 |
Hàng ngàn người có mặt xem việc thực nghiệm hiện trường vụ án mẹ sát hại con ở Quảng Nam |
Vụ việc người mẹ ở Quảng Nam sát hại 2 con để trục lợi tiền bảo hiểm gây rúng động dư luận mấy ngày qua. Đây không còn là một tội ác thông thường, mà là tận cùng của cái ác. Có ai đó trên diễn đàn mạng đặt câu hỏi: Tại sao xã hội càng tiến bộ, cái ác trong con người lại càng tinh vi và man rợ hơn?
Tâm lý học gọi thế giới nội tâm của con người là thế giới đen tối, bí ẩn và khó giải mã nhất, nó còn vô cùng hơn cả lỗ đen vũ trụ. Với trường hợp này, chỉ có thể biện dẫn bằng câu nói của Tuân Tử: “Nhân chi sơ, tính bản ác”. Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu cũng từng viết: "Tôi cho rằng, nhân chi sơ tính bản ác. Cần phải có các biện pháp hạn chế, kiểm soát mặt ác của con người” (Trích sách "Luận Trung Quốc và thế giới" - Lý Quang Diệu).
Tôi lại nhớ bộ phim Hàn Quốc cực kỳ nổi tiếng của đạo diễn Kim Ki Duk: Xuân, Hạ, Thu, Đông rồi lại Xuân (2003), một bộ phim đầy triết lý nhân sinh. Kim Ki Duk lật trở, săm soi mọi ngóc ngách luân thường đạo lý của một kiếp người. Thiện và ác song hành trong phim. Nó gần cuộc sống thực đến mức khiến ta sững sờ run sợ.
Nơi thâm sơn cùng cốc, chỉ có hồ nước, cỏ cây, núi rừng; một vị cao tăng cùng một chú tiểu sống trong ngôi chùa nhỏ giữa hồ. Một bối cảnh tràn đầy tính thiện như thế, nhưng chú tiểu lại nảy nòi từ sự tò mò, tinh nghịch. Phim bắt đầu vào mùa Xuân, chú tiểu do buồn chán đã lần lượt lấy dây buộc những hòn đá nhỏ vào ba con vật: cá, ếch và rắn. Nhìn những con vật di chuyển chật vật khó khăn, chú cười phá lên vô tư. Nhưng hành động của chú đã lọt vào tầm ngắm của sư phụ. Tối đến, ông buộc đá vào lưng chú tiểu để chú hiểu được tội ác của mình, đồng thời bắt chú phải quay lại giải thoát cho chúng. Nếu những con vật đó chết, chú sẽ bị dằn vặt suốt đời. Cá và rắn đã chết. Chú tiểu khóc nức nở.
 |
Chú tiểu và mầm mống của cái ác trong phim Xuân, Hạ, Thu, Đông rồi lại Xuân (ảnh cắt từ phim) |
Rồi mùa Hạ, mùa Thu và mùa Đông nối tiếp nhau. Chú tiểu dần lớn lên, ngã vào tình yêu, phạm giới luật, bỏ đi, giết người, cuối cùng trở về thành một ông sư... Chưa dừng ở đó, phần cuối phim lại là mùa Xuân, lại xuất hiện một vị cao tăng, một chú tiểu, có lẽ lại là vòng lặp của tội ác…
Tôi đã bị ám ảnh rất nhiều khi xem phim này. Đạo diễn Kim Ki Duk gạt bỏ thói quen đổ lỗi hoàn cảnh để biện minh cho cái ác mà xã hội đã quen làm. Với ông, cái ác được sinh ra cùng lúc với con người. Mầm mống cái ác luôn song hành với sự lương thiện. Khi nào phần “con” trỗi dậy mạnh mẽ hơn, phần “người” lép vế, cái ác được dịp tung hoành.
Người Việt có câu “cha mẹ sinh con, trời sinh tính” là vậy. Đã có rất nhiều trường hợp cha mẹ nhân từ, lương thiện nhưng con lại là kẻ giết người. Đã có nhiều bậc trí thức, trưởng thành trong môi trường xã hội rất tốt, thiện lành nhưng khi cái ác trong họ trỗi dậy, họ ra tay tàn độc hơn bất cứ ai (vụ bác sĩ ở Đồng Nai phân xác người tình là một điển hình).
Vậy, làm sao để khắc chế mầm mống cái ác, đồng thời vun đắp hạt mầm thiện lương ngày một tươi tốt hơn?
 |
Gieo một hạt giống lương thiện để khắc chế cái ác trong mỗi con người (ảnh minh họa) |
Rất nhiều sách vở đạo lý trên đời đã dạy chúng ta khắc chế (tức kìm hãm và làm giảm cơ hội phát triển) của cái ác. Theo tôi, có mấy nội dung cơ bản cần tập trung:
Tạo môi trường lành mạnh
Người lớn cần tránh tệ nạn, trẻ em cần tránh bạo lực học đường.
- Nâng cao chất lượng giáo dục từ nhà trường và gia đình, quan tâm đến kỹ năng sống của con em, khuyến khích trẻ phát triển tính nhân ái, thương người như thể thương thân, biết quan tâm, chia sẻ khó khăn, hạn chế bạo lực...
- Cha mẹ hãy dành thời gian bên cạnh con, chia sẻ để thấu hiểu những vấn đề về tâm lý của con. Hãy đặt điện thoại xuống, đọc sách cùng con, chơi cùng con, cùng xem những việc làm tốt (cứu chó mèo, cứu người, làm từ thiện…), hạn chế việc con sa đà vào game, tránh cư xử bạo lực.
Việc đọc một cuốn sách chứa kiến thức hay triết lý nhân sinh tốt đẹp không hẳn giúp con giỏi hơn, nhưng sẽ giúp con tự tin, tử tế hơn. Việc nuôi một thú cưng giúp con biết yêu thương và có trách nhiệm hơn. Việc trồng một cái cây giúp con biết quý trọng thực thể sống. Một cái ôm giúp con cảm nhận rõ sự yêu thương, xoa dịu những bực bội, thương tổn. Một lời nói chân thành, nhẹ nhàng, một lời trách phạt nghiêm khắc nhưng không xúc phạm… giúp con có điểm tựa vững chãi, kềm hãm tính nóng nảy bản năng.
Chăm sóc tâm hồn
- Học cách kiểm soát được cảm xúc và suy nghĩ của mình. Nóng giận là bản năng, điềm tĩnh là bản lĩnh. Hạn chế nghĩ xấu, nghĩ ác về người khác. Nghĩ ác, dù chưa thực hiện, cũng đã là ác.
- Kiểm soát hành vi khi sử dụng mạng xã hội. “Nếu không giúp được ai, thì cũng đừng hại ai”, tránh bình luận tiêu cực, ác ý, ném đá người khác vô cớ. Hòn đá ném đi, biết đâu có ngày bạn sẽ nhận lại, độ sát thương lớn hơn. Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói: “Cội nguồn của tình yêu nằm sâu trong mỗi chúng ta. Vì vậy, chúng ta có thể mang niềm vui và hạnh phúc tới cho người khác. Mỗi lời nói, mỗi hành động, mỗi suy nghĩ của chúng ta có thể mang đến sự đau khổ hay hạnh phúc cho mọi người".
- Biết đủ, là đủ. Khi quá mưu cầu vật chất, con người dễ bất chấp để thực hiện tội ác.
Chăm sóc tâm hồn mình thật tốt, bằng cách gieo vào đó những hạt giống tốt lành: nghĩ về điều thiện nhiều hơn, biết chấp nhận, bao dung, biết tìm những niềm vui bình dị, bớt mưu cầu…
Tôi nghĩ, khi mầm thiện được chăm sóc đúng cách, cái ác sẽ khó có cơ hội phát sinh. Còn bạn, bạn có ý kiến thế nào về vấn đề này?
Trà An (TPHCM)