Từ nền tảng gia đình - doanh nhân báo hiếu cho nước cho nhà

18/11/2024 - 14:46

PNO - Làm ăn giỏi thực ra cũng là một cách trả hiếu cho cha mẹ, cho đất nước. Đó không phải chỉ là những lời nói suông theo kiểu khích lệ mà thực sự là điều doanh nhân phải suy ngẫm cho bản thân, trong công cuộc làm giàu chính đáng.

Một thời kinh doanh không được xem trọng

Ông tổ nghề buôn của nước Việt là Chử Đồng Tử - chồng của công chúa Tiên Dung đời Vua Hùng thứ ba. Lĩnh Nam chích quái cho biết, ông là người trước nhất “cùng thương nhân đi buôn bán lênh đênh khắp nước ngoài”. Có điều lạ, sau khi trở nên giàu có, vợ chồng ông lại bỏ cả cơ ngơi, sản nghiệp để tìm thầy học đạo.

Rõ ràng, từ ngàn xưa, người Việt đã có “truyền thống” về nghề buôn. Thế nhưng mục đích cuối cùng lại không phải chăm bẵm thu vén lợi ích cho cá nhân mà nghĩ đến một điều gì đó sâu xa hơn cả giá trị vật chất cụ thể đang có.

Tiếc rằng sau này, do quan niệm phải tiến thân bằng con đường khoa cử, các nhà nho ta không đánh giá cao việc doanh thương, dẫu vẫn biết “phi thương bất phú”. Quan niệm sai lầm này chỉ thay đổi vào nửa đầu thế kỷ XX với ngọn gió Duy Tân của các nhà nho cấp tiến, với hệ thống giáo dục theo mô hình Đông Kinh Nghĩa Thục, tức là lúc người Việt bắt đầu ý thức và mạnh dạn phê phán một quan niệm lỗi thời đã tồn tại hàng ngàn năm.

Giáo trình Quốc dân độc bản của trường Đông Kinh Nghĩa Thục chỉ rõ: “Phàm những kẻ biết đôi chút từ chương là đã vênh vang tự cho mình là sĩ, không thèm đứng với cùng hàng với nông, công, thương. Họ cho là hèn hạ, gọi là dân buôn, dân thợ, dân cúng, ngu dốt, thậm chí có kẻ không thèm nói đến vải vóc, thóc gạo nữa”. Không những thế, một khi nói đến doanh nhân nói chung, dù buôn bán nhỏ hay lớn cũng bị thiên hạ gán cho những cụm từ hèn kém như “buôn gian bán lận”, “treo đầu dê, bán thịt chó”, “bán mướp đắng giả làm bầu”…

Dân giàu nước mới mạnh

Các con luôn sát cánh bên vợ chồng doanh nhân Đặng Văn Thành và Huỳnh Bích Ngọc và tiếp nối truyền thống kinh doanh của gia đình. Trong ảnh: Đại gia đình doanh nhân Đặng Văn Thành - Huỳnh Bích Ngọc - Ảnh do nhân vật cung cấp
Các con luôn sát cánh bên vợ chồng doanh nhân Đặng Văn Thành và Huỳnh Bích Ngọc và tiếp nối truyền thống kinh doanh của gia đình. Trong ảnh: Đại gia đình doanh nhân Đặng Văn Thành - Huỳnh Bích Ngọc - Ảnh do nhân vật cung cấp

Ngày nay, cái nhìn, sự đánh giá về tầng lớp doanh nhân đã khác trước. Một trong những thay đổi lớn lao nhất, có tính chất then chốt nhất, theo tôi, chính là lúc người Việt đã nhìn ra từ “phú” trong câu “phi thương bất phú”. “Phú” ở đây, đối với nhiều doanh nghiệp, doanh nhân không chỉ là làm giàu cho riêng mình, mà còn được thể hiện với ý thức tích cực “dân có giàu thì nước mới mạnh”.

Tục ngữ có câu: “Ăn theo thuở, ở theo thời”. Thời bình minh của nghề buôn mới manh nha hình thành ở nước ta, vợ chồng “ông tổ” Chử Đồng Tử đã bỏ lại của cải tài sản kếch xù để tầm sư học đạo, xa lánh việc đời. Nay đã khác nhiều lắm. Chính cái sự khác mà chúng ta sẽ bàn tới đã góp phần quyết định về vị trí, vai trò của doanh nhân trong xã hội hiện đại.

Còn nhớ, ngay khi nước nhà vừa giành được độc lập, sau ngót 100 năm nô lệ, dù đang phải lao tâm khổ trí đối phó với thù trong giặc ngoài, nhưng ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian quý báu để kêu gọi: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong công cuộc kiến thiết này”.

Từ lời kêu gọi trên, các doanh nghiệp nước nhà càng ý thức hơn nữa về công cuộc làm giàu phụng sự cho đất nước, xuất phát từ tấm lòng yêu nước.

Không dừng lại ở đó, họ còn lấy của cải đã tạo dựng đem san sẻ cho đồng bào khốn khó, như cách nói hiện nay là góp phần để “không ai bị bỏ lại phía sau”, còn cách nói quen thuộc xưa kia là “nhường cơm sẻ áo”. Khi giúp cho đồng bào, nghĩ sâu xa vẫn là trả hiếu với nước. Hiếu ở đây hiểu theo nghĩa những gì mình đang có, không chỉ từ tài năng, cần kiệm, may mắn mà còn nhờ từ “hồng phúc” khác.

Nhà văn Sơn Nam khái quát: “Đó là “Đất đai viên trạch, Tiền hiền khai khẩn, Hậu hiền khai cơ”. Đó là “Ông Bà Đất Nước”. Vì lẽ đó, việc làm của doanh nhân khi hướng đến cộng đồng được ghi nhận đại hiếu là vậy, vì cũng là một cách trả ơn, báo hiếu cho đất nước. Như thế cũng là lúc trả ơn đấng sinh thành - người đã nuôi mình ăn học, nay mình thành đạt làm rạng rỡ tông môn.

Duy trì công cuộc doanh thương mà thế hệ cha anh đã gầy dựng

Vậy, thế hệ tiếp nối về sau, con cái trả hiếu cho cha mẹ vốn là doanh nhân sẽ thế nào? Câu hỏi này rất đáng suy ngẫm, bởi đã có nhiều tấm gương sáng của doanh nhân báo hiếu cho đất nước mà sử sách còn ghi nhận. Vậy con cái họ đối với họ như thế nào cho phải đạo? Một trong những cách trả hiếu đáng khích lệ nhất có phải là họ cũng phải trở thành doanh nhân? Tôi nghĩ là đúng. Xét trong chiều dài lịch sử phát triển nghề buôn của nước nhà, ta thấy so với nước ngoài, chúng ta còn “thua xa” trong ý thức gìn giữ, tiếp tục phát triển, duy trì công cuộc doanh thương mà thế hệ cha anh đã gầy dựng nên.

Chúng ta không có nhiều thương hiệu được tiếp nối qua nhiều đời, “cha truyền con nối”. Trải qua từng thời kỳ, người Việt đã tạo ra những sản phẩm phản ánh được giá trị văn hóa của người Việt. Có thể kể đến công cuộc kinh doanh tàu bè trên sông nước, chế tạo sơn, xà bông, đóng giày, sản xuất hàng tơ lụa vải vóc…

Nhưng rồi thế hệ sau lại không tiếp nối, thậm chí ngay cả các làng nghề hiện nay cũng đã teo tóp dần. Thật hết sức khó khăn nếu chúng ta muốn đếm đủ đầu ngón tay những thương hiệu Việt do doanh nhân Việt tạo dựng đã tồn tại hàng trăm năm và nay còn được con cháu họ tiếp tục phát triển.

Không tiếp nối được ngành nghề, sản phẩm mà cha mẹ mình vốn là doanh nhân đã tạo dựng quả là đáng tiếc. Đành rằng “cây mỗi hoa, nhà mỗi cảnh”, người ngoài không thể phán xét. Tuy nhiên, chính vì lý do này mà trong giới doanh nhân nước nhà không có thế hệ “con nhà nòi” - thế hệ giữ được và phát huy giá trị của thương hiệu đã có.

Hơn nữa, nếu cha mẹ là doanh nhân, ắt con cái sẽ thuận lợi hơn, vì không chỉ thừa hưởng vốn liếng, mà còn được hấp thu kinh nghiệm thất bại lẫn thành công. Đó rõ ràng là lợi thế, cũng là tài sản quý báu mà người khác cùng ngành nghề không thể có được. Bài học đó chưa chắc có thể học được từ trường lớp.

Khi đặt vấn đề này ra, tôi tin rằng, nhiều người cùng vui mừng khi tiếp nhận thông tin vừa công bố trên Thời báo Tài chính Việt Nam: “2/3 (67%) các doanh nhân trẻ xuất thân từ những gia đình có truyền thống kinh doanh. Ở những doanh nhân thành đạt nhất, tỉ lệ này lên tới 80%. Điều này cho thấy, nền tảng gia đình đóng vai trò quan trọng trong thành công của các doanh nhân”.

Thành công này, âu cũng là một cách trả hiếu, là xét theo nghĩa họ khẳng định hơn nữa tâm huyết lựa chọn đúng đắn của đấng sinh thành đã dày công gầy dựng. Và nay, họ noi gương với sứ mệnh tiếp tục làm giàu cho mình, cho cộng đồng, nhằm báo hiếu cho đất nước, cũng là lúc trả hiếu cho cha mẹ.

Lê Minh Quốc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI