Từ "Nét duyên góa phụ" đến "Vĩnh cửu": Đời người như sóng biển xô bờ

20/06/2021 - 08:38

PNO - Tiểu thuyết "Nét duyên góa phụ" của nữ nhà văn Alice Ferney chính là nguồn cảm hứng để đạo diễn Trần Anh Hùng thực hiện bộ phim nghệ thuật "Vĩnh cửu".

Trong Nét duyên góa phụ, hành trình đầy thăng trầm của một gia đình quý tộc nước Pháp được khắc họa qua góc nhìn của ba người phụ nữ là Valentine, Gabrielle và Mathilde. Câu chuyện về những người đàn bà góa ấy tiếp diễn qua gần một thế kỷ, đầy đau thương nhưng cũng không kém phần lãng mạn, nên thơ.

Trong truyện, cái chết của những người chồng được mô tả thoáng qua. Nỗi đau mất chồng của Valentine chỉ được khắc họa khi cô đọc lá thư báo tử, rồi nhanh chóng bị lu mờ bởi những trọng trách mà người phụ nữ đứng đầu gia tộc như cô phải đảm đương.

Những ngày tháng sau đó, Valentine tìm kiếm niềm hy vọng từ hai cậu con trai. Tuy nhiên, nỗi bất hạnh vẫn tiếp tục giáng xuống đầu họ, khi hai cô con dâu Gabrielle và Mathilde cũng lần lượt lâm vào cảnh góa bụa. Chồng của cả hai bị sóng cuốn đi và chết đuối khi cả đại gia đình đang thưởng thức cái nắng vàng ươm trên bãi biển vào một ngày hè thơ mộng.

Tiểu thuyết
Tiểu thuyết

Nhà văn Alice Ferney lột tả sự mất mát bằng giọng văn dịu dàng, đầy nữ tính. Văn phong của bà khi mềm mại như lụa, khi lại dữ dội như sóng giữa trùng khơi. Đám tang trong gia tộc của Valentine phủ đầy màu trắng: màu sắc của sự ngây thơ, bất biến, nhưng cũng là màu của tang tóc - tựa như dòng thời gian vẫn mãi chảy trôi, biến phận người thành cát bụi.

Điều nhà văn Alice Ferney muốn gửi gắm có thể gói gọn lại bằng một câu thành ngữ Latin kinh điển: “Memento mori” (“Ai rồi cũng phải chết”). Memento mori là cách nhiều nghệ sĩ phương Tây nhìn vào khái niệm sinh - lão - bệnh - tử.

Chúng là viễn cảnh khắc nghiệt mà mỗi người phải đối mặt, nhưng đồng thời cũng là quy luật tất yếu của cuộc sống: Niềm vui đi liền với nỗi buồn, sự sống được đồng hành bởi cái chết. Cái chết của một nhân vật kết thúc một chương, nhưng đồng thời sẽ mở ra một chương mới, một niềm hy vọng mới. Đó chính là vòng quay của cuộc sống, của cây sinh mệnh không bao giờ gục đổ, của sự vĩnh cửu luôn hiện hữu bên trong những kiếp phù vân.

Trong Nét duyên góa phụ, thông điệp cái chết và luân hồi được lồng ghép với hình ảnh tình mẫu tử thiêng liêng. Trải qua bao cuộc bể dâu, điều Valentine, Gabrielle và Mathilde gìn giữ không phải nỗi buồn, mà là đức tin. Họ tin vào phẩm hạnh của bản thân, tin vào cuộc sống, tin rằng cái chết không phải kết thúc.

Một trong những hình ảnh đáng nhớ và giàu cảm xúc nhất của quyển sách được viết như bức thư tình gửi gắm đến nhiều thế hệ: “Mathilde cúi xuống gương mặt của đứa con đang ngủ, và với những đường nét sắc gọn cùng làn da nhợt nhạt của nàng, trông nàng giống như một bức tượng Đức Mẹ bằng đá: vĩnh cửu”. (Bản dịch của Nhã Nam)

Từ Vĩnh cửu cũng là lý do Trần Anh Hùng quyết tâm chuyển thể tiểu thuyết này bằng mọi giá. Đạo diễn của bộ ba Xích lô, Mùi đu đủ xanh và Mùa hè chiều thẳng đứng nhiều lần nhận định anh đổi tựa của phim thành Vĩnh cửu, vì theo anh, đây mới là thông điệp quan trọng nhất. 

Trong một cuộc phỏng vấn, Trần Anh Hùng nói anh khóc khi đọc từng trang sách, và điều đọng lại trong giọt nước mắt ấy là niềm khao khát được thực hiện một bộ phim thuần nghệ thuật. Trên cương vị đạo diễn, anh đã xây dựng một kịch bản duy mỹ và trừu tượng hơn so với nguyên tác. Các nhân vật có rất ít lời thoại, bởi Trần Anh Hùng muốn họ trở thành một mảnh ghép của bức tranh toàn cảnh thay vì đóng vai trò cụ thể. Lúc này, công việc dẫn truyện thuộc về người bạn đời, "nàng thơ" của anh - diễn viên, họa sĩ Trần Nữ Yên Khê. Cô cũng là đạo diễn nghệ thuật của phim.

Bộ phim Vĩnh cửu tiếp nối tinh thần duy mỹ của đạo diễn tài năng Trần Anh Hùng
Bộ phim Vĩnh cửu tiếp nối tinh thần duy mỹ của đạo diễn tài năng Trần Anh Hùng

Trong khi tiểu thuyết vẫn có một tuyến truyện cụ thể, Trần Anh Hùng chọn lối kể phi tuyến tính, để các mốc thời gian va vào nhau như bọt nước mà không đưa ra lời giải thích. Người xem phải thực sự tập trung, vì Vĩnh cửu không chỉ có các góc quay đẹp mê hồn mà còn ẩn chứa nhiều giá trị nhân văn, cũng như những tâm tư riêng của chính Trần Anh Hùng. Xuyên suốt 110 phút phim là tiếng piano và guitar réo rắt thay cho những bản nhạc có lời, giúp khán giả chìm đắm vào những khung hình đầy chất thơ và nghiền ngẫm những thông điệp đằng sau.

Bên cạnh đó, một trong những khác biệt lớn nhất là thay vì kể về mối tình của người chắt Valentine ở thời hiện đại với một cái kết có hậu như trong Nét duyên góa phụ thì Vĩnh cửu chỉ lướt qua chi tiết này trong vài giây cuối cùng. Kết thúc mở này cho khán giả cơ hội tưởng tượng và suy đoán về những điều sẽ xảy ra tiếp theo.

Nhìn chung, so với nguyên tác, phiên bản điện ảnh của Trần Anh Hùng khó theo dõi hơn vì thuần tính nghệ thuật. Cá tính của tuyến nhân vật cũng bị lu mờ, nhường chỗ cho những khung hình thiên nhiên tuyệt đẹp để tạo nên một bữa tiệc thị giác. Tuy nhiên, cả truyện và phim đều truyền tải thành công triết lý nhân sinh sâu sắc: Hãy thanh thản trước sự ra đi và mất mát để trân quý hơn cuộc sống mà ta đang có.

Phúc Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI