Từ lúc nào mạng xã hội trở thành phiên tòa hôn nhân?

15/04/2025 - 12:01

PNO - Phụ nữ - nhất là những người vừa sinh con, đang nuôi con nhỏ - không cần thêm những cú đánh từ dư luận, mà cần sự cảm thông và chở che đúng nghĩa.

Tuần trước, mạng xã hội lan truyền đoạn video ghi lại cảnh DJ Phan Ngọc (nghệ danh Ximer) hành hung vợ trong phòng ngủ, gây phẫn nộ dư luận. Dù chịu tổn thương, chị T.L. quyết định tha thứ cho chồng với hy vọng anh sẽ thay đổi vì con và tương lai gia đình.

T.L. cho biết chị chịu nhiều áp lực từ dư luận, đặc biệt là những lời chỉ trích vì quyết định giữ gìn hôn nhân. Dù vậy, bà mẹ trẻ vẫn tin tưởng vào cơ hội sửa sai và bắt đầu lại từ chính nơi mọi thứ từng đổ vỡ.

Hình ảnh nam DJ hành hung vợ lan truyền trên mạng xã hội. (Ảnh cắt từ video).
Hình ảnh nam DJ hành hung vợ lan truyền trên mạng xã hội (ảnh cắt từ video).

Từ vị trí nạn nhân, người vợ trong clip nhanh chóng bị đưa lên “ghế bị cáo” chỉ vì chị chọn tha thứ và tiếp tục chung sống với người gây ra tổn thương cho mình. Những lời bênh vực trước đó biến thành chỉ trích, mắng nhiếc, như thể quyền quyết định cuộc đời của chị đã bị tước đoạt bởi một “phiên tòa ảo”.

Từ vụ việc lần này, điều đáng suy ngẫm không chỉ nằm ở hành vi bạo lực - vốn cần bị lên án nghiêm khắc - mà còn nằm ở cách cộng đồng phản ứng với người trong cuộc. Tôi tự hỏi: Liệu mạng xã hội có còn là nơi để sẻ chia, hay chỉ là một công cụ để trút giận và thỏa mãn quyền lực phán xét?

Sự bao dung không phải là sự yếu đuối. Tha thứ không đồng nghĩa với dung túng. Và bảo vệ một gia đình, dù đang trong vết nứt, chưa bao giờ là việc dễ dàng. Người vợ ấy, giữa bao tiếng ồn và áp lực, đã chọn cách tin vào khả năng sửa sai của chồng - một điều mà nhiều người chưa chắc đủ dũng khí để làm. Cuộc sống gia đình không phải là một phiên tòa, càng không phải là nơi để đám đông phán xử thay cho người trong cuộc. Với người chồng, cú ngã này có thể là cơ hội để anh thức tỉnh, sửa sai và học cách làm lại từ đầu. Hôn nhân, sau tất cả, không chỉ là chuyện đúng sai, mà còn là câu chuyện của sự đồng hành và thay đổi.

Tôi vẫn tin rằng, trong mọi mối quan hệ, đặc biệt là hôn nhân, chỉ có thể bền vững nếu được nuôi dưỡng bằng sự giao tiếp 2 chiều và tinh thần lắng nghe lẫn nhau. Khi điều này vắng bóng, sự rạn nứt là điều tất yếu nhưng điều đó không có nghĩa ly hôn luôn là lựa chọn đúng đắn. Nếu cứ mỗi lần cãi vã là nghĩ ngay đến chia tay, thì hôn nhân chẳng khác nào một trò chơi cảm xúc chóng vánh, tờ giấy đăng ký kết hôn cũng mất đi phần thiêng liêng vốn có.

Không phải ai chọn ở lại cũng yếu đuối và không phải ai tha thứ cũng mù quáng. Đôi khi, đó là lựa chọn sau cùng của những người hiểu rằng sự gắn bó không chỉ là vì yêu, mà còn là vì trách nhiệm, vì con và vì một niềm tin rằng con người có thể thay đổi.

Ảnh minh họa: Vecteezy
Ảnh minh họa: Vecteezy

Chúng ta cần lên án hành vi bạo lực một cách mạnh mẽ, nhưng đồng thời cũng cần tôn trọng lựa chọn của người trong cuộc, họ có quyền được định đoạt cuộc đời mình. Phụ nữ - nhất là những người vừa sinh con, đang nuôi con nhỏ - không cần thêm những cú đánh từ dư luận, mà cần sự cảm thông và chở che đúng nghĩa.

Đừng để mạng xã hội biến những mối quan hệ thật trở thành nạn nhân của những lời phán xét dễ dãi. Hạnh phúc, nếu có thể giữ lại, thì nên bắt đầu từ những cuộc đối thoại chân thành và những lần lắng nghe...

Khánh Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI