Tự lực vắc xin là lời giải lâu dài cho đại dịch

02/07/2021 - 06:34

PNO - Các công ty dược phẩm toàn cầu đã làm việc với tốc độ chóng mặt để phát triển vắc xin phòng COVID-19. Giờ đây, một thách thức khác đã xuất hiện, đó là sản xuất số lượng lớn để có thể tiêm chủng cho toàn thế giới.

 

Một lô vắc-xin gửi đến Madagascar theo sáng kiến COVAX của WHO.  Dù vậy trong dài hạn, mỗi quốc gia và khu vực đều cần tự chủ sản xuất  vắc-xin COVID-19 - Ảnh: AP
Một lô vắc xin gửi đến Madagascar theo sáng kiến COVAX của WHO. Dù vậy trong dài hạn, mỗi quốc gia và khu vực đều cần tự chủ sản xuất vắc xin COVID-19 - Ảnh: AP

Giáo sư Leo Yee Sin - Giám đốc điều hành Trung tâm Quốc gia về Bệnh truyền nhiễm Singapore - nhận định: “Một năm rưỡi sau khi COVID-19 xuất hiện, yếu tố quan trọng để giải quyết đại dịch chính là tốc độ”. Thế nhưng, tình trạng thiếu nguyên liệu chính đang khiến tốc độ sản xuất và phân phối vắc xin chậm lại.

Các quốc gia đã dựa vào luật pháp để bảo vệ nguồn cung cấp vắc xin của mình, khiến nhiệm vụ sản xuất vắc xin và nguyên liệu thô trở nên khó khăn hơn đối với những nước khác. Người phát ngôn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tarik Jasarevic thừa nhận: “Nguồn cung cấp vắc xin COVID-19 bị tác động tiêu cực bởi cách áp dụng Đạo luật Sản xuất Quốc phòng (DPA)”. Hơn nữa, với hơn 100 thành phần và nguyên liệu để sản xuất vắc xin, các công ty dược phẩm đang cạnh tranh gay gắt để xây dựng chuỗi cung ứng, nhằm đảm bảo sản lượng theo hợp đồng đã ký.

Phó Chủ tịch phụ trách sản xuất và vận hành kỹ thuật Sean Kirk từ Công ty Emergent BioSolutions (Mỹ) - nhà cung cấp nguyên liệu cho vắc xin Johnson & Johnson và AstraZeneca - cho biết, một dây chuyền sản xuất vắc xin mới thường tốn 3-4 năm chuẩn bị, hoặc ít nhất 6-7 tháng nếu chuyển đổi từ dây chuyền sẵn có. Do đó, muốn đảm bảo lượng vắc xin cần thiết cho tiêm chủng toàn cầu, những nước giàu cần đảm bảo hỗ trợ các quốc gia đang phát triển trong việc tự xây dựng nguồn cung vắc xin COVID-19.

Theo báo cáo của WHO mới đây, chưa đến 5% số liều vắc xin trên thế giới được sử dụng tại châu Phi. Hôm 30/6, Tổ chức Tài chính phát triển quốc tế Mỹ phối hợp với Ngân hàng Thế giới, Đức và Pháp công bố khoản đầu tư chung để nâng cao năng lực sản xuất vắc xin ở châu Phi.

Bên cạnh đó, WHO đã đề ra nhiệm vụ giúp các nước đang phát triển xây dựng nguồn cung cấp vắc xin của riêng mình. Trong những tuần và tháng tiếp theo, các nhóm kỹ thuật viên sẽ được WHO cử đến các quốc gia để xác định những điểm nghẽn về nguồn cung vắc xin và tạo ra các chiến lược để tăng cường sản xuất, với sự trợ giúp của các khoản đầu tư và viện trợ nước ngoài.

Bước đầu, WHO đã ra mắt trung tâm chuyển giao công nghệ đầu tiên cho vắc xin mRNA ở Nam Phi. Cơ quan Quản lý thuốc châu Phi cũng đang trên đà hình thành nhằm thúc đẩy sản xuất các sản phẩm chăm sóc sức khỏe tại địa phương và bảo vệ người tiêu dùng chống lại hàng giả.

Tại châu Á, các nước Úc, Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan đang chạy đua thành lập các cơ sở tự sản xuất vắc xin COVID-19. Công ty BioNTech (Đức) - đối tác của Công ty Pfizer (Mỹ) - tuyên bố thành lập một nhà máy sản xuất và trụ sở cho khu vực Đông Nam Á tại Singapore. Trong khi đó, hãng Moderna đã ký hợp đồng với Samsung Biologics để sản xuất vắc xin mRNA tại Hàn Quốc. Riêng đại diện AstraZeneca Thái Lan cho biết, đối tác Siam Bioscience sẽ sản xuất 180 triệu liều vắc xin COVID-19 trong năm nay, với khoảng 1/3 cho thị trường Thái Lan và 2/3 xuất khẩu đến các nơi khác ở Đông Nam Á. 

 Ngọc Hạ (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI