Ngày quen nhau, chị đã quý anh bởi tính biết lo xa. Như lần đó hai đứa đi chơi về gặp mưa, phải ghé mua cái áo mưa tiện lợi. Trời đã khuya nên bà bán hàng giảm giá từ năm ngàn còn ba ngàn, thay vì lấy hai cái, anh lấy luôn bốn cái, bảo đang mùa mưa, thế nào chẳng gặp mưa nữa. Tiện mua sẵn bỏ trong túi, lại tiết kiệm được tám ngàn.
|
Ảnh minh hoạ |
Chị cho là phải, như đầu tháng lấy lương gia sư, anh mua ngay thùng mì gói với chai nước mắm cùng một ký đậu phộng để dành sẵn, còn không quên nạp tiền điện thoại. Trong lúc nhiều bạn bè cuối tháng phải vay mượn, thì anh chẳng phải lo ăn uống...
Lấy nhau rồi, không biết do quen quá hóa nhàm, hay tâm tính chị thay đổi, mà cái nết ngày xưa khiến anh ghi điểm, nay lại khiến chị khó chịu.
Như hồi mua xe máy, đã tính toán là mua cái xe mười bảy triệu, thì cuối cùng anh chị lại ra về với cái xe hai mươi bảy triệu do cái này mới ra, có cải tiến, màu sắc cũng đẹp hơn và nhìn sang hơn loại kia. Lúc ở cửa hàng, vì đông người nên chị không thể cản anh. Nhưng chị đã níu áo kèm mấy lần nháy mắt, còn hoãn binh với cô nhân viên là để về suy nghĩ thêm, nhưng anh vẫn quyết luôn. Giờ thì lấy đâu ra tiền mà trả?
- Em vay tạm đâu năm triệu, thằng bạn anh hứa cho vay năm triệu rồi.
- Vay chẳng nhẽ không trả, trong khi tiền tháng nào hết tháng đó. Ăn uống tằn tiện được, chứ tiền trường của con làm sao bớt?
Anh nhíu mày:
- Đằng nào cũng mua thì cố mua luôn cái tốt mà dùng cho lâu. Tiền hết thì làm lại có.
Chị đành im lặng, ngày xưa anh cũng nói vậy.
Những món lớn, anh viện cớ đằng nào cũng mua, thôi thì... nhưng những món nhỏ anh cũng y lập trường. Sinh nhật con lớn, anh hứa mua cho con bộ đồ chơi. Chiều về chị suýt ngất khi thấy giá tiền món đồ bằng cả tuần tiền chợ.
Anh nói, mấy đồ này, của rẻ là của ôi, vợ chồng mình xài sao cũng được nhưng phải mua đồ đàng hoàng chất lượng cho con. Nhưng chất hay lượng cũng chỉ được nửa tháng là thằng con gỡ tanh bành rồi vứt mỗi nơi một mảnh. Con nít chứ phải người lớn đâu mà đòi giữ đồ chơi năm nọ qua năm kia.
Đến sinh nhật con nhỏ, thay vì mua bộ xếp hình đúng hoặc hơn một hai tuổi cho con, anh vác về bộ xếp hình hơn trăm chi tiết. Thằng bé năm tuổi làm gì đủ kiên nhẫn xếp? Thế là chị đành nhìn một đống tiền xếp xó chờ con lớn.
Thà nhà có điều kiện thì chẳng nói làm gì. Vợ chồng nuôi hai đứa con ăn học rồi đau bệnh đã đủ chật vật, cứ tháng nọ gối đầu đuổi theo tháng kia, lại gặp ông chồng có tính hào phóng, thêm tật đếm cua trong hang. Công ty vừa thông báo có thưởng, anh đã hí hửng mua đồ chơi cho con, mua con gà với mấy lon bia về rủ hàng xóm nhậu.
|
Ảnh minh họa |
Kết quả là tiền thưởng chỉ bằng nửa tiền ăn mừng. Anh chưng hửng nhưng lại cười xòa. Thôi thì lâu lâu ăn tươi, liên hoan bữa cho ấm tình làng nghĩa xóm. Chị đành câm nín vì đã quá biết tính chồng. Có những tính toán của anh cũng đúng, nhưng là phụ nữ tay hòm chìa khóa, lại một mình ở thành phố lớn, chị muốn có sự đảm bảo cho gia đình hơn là cứ phải nơm nớp “lỡ như”.
Chị bị sốt xuất huyết giữa lúc đang có dịch. Cũng may anh vay được tiền và chăm sóc chị khá chu đáo dù còn vụng về. Đang phải nằm một chỗ buồn thối người, chị nghĩ cách trêu anh cho chừa cái tính “đằng nào cũng...”.
Khi cô y tá chích thuốc cho chị, chị nói cô chích luôn ba mũi đi và nháy mắt với cô. Trong khi cô y tá chưa nói gì thì anh cản, sao chích nhiều thế, em sợ đau cơ mà. Chị thủng thỉnh, đằng nào trưa chiều cũng chích thì chích luôn một lần đau cho đáng. Thấy anh gãi đầu có vẻ nhột, chị cười thầm trong bụng. Lúc xuất viện đợi anh đi mua thuốc, chị đưa anh thêm mấy tờ tiền, nói anh mua thêm nhiều nhiều vì đang có dịch, thế nào nhà chẳng có thêm ai đó dính. Đằng nào cũng...
Chị chưa nói xong anh đã trợn mắt ngăn không cho chị nói tiếp. Chị nén cười, hẳn anh đã nhận ra chị đang “học” cái tính lo xa quá đáng của anh. Ngày xưa gọi là lo xa vì liệu cơm gắp mắm, còn nay đã phát triển thành bóc ngắn cắn dài.
Hy vọng từ mai anh sẽ chừa.
Ngọc Thanh