|
Ảnh minh họa |
Thường thì ăn tối xong, chị Hường sẽ làm bạn với cái điện thoại, mở nhóm chat để đọc tin từ “thông tấn xã vỉa hè”. Tối nay tin “hot” là chuyện vợ chồng nhà Thuần mới ly hôn, chiều nay ông chồng xách vali đi rồi.
Vợ chồng nhà Thuần thì chị Hường biết, cô vợ khéo léo và hiểu biết, các mẹ trong chung cư có lập nhóm chat trao đổi về chuyện học hành, ốm bệnh hay cách dạy con. Chị thấy Thuần tham gia tích cực lắm, kiến thức của cô về các bệnh trẻ con khá sâu, các bệnh viện, phòng khám cô cũng biết nhiều, thủ tục học hành của con cái cô cũng am hiểu.
Hàng loạt câu hỏi chạy trong đầu chị Hường: Người khôn khéo như Thuần, sao lại ly hôn? Sau khi lê la dò hỏi, chị mới biết chồng Thuần có bồ nhí.
Chị nói với chồng con chuyện của Thuần trong bữa ăn tối, chị kết luận: “Đàn ông, luôn cả thèm chóng chán, sĩ diện và gia trưởng”. Chị than thở “phụ nữ luôn bị đối xử không công bằng kể cả ở nhà hay ngoài xã hội”.
Rồi chị nhắc lại chuyện vợ chồng nhà Loan chia tài sản khi ly hôn. Anh chồng nuôi con trai lớn, chị Loan nuôi con gái nhỏ nhưng tiền bán nhà lại chia đều 2 phần: xe thì Loan đi xe máy cũ, chồng lấy xe hơi. Công bằng ở đâu khi Loan vướng con nhỏ còn bị thiệt thòi?
Sẵn đà chị kể chuyện chị Vy, ngay từ khi vợ chồng chị Vy lấy nhau, 2 người đã thống nhất tiền ai nấy giữ, mỗi tháng họ góp vào quỹ chung một khoản cố định. Người đưa ra ý kiến là anh chồng vì khi ấy thu nhập của anh ta cao hơn vợ.
Chỉ mấy năm sau lương chị Vy lại cao hơn chồng khá nhiều, khi ấy anh chồng lại muốn đổi ý nói “của chồng công vợ”, chị Vy không đồng ý thì anh ra vào dằn hắt bóng gió. Chị kết luận: “Dù chị Vy thu nhập cao hơn chồng thì chị Vy cũng không khi nào nói ra ngoài, chỉ là anh chồng sĩ diện nên sợ thiên hạ cười chê mình kém cỏi, bất tài”.
Chị nói chuyện hăng say, không để ý chồng đã buông đũa. Lúc chị dứt lời, anh lên tiếng: "Anh không hiểu em lấy đâu ra nhiều năng lượng vậy, ban ngày đi làm, tối về còn nhà cửa mà em còn sức nghe chuyện thiên hạ, còn cất công mang về nhà. Mỗi nhà mỗi cảnh, chuyện nhà người ta em hiểu được bao nhiêu? Và cũng không cần mang về nhà nói trong bữa cơm như thế này đâu!".
Anh bỏ vào phòng, chén cơm còn nửa, chị ngơ ngác, chị có làm gì sai đâu. Những chuyện chị nói đâu phải chỉ nói chơi kiểu "câu chuyện làm quà" mà là chị đang mượn chuyện nhà người nhắc nhà mình.
Chồng chị cũng đàn ông, anh cần biết khi đã sa chân hay lỡ lầm thì chị sẽ không tha thứ. Rằng chị cũng đi làm, cũng có thu nhập nên đừng tưởng sẽ đối xử với chị kiểu "bề trên". Chắc anh "nhột" nên mới có phản ứng kiểu vậy.
Con gái chị cũng buông đũa: "Nhà mình một ngày mới được ngồi ăn chung bữa cơm mà mẹ kể toàn chuyện gì đâu không!".
Con gái thở dài: “Những chuyện mẹ nói bên ngoài nhiều lắm, con nít tụi con cũng nghe nữa. Nhưng nghe rồi nghĩ một mình thôi, mẹ mang về nhà chi vậy. Mẹ chơi Facebook đó, khi thấy những trang quảng cáo mẹ thường bỏ qua hoặc nhấn nút "ẩn báo cáo" để khỏi bị làm phiền. Vậy nút ẩn của mẹ chỗ nào để ba và tụi con nhấn?”.
Nghe con nói mà chị nóng mặt, ý nói chị nhiều chuyện khiến bố con chán ngán chứ gì. Chị ngồi một mình ngoài ban công ngẫm nghĩ, chồng chị chưa có những tật nào như những ông chồng kia, nhưng chưa có là chị chưa phát hiện ra, hay chồng giấu kỹ quá chị không thấy. Dù sao chị cũng phải cảnh báo trước, phòng bệnh hơn chữa bệnh.
Chồng chị ít khi cáu giận, chị có làm gì sai anh cũng chỉ nhẹ nhàng nói cho chị hiểu, tuyệt nhiên không nhắc lại, nay anh nổi cáu chứng tỏ anh bực lắm.
Là chị đã "kê toa" quá đà hay sao, con gái 12 tuổi cũng góp ý, hoá ra chị giống mấy trang quảng cáo cứ mở ra là thấy, rất phiền hà và nhàm chán?
Chị vào phòng, chưa kịp nói gì thì anh đã nhỏ nhẹ: “Anh hiểu ý em... nhưng đừng mang những câu chuyện tiêu cực u ám vào bữa ăn. Đây là thời gian gia đình quây quần. Nếu em muốn nói chuyện thì lúc này, còn 2 vợ chồng, em nói thoải mái, con còn nhỏ, nghe những chuyện đó làm gì?”.
Chị cười ngượng nghịu, là anh sẵn sàng nghe, chỉ là chị chọn thời gian và không gian không thích hợp. Là chị thấy ấm ức của những người vợ kia nên muốn “đòi lại công bằng” mà quên mất chồng con chị không hứng thú và hoàn toàn vô can.
Chồng chị thêm: “Không ai muốn chuyện nhà mình thành đề tài cho người ngoài, mang chuyện người ta đi khắp nơi khác nào làm người ta thêm một vết thương”.
Chị thấy anh nói đúng, từ mai chị sẽ hạn chế nghe những tin không vui, bớt thói ngồi lê, chị sợ một ngày nào đó gia đình mình cũng bị mổ xẻ bới móc. Chị sẽ sắm cho mình nút “ẩn bớt” vì chị không muốn mình trở nên nhàm chán, phiền phức, “không phù hợp” hay “xuất hiện quá nhiều lần”.
Thu Dung