thi ở nơi này? Chẳng lẽ, vì công trình chưa được xếp hạng nên nó không được “bảo hộ” bởi pháp luật? Nếu vậy, lại phải đặt thêm một câu hỏi: vì sao tới nay, một công trình có giá trị như vậy, lại chưa được xếp hạng? Với Trạm phát sóng Bạch Mai, không những không được xếp hạng, mà nó còn chưa được đưa vào danh mục kiểm kê di tích của thành phố.
Tất nhiên, sự khóc thương của cộng đồng quan trọng; nhưng rốt cuộc, cũng chỉ giải quyết được câu chuyện tình thế trước mắt: ngăn một tòa nhà giá trị tạm dừng phá dỡ, kêu gọi bảo vệ một công trình đang trong tầm ngắm san phẳng. Sự khóc thương đó, nếu không được nối vào Luật Di sản văn hóa - được thực thi nghiêm túc - thì cũng chỉ là một cảm thán không lời.
Luật Di sản văn hóa được xây dựng, để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đồng thời, cũng để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao trách nhiệm của nhân dân trong việc tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Thế nhưng, hiện trạng của nhà thờ Bùi Chu và Trạm phát sóng Bạch Mai - hai “tâm điểm” về di sản hiện nay đã cho thấy bộ luật này chưa được thực thi tại đây. Chưa được thực thi, có nghĩa là “bất thành”.
Đậu Dung