Từ một tai nạn

22/04/2016 - 15:45

PNO - Sau chiếc chổi quét đường, chiếc xe rác đẩy tay, là một con người đang đối mặt với những tai nạn rủi ro từng giây từng phút.

Rạng sáng ngày 20/4/2016, đường hầm vượt sông Sài Gòn (hầm Thủ Thiêm) bị phong tỏa gần ba tiếng đồng hồ để xử lý một tai nạn giao thông, được cho là nghiêm trọng nhất từ khi hầm được đưa vào sử dụng.

Đáng chú ý, đây không phải là loại tai nạn giao thông thông thường, mà là tai nạn giữa một phương tiện giao thông đang di chuyển và một nhóm công nhân đang cọ rửa, dọn dẹp đường hầm. Chiếc xe tải chạy từ hướng Q.2 về Q.1 do mất lái đã tông thẳng vào xe chở nước rửa đường và năm công nhân vệ sinh đang làm việc. Cả năm công nhân đều bị thương, một người tử vong do chấn thương quá nặng. Những người còn lại và thân nhân gia đình người bị nạn đều bàng hoàng vì vụ việc xảy ra quá bất ngờ. Chỉ mấy giờ trước người thân của họ còn vui vẻ nói chuyện qua điện thoại, rồi đột ngột, vụ tai nạn kinh hoàng ập đến.

Tu mot tai nan
Hình ảnh tai nạn trong hầm Thủ Thiêm - Ảnh: Internet

Tuy nhiên, đối với những đồng nghiệp may mắn thoát lưỡi hái tử thần, và đối với những công nhân vệ sinh đang quyên góp những đồng tiền hiếm hoi của mình tiễn đưa bạn đồng nghiệp xấu số, tai nạn trong khi làm việc hoàn toàn không phải là điều hy hữu. Có chăng, sự bất ngờ trong vụ tai nạn này nằm ở chỗ: họ là một đội hình đang làm vệ sinh đường hầm cùng với xe chở nước, tức là có phương tiện cơ giới, có cảnh báo bằng đèn và bằng cọc tiêu, trong một môi trường đủ ánh sáng và được giám sát nghiêm ngặt như hầm qua sông Sài Gòn. Vậy nên, họ tập trung vào công việc.

Và cũng vì thế mà vụ tai nạn trở nên quá kinh hoàng, thảm khốc. Chứ nếu trong một môi trường ít được chú ý hơn, đời thường hơn, có thể kể ra những rủi ro đang tiềm ẩn, những tai nạn đã diễn ra trong công việc hằng ngày của hàng vạn những công nhân vệ sinh khác. Với đặc thù công việc của mình: làm ca đêm, giờ khuya khoắt, làm việc trên đường trong tình trạng giao thông của một đại đô thị như TP.HCM, họ vẫn tự dặn mình trông gương của các đồng nghiệp mà tránh bớt những rủi ro tai nạn. Tránh được chừng nào biết chừng đó thôi, chứ không thể tránh được hết.

Nghề công nhân vệ sinh môi trường là nghề có phụ cấp độc hại, có đồ bảo hộ an toàn lao động, nhưng sau chiếc áo phản quang kia, sau chiếc chổi quét đường, chiếc xe rác đẩy tay, là một con người đang đối mặt với những tai nạn rủi ro từng giây từng phút. Không có gì có thể bảo hộ trọn vẹn cho da thịt, chân tay. Phần lớn anh chị em, trong đó phụ nữ chiếm số đông, đã chọn nghề này vì không thể khác. Hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nên mỗi lần sơ sẩy, mỗi vết thương đều là chuyện lớn đối với kế sinh nhai không chỉ của họ mà còn của gia đình. Đã có chị bị thương bàn tay mà không dám nghỉ làm, vì sợ mất ngày công, đến khi vết thương nhiễm trùng mới phải vào bệnh viện.

Tai nạn vì xe ép rác, vì xe cộ và người đi đường va quẹt, vì bơm kim tiêm dính máu, vì lưu manh trấn lột, kẻ bệnh hoạn giở trò sàm sỡ… Chẳng có nghề nào mà những rủi ro tai nạn nghề nghiệp lại đa dạng như nghề công nhân vệ sinh môi trường. Nhưng đời sống thành phố không thể thiếu các anh các chị một ngày. Bởi sự cần thiết gắn bó chặt chẽ với nhau của cả hai bên, mà các anh chị cần cù trên từng con hẻm, từng góc phố mỗi đêm mỗi sáng. Thành phố càng phát triển, càng lớn lên, càng mở ra những cơ hội cho mọi người, mặt trái của nó là vệ sinh, môi trường, càng đáng báo động.

Từ thực tế chiến dịch “phân loại rác tại nguồn” do nhóm nghiên cứu môi trường của một trường đại học tiến hành thí điểm mấy năm trước, người ta nhận ra đa số người dân chỉ có ý thức môi trường khi đó còn là đồ của mình, còn khi đã quăng vô thùng rác, người ta coi đó là… việc của người khác. Có thể thương người quét đường, người đổ rác bằng cách lì xì vào dịp tất niên, năm mới, nhưng việc đem bịch rác quăng ra ngoài đường là việc… vô tư.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI