Tuổi già sao cho vui?

Tự lo được mới tự do

29/03/2024 - 06:28

PNO - Sắp bước sang tuổi 80, bà Trần Thị Hương (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) vẫn chỉ thích ở một mình. Với bà, ở một mình vừa tự do, thoải mái, còn có thêm điều kiện để nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên, muông thú, giúp đỡ những người yếu thế xung quanh.

Làm bạn với cỏ cây giúp tuổi già của bà Hương thêm vui
Làm bạn với cỏ cây giúp tuổi già của bà Hương thêm vui

Yêu cây cỏ, mến loài vật

Tàu dừng, mọi người túa xuống sân ga Huế. Đang là giữa trưa nên khá nóng. Tôi loay hoay tìm o Hương. Bà là chị ruột của ba chồng tôi, theo lối xưng hô của miền Trung, tôi gọi bà bằng o. Cũng như mọi lần trước, o đi từ Đà Nẵng đến Huế để thăm ba tôi mà chẳng cần ai “tháp tùng”.

Kết hôn từ năm 20 tuổi, o theo chồng vào sống ở Đà Nẵng. O Hương sinh được 2 con trai, 1 con gái. 2 con trai đều lập nghiệp ở TPHCM, thỉnh thoảng lễ, tết mới về thăm mẹ. Còn cô gái út thì lấy chồng, theo chồng, sống xa mẹ mấy dãy phố. Sau khi cha mất, các con o Hương đều muốn mẹ đến sống chung, nhưng o không chịu. O bảo, miễn còn khỏe, tự lo được thì nhà ai nấy ở, không phiền nhiễu, đụng chạm lẫn nhau.

Lệ thường, mỗi khi gặp người già, mọi người thường hỏi thăm sức khỏe. Nhưng đối với o Hương, nhìn thần sắc, phong thái, cách o đi đứng, hoạt động, tôi đã tự có câu trả lời. Tôi hỏi: “Cuộc sống o dạo này có điều gì vui không?”. Câu trả lời của o khiến tôi bất ngờ: “Tuần trước, o mới thuê thợ về lắp thêm mấy chiếc camera. Không phải để theo dõi kẻ gian hay gì, chỉ là o muốn xem mấy con mèo trên mái nhà cho vui. Tụi nó cứ đuổi nhau chạy rần rật”. O kể thêm: “Thời trẻ, o có sức khỏe nhưng không có thời gian, tiền bạc cũng eo hẹp nên ít về thăm quê. Bây giờ già hơn, tuy sức khỏe giảm đi, nhưng thứ gì o cũng đảm bảo. Đôi ba tháng, o lại khăn gói về Huế, thắp hương cho cha mạ, gặp người thân một lần”.

Ra Huế lần này, hôm đầu tiên, o dành thời gian ở nhà ăn cơm, uống trà, trò chuyện cùng ba tôi. Sang ngày thứ hai, mới sáng bảnh mắt, o đã kêu tôi dậy nhờ chở o đi dạo phố, tìm quán đẹp đẹp uống cà phê và tìm mua củ sen giống. O bảo, nhà o có cái hồ cạn bấy lâu để quên sau góc nhà, nay o muốn trồng sen vào đó, để ngày ngày được chăm bón, hít hà hương thơm.

“O ở một mình nên rất thích xem ti vi, đặc biệt là những kênh về khuyến nông, khuyến lâm, trồng hoa, chăm sóc cây cảnh. Già rồi, ngoài nuôi nấng và quan sát chó mèo thì chơi cây, trồng hoa cũng vui lắm, ngày nào cũng có điều hay ho, mới mẻ, thú vị khiến mình cười” - o Hương nói thêm.

Sẵn sàng giúp người

O Hương không có lương hưu. Tiền cho thuê 3 căn phòng trọ mỗi tháng được gần 5 triệu đồng, o dùng để trang trải, tự chủ cuộc sống tuổi già. Số tiền ấy không quá lớn, nhưng tấm lòng của o lại rộng mở, bao la. O có thể ăn uống đơn giản, qua loa, mỗi bữa chỉ 1 món canh hoặc kho mặn, nhưng hiếm khi từ chối giúp đỡ những người yếu thế mà o có duyên gặp.

Mấy năm nay, căn nhà nhỏ của o Hương được ngăn thêm gian phía đầu hồi, cho sinh viên nghèo ở miễn phí. O tâm sự: “O không thích ở chung với con cái không phải vì bất hòa hay giận dỗi gì. O muốn con cái được tự do, bản thân được tự do khi mình vẫn còn có thể tự lo. Với những cháu sinh viên nhà nghèo từ quê lên thì khác. O cho mấy đứa ở nhờ, gần gũi mình vì o thấy cảm thương hoàn cảnh. Chúng nó cũng bận học, bận làm thêm suốt ngày nên cũng chẳng gây ảnh hưởng, phiền hà gì đến o”.

Tôi hỏi: “Một ngày với o có dài không? Ngoài xem ti vi, chăm cây cảnh, chó mèo thì o làm gì?”. O vui vẻ: “Dài gì mà dài, o còn thấy không đủ thời gian. O chỉ xem ti vi vào buổi tối, còn ban ngày o ra trước xóm chơi, gặp gỡ, trò chuyện với người này, người kia”. O khoe dạo gần đây o có thêm việc làm để vận động chân tay, khỏi đi bộ, đó là phụ bán bún buổi sáng cho một chị khách đang thuê nhà của o. Chị này quê ở Quảng Nam, đã kết hôn và sinh được 1 con gái năm nay lên 3 tuổi. Không may là cháu bé thường xuyên ốm đau, 2 vợ chồng làm lụng quanh năm cũng chỉ đủ tiền chữa bệnh. Tận dụng vỉa hè rộng, chị mở quán bán bún buổi sáng, chiều chị nhận hộp giấy về phòng trọ gia công.

“Thấy cháu ấy tất bật, khách hàng vào ra đông nhưng không có người phụ nên o tình nguyện giúp bưng bê, nhặt rau, dọn dẹp không lấy tiền công. Bù lại, o được ăn bún miễn phí, thỉnh thoảng còn được tặng những bộ áo quần mát mẻ, màu đẹp, rất phù hợp với tuổi già” - o Hương xuề xòa kể thêm với tôi.

Trước đây, tôi ít có dịp gặp, chỉ nghe về o Hương qua lời kể của chồng và chị dâu. Chị bảo, o Hương chính là tấm gương để chị soi chiếu về tấm lòng hướng thiện. O không thường xuyên đi chùa hay kể lể với ai về triết lý sống từ tâm, tôn trọng luật nhân quả, nhưng những hành động vô tư, rộng mở, luôn yêu mến từng gốc cây, ngọn cỏ, từng chú chó, chú mèo và không ngừng giúp đỡ người ngặt đã là minh chứng cụ thể, sống động nhất. Dù không giàu, dư dả điều kiện, nhưng tấm lòng yêu đời, thương người đã trở thành cánh cửa giúp cuộc sống của o luôn bừng nở những nụ cười. O Hương lớn tuổi, một mình nhưng sẽ không bao giờ cô đơn.

Diệu Thông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI