Tú Lệ mùa lúa chín

27/10/2013 - 10:08

PNO - PN - Tú Lệ là một xã thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, cách Hà Nội khoảng 250km về hướng Tây Bắc. Thung lũng Tú Lệ được vây quanh bởi ba ngọn núi: Khau Phạ, Khau Thán và Khau Song.

edf40wrjww2tblPage:Content

Từ Hà Nội, theo Quốc lộ 32, đích đến của chúng tôi hôm ấy là Mù Căng Chải, nhưng trước đó, chúng tôi được mách nước nên ngủ đêm ở Tú Lệ, vì vào mùa lúa chín rất khó tìm khách sạn ở Mù Căng Chải.

Tu Le mua lua chin

Chúng tôi đến Tú Lệ vào đúng giờ cơm trưa. Trên đường, điều đặc biệt gây chú ý là hàng loạt bảng hiệu giới thiệu “đặc sản nếp Tú Lệ”. Chúng tôi chọn một nhà hàng, phía trước có quầy bán các sản vật rừng như: măng chua, mật ong, táo mèo, rượu, gạo, nếp…, mùi nếp thơm phảng phất khiến ai cũng tò mò. Thúng nếp cao vun có ngọn, trắng tinh thôi thúc khách sục tay vào như thói quen mua gạo và cảm nhận hạt nếp. Nếp xứ này có hạt to, mập và đều, hạt trong nhiều hơn hạt đục. Mùi thơm của nếp ngọt ngào dễ chịu. Lấy tay ra khỏi thúng nếp, đưa lên mũi ngửi khách sẽ có cảm giác thèm đĩa xôi, đói cồn cào.

Bữa trưa hôm ấy, ngoài cơm, chúng tôi gọi thêm xôi. Xôi nóng và dẻo ngon làm sao. Nhà hàng không nêm muối nên xôi có vị nhạt, không giống cách nấu của người đồng bằng. Cô chủ quán bảo: “Ở đây, xôi có thể thay cơm nên không cho muối. Ăn như vậy mới cảm nhận được hết vị ngon và hương thơm nếp mới”.

Tu Le mua lua chin

Hạt nếp ngon bởi tinh túy của đất trời, thêm sự vất vả sớm hôm của nhà nông làm thành món ngon nổi tiếng: xôi nếp Tú Lệ. Chuyện kể rằng, ngày xưa, có một tộc người Thái được tiên hiện lên cho một coóng thóc quý và dặn rằng phải tìm được mảnh đất phù hợp thì thóc quý mới mọc và cho gạo dẻo thơm. Người Thái đi khắp vùng Tây Bắc, đến nơi nào thấy đất tốt cũng gieo trồng thử nhưng hạt thóc không nảy mầm. Không nản chí, họ vẫn tiếp tục đi. Đến chân đèo Khau Phạ, họ xuống suối Mường Lùng uống nước, thấy dòng nước mát trong và ngọt lịm, đất trong thung lũng tươi tốt lạ lùng. Gieo hạt giống xuống thấy nảy mầm xanh tốt và cho gạo dẻo thơm. Thế là người Thái dừng lại, cất nhà dựng bản và trồng lúa nếp từ thuở ấy.

Trên đường, chúng tôi thấy vài gia đình đang giã cốm trước nhà. Một người lấy chân đạp cần giã và một người ngồi lấy tay chặn không cho cốm rơi ra ngoài. Giã xong mới đến công đoạn sàng, sảy, chà cho sạch. Nếp ngon nên cốm cũng thơm, ngon, giá 90.000đ/kg, thật đáng tiền.

Tu Le mua lua chin

Buổi chiều, chúng tôi xuống dốc theo con đường chính của Tú Lệ, hết đoạn hàng quán, phố xá là thấy ruộng. Ruộng bậc thang đẹp như tranh. Trên cánh đồng, dòng người gánh lúa lên đường, nơi có xe máy chờ sẵn để chở về. Giá lúa nương khá đắt, 20.000đ/kg. Con số ao ước của nhà nông. Một thanh niên cho biết, trong năm có hai mùa lúa vào tháng Năm và tháng Chín, làm lúa nếp cực hơn lúa tẻ nên giá thành cao hơn.

Chúng tôi rời Tú Lệ khi sương mù buổi sớm còn bao phủ núi rừng. Lác đác trên đường đã có người ra ruộng. Thị trấn im lìm trong sương, êm đềm và bình an. Hương nếp vẫn phảng phất khắp nơi. Tôi đã mua một ít nếp mang về làm quà. Với mức 45.000đ/kg, có lẽ nếp Tú Lệ có giá cao nhất nước. Thế nhưng, có tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ruộng bậc thang, thấy bà con lao động vất vả trong mùa gặt, khi thưởng thức được hạt nếp ngon mang hơi thở núi rừng và tinh túy của đất trời, khách mới hiểu giá đó là xứng đáng.

 BÌNH AN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI