Một cơn lốc xoáy màu đỏ cuốn lấy Nhà thờ Đức Bà Paris vào buổi chiều tối 15/4, đã hủy hoại công trình xuyên qua 8 thế kỷ. Dọc theo bờ sông Seine, người dân Pháp xếp hàng, im lặng. Ngoài biên giới nước Pháp, không ít sự bàng hoàng, tiếc xót, ngỡ ngàng, tại sao lại là Notre-Dame, chẳng lẽ, chỗ trú ngụ cuối cùng của Quasimodo trong tình yêu bất tử với Esméralda cũng không còn…
Thế giới bàng hoàng, tiếc xót trong vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris
|
Thì có khác gì cái ngày thứ Bảy hoang tàn 1/12/2018, bức tượng La Marseillaise - như quốc hồn nước Pháp đã bị người biểu tình đập vỡ, Khải Hoàn Môn bị bôi bẩn, đại lộ Champs - Élysées chìm trong khói đạn.
Kinh đô của Ánh Sáng, nơi dẫn dắt cả châu Âu trỗi dậy từ đêm dài Trung cổ, thực hiện cuộc Phục Hưng kiêu hãnh; giờ đây lại chìm nổi trong bất ổn, xung đột, bất an.
Nhưng, cũng chính trong ngọn lửa hung hãn ấy, bỗng dưng con người thảng thốt, thẫn thờ khi nhận rõ sự biến mất những chứng nhân của miền ký ức đẹp đẽ, cũng là lúc họ cuống cuồng bởi thói vô cảm trượt dài trên những trầm tích không gian và thời gian lộng lẫy, vĩnh hằng.
|
Con người thảng thốt, thẫn thờ khi nhận rõ sự biến mất những chứng nhân của miền ký ức đẹp đẽ |
Vì vậy, trong ngọn lửa điêu tàn ấy, với Notre-Dame, một lần nữa, tôi lại mang theo Niềm Tin - được viết bằng tiếng Hy Lạp cổ, khắc trên bức tường của một trong hai tòa tháp mà Victor Hugo đã tìm thấy, khơi nguồn cảm xúc cho ông bắt tay và hoàn thành tác phẩm Thằng gù Nhà thờ Đức Bà. Niềm tin để 55 năm sau ngày Notre-Dame bị phá hủy nặng nề trong cuộc Cách mạng tư sản Pháp 1789, kiến trúc sư E.Viollet-le-Duc đã nhận lãnh cuộc trùng tu thứ hai (khoảng năm 1643 - 1715, Nhà thờ Đức Bà Paris từng được trùng tu nhưng không tạo nên dấu ấn). Hệ thống máng xả nước điêu khắc hình thú Gargoyle trên gờ tường Notre-Dame hay mái hình mũ phù thủy cho các bức tường thời Trung cổ của Carcassonne và sau này, phát kiến chi tiết về cấu trúc, khả năng của các vật liệu công nghiệp mới như gang, sắt sẽ phô bày như “phụ kiện mang lại vẻ đẹp thanh lịch cho công trình” mà tòa tháp sắt Tour Eiffel là sự kế thừa trác tuyệt; đã đưa tên tuổi Viollet-le-Duc thành Người dẫn đường cho nền kiến trúc hiện đại - vốn tìm thấy vẻ đẹp tinh túy, toàn mỹ trong kiến trúc Gothic.
|
Một góc Nhà thờ Đức Bà Paris tinh túy, toàn mỹ |
Chắc rằng, từ gốc tích văn hóa Ánh Sáng, chứng kiến không biết bao nhiêu rạn nứt, đổ vỡ của một châu Âu trong lòng nước Pháp và niềm kiêu hãnh Tiến bước (En Marche) “để không cảm thấy buồn và phẫn nộ trước sự tàn phá của thời gian và con người với nhà thờ đáng kính” (theo Victor Hugo), thì một kế hoạch phục dựng, trùng tu, bảo tồn, phát triển Notre-Dame theo khuynh hướng phóng khoáng của chính Viollet-le-Duc trong nay mai, sắp tới là điều hiển nhiên.
Theo quan niệm bảo tồn của Viollet-le-Duc, ông coi “trạng thái nguyên thủy là trạng thái tốt nhất của đối tượng bảo tồn, thậm chí đó không phải là trạng thái nguyên gốc của vật chất mà là ý tưởng nguyên gốc của tác giả” (theo kiến trúc sư Lê Thành Vinh - Tạp chí Kiến trúc số 10/2018). Trong khi John Ruskin với khuynh hướng khắt khe thì coi trọng dấu ấn lịch sử, “là một phần của đối tượng, là cái đáng quý nhất của đối tượng cần phải bảo tồn”.
Đến đây, thì xin thưa các nhà bảo tồn di sản Việt Nam, các vị đang nắm giữ trong tay những bảo vật thời gian, nơi lưu cữu những di chỉ của tiền nhân để cho hậu thế nhận diện “bản lai” cội nguồn. Vì vậy, hãy tôn trọng từng bậc thềm rong rêu hay vết nứt của đá, bởi trong cái nguyên trạng ấy, là vết tích của văn minh, là dấu triện của văn hóa. Đừng ầm ĩ vội xua máy móc đào bới, chớ có nhanh tay bôi trét vữa hồ, hãy xếp khan trở lại những viên đá gan gà, nó đấy, là hộ thành hào bao bọc kinh thành Huế, bảo vệ cái di sản vật chất còn sót lại của một thời mở cõi trấn biên.
|
Đưa phương tiện cơ giới vào thi công phá nát bờ hào kinh thành Huế |
Chỉ có “đui” mới không giữ nổi “đạo nhà", để sừng sững đường lên Huyền Vũ, ngay vùng lõi Tràng An - di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam, 2.000 bậc thang đã cong cớn bao lấy thân núi. Ấy vậy mà hỏi ra, từ quan chức địa phương đến quan bộ trung ương đều ngây ngô, ngơ ngác.
Ai sẽ cứu di tích, di sản? Giáo sư Trần Lâm Biền trả lời: pháp luật phải đứng ra cứu. Nhưng luật pháp thì cũng trong tay người thực thi pháp luật. Họ có “mắt sáng lòng trong” hay không thì chỉ có sự bảo tồn nguyên trạng hay phá hủy biến dạng mới là phép thẩm định.
Hãy nhìn ngọn lửa từ Notre-Dame để thấy sau một giây bất cẩn, hàng trăm năm đã đổ gục điêu tàn.
Hãy nhìn lại mình, qua con đường di sản và bảo tồn di tích, để sợ rằng, sau những năm dài phá vỡ, hủy hoại, biến dạng, ta quờ quạng, mò mẫm bước tới… tro tàn.
Ái Mỹ