Tự mua thuốc, bệnh nhân khám bảo hiểm y tế có được hoàn tiền?

08/11/2023 - 06:07

PNO - Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, người dân phải được hoàn trả số tiền đã bỏ ra mua thuốc, vật tư y tế khi khám, chữa bệnh theo diện bảo hiểm y tế nhưng Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan lại cho rằng, điều này chưa có trong quy định.

Không hoàn tiền do thiếu thuốc 

Chiều 7/11, tại phiên chất vấn thuộc kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV,  đại biểu Hà Hồng Hạnh (tỉnh Khánh Hòa) viện dẫn văn bản do Ủy ban Xã hội của Quốc hội ban hành ngày 20/10/2023, cho rằng, nếu vẫn tiếp diễn tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế khiến người khám bệnh, chữa bệnh theo diện bảo hiểm y tế (BHYT) phải tự mua thuốc thì cần có cơ chế để cơ quan BHYT hoàn trả các khoản này. Đại biểu này chất vấn bộ trưởng Bộ Y tế về quan điểm và hướng xử lý cho những trường hợp tương tự.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, về nguyên tắc, cơ sở khám, chữa bệnh phải đảm bảo đủ thuốc, không để người bệnh phải mua thuốc từ bên ngoài trong thời gian điều trị nội trú: “Nếu cho người bệnh tự mua thì dẫn đến nhiều nguy cơ liên quan đến chất lượng thuốc, an toàn người bệnh, giải quyết tranh chấp khi có tai biến, rủi ro, lạm dụng chỉ định hoặc bệnh nhân mua phải giá cao, khó xác định trong quá trình thanh toán”.

Tuy nhiên, theo bà, trong quá trình phòng, chống dịch COVID-19, đã nảy sinh nhiều vấn đề liên quan đến việc thiếu thuốc. Thực tế, nhiều cơ sở y tế không đủ thuốc nên bệnh nhân phải ra ngoài mua. Bà cho rằng, phải bảo vệ quyền lợi chính đáng của bệnh nhân, của người tham gia BHYT, nhưng hiện nay, chưa có quy định về việc trực tiếp thanh toán cho bệnh nhân khi họ mua thuốc bên ngoài. 

Để giải quyết vấn đề này, Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ sở đảm bảo đủ thuốc, vật tư y tế. Bộ cũng đề xuất phương án cho phép điều chuyển thuốc giữa các cơ sở y tế khi các kết quả thầu còn hiệu lực. Bộ cũng đang rà soát lại các danh mục thuốc và dự kiến đầu năm 2024, sẽ bổ sung danh mục thuốc để bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT. Liên quan tới cơ chế để thanh toán tiền cho những bệnh nhân tham gia BHYT tự bỏ tiền mua thuốc do cơ sở y tế thiếu thuốc và trang thiết bị y tế, bộ đã giao Vụ BHYT xây dựng thông tư và lấy ý kiến của các đơn vị, địa phương.

Gỡ khó cho khám, chữa bệnh từ xa

Theo bộ trưởng Bộ Y tế, hiện chưa có quy định hoàn tiền cho người dân khi tự bỏ tiền túi mua thuốc trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế khi cơ sở y tế thiếu thuốc, vật tư. Trong ảnh: Bệnh nhân khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (TP Hà Nội)
Theo bộ trưởng Bộ Y tế, hiện chưa có quy định hoàn tiền cho người dân khi tự bỏ tiền túi mua thuốc trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế khi cơ sở y tế thiếu thuốc, vật tư. Trong ảnh: Bệnh nhân khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (TP Hà Nội)

Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và Bộ Y tế trong việc xây dựng và triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân, nhưng đại biểu Trần Khánh Thu (tỉnh Thái Bình) vẫn băn khoăn về việc chưa có căn cứ để triển khai khám bệnh, chữa bệnh từ xa tại trạm y tế. Trong kết cấu giá dịch vụ y tế cũng chưa có cấu phần chi phí công nghệ thông tin, nên nguồn lực cho việc này còn rất hạn chế. 

Về vấn đề này, Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý ngành y tế là vấn đề cấp bách. Thời gian qua, ngành y tế đã chỉ đạo triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý của ngành. Bộ đã có các quyết định liên quan đến việc phê duyệt đề án khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025 và kế hoạch thúc đẩy sử dụng các nền tảng số để chuyển đổi số đến năm 2025.

Bà cũng cho hay, Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã được Quốc hội thông qua có quy định chi phí liên quan đến công nghệ thông tin nằm trong chi phí quản lý của các cơ sở khám, chữa bệnh. Hiện nay, Chính phủ đang triển khai xây dựng nghị định hướng dẫn Luật Khám bệnh, Chữa bệnh (sửa đổi) để cụ thể hóa những vấn đề này. 

Lương nhà giáo phải được ưu tiên xếp cao nhất

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà sáng 7/11, đại biểu Trịnh Minh Bình (tỉnh Vĩnh Long) cho rằng, nhân viên trường học có vị trí, vai trò quan trọng trong tổ chức dạy và học của nhà trường nhưng lương rất thấp. Mức lương khởi điểm có hệ số khoảng 1,8, tức chưa tới 3 triệu đồng/tháng. Giải pháp nào để cải thiện thu nhập cho đối tượng này?

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, nhân viên trường học gồm thủ quỹ, kế toán, văn thư. Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, cả nước có khoảng 150.000 viên chức làm nhiệm vụ hỗ trợ và phục vụ trong ngành GD-ĐT, trong đó có 37.817 nhân viên kế toán. “Chế độ lương đối với các viên chức hay còn gọi là nhân viên trường học còn rất thấp, chưa bằng mức lương tối thiểu vùng theo quy định” - bà nói.

Bà cho hay, trong thời gian tới, Bộ Nội vụ đề nghị các địa phương tổng rà soát lại toàn bộ nhân viên trường học; có phương án sắp xếp, đảm bảo đúng danh mục, vị trí việc làm để cải cách chính sách tiền lương cho đối tượng này. Theo bà, nhân viên trường học là viên chức nhưng lại không được hưởng phụ cấp công vụ 25%. Do đó, họ sẽ thiệt thòi trong đợt áp dụng chính sách tiền lương mới sắp tới. Bộ Nội vụ đề nghị rà soát lại và sẽ hướng dẫn để xét thăng hạng cho các nhân viên đang là viên chức trong trường học.

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (tỉnh Quảng Bình) cho rằng, giáo viên nói chung và giáo viên mầm non nói riêng đang chịu áp lực công việc lớn. Dù vậy, mức lương của họ vẫn rất thấp. Nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo yêu cầu lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Bà băn khoăn, trong chính sách cải cách tiền lương năm 2024, mức lương của đội ngũ nhà giáo sẽ được điều chỉnh ra sao. 

Bà Phạm Thị Thanh Trà trả lời: “Tổng thu nhập của nhà giáo hiện nay gồm lương, tiền lương theo chức danh nghề nghiệp, các loại phụ cấp. Như vậy, lương giáo viên cũng đã có cải thiện hơn so với các ngành nghề khác. Tuy nhiên, so với tính chất đặc thù nhà giáo thì thực tế vẫn còn thấp”. Khi cải cách chính sách tiền lương, Bộ Nội vụ sẽ căn cứ theo Nghị quyết 27 và Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đó là “lương nhà giáo được ưu tiên xếp trong thang bảng lương cao nhất trong hệ thống hành chính sự nghiệp”. Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ GD-ĐT để cùng rà soát các quy định về tiền lương, đặc biệt là tiền lương mới và các phụ cấp, dự kiến phụ cấp ưu đãi nghề đối với nhà giáo.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI