"Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng": Bác để lại bài học cho muôn đời từ những điều giản dị

05/06/2021 - 06:06

PNO - GS.TS Trình Quang Phú có nhiều dịp gặp gỡ Bác Hồ, những trang viết của ông vì thế đầy cảm xúc và ý nghĩa.

Hội Nhà văn TPHCM vừa có buổi sinh hoạt chuyên đề, giới thiệu tác phẩm Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng của GS.TS Trình Quang Phú, nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2021). Trong những ngày thành phố giãn cách xã hội, buổi trò chuyện chỉ có sự tham dự của tác giả cùng đại diện lãnh đạo Hội Nhà văn TPHCM.

Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, nhận xét đây là một tác phẩm thật sự hay, giàu cảm xúc và có ý nghĩa. Việc tổ chức một buổi sinh hoạt chuyên đề nho nhỏ trong phạm vi cho phép về số lượng người tham dự, cũng là để góp phần tôn vinh và lan tỏa tác phẩm có sức sống bền bỉ này. 

Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng đã tái bản đến lần thứ 20
Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng đã tái bản đến lần thứ 20

Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng được viết trong hai giai đoạn, trước và sau năm 1975. GS.TS Trình Quang Phú từng công tác tại Trung ương cục miền Nam, đảm nhận nhiệm vụ viết bài về Bác Hồ từ chiến trường miền Nam.

"Mỗi lần đoàn đi thăm Bác tôi đều được cử đi theo để lấy tư liệu, sau đó viết thành những bài báo về Bác. Sau giải phóng, tôi tiếp tục đến làng Sen quê Bác, ra Huế, đi Bình Định, Phan Thiết... thu thập thêm nguồn tư liệu về Bác để hoàn thành cuốn sách" - GS.TS Trình Quang Phú chia sẻ. 

Ông cũng là người đã có mặt tại lễ tang Bác Hồ và "đã viết về Bác trong những dòng nước mắt". Nhà văn Bùi Anh Tấn nhận định: "Tác giả đã phỏng vấn, ghi chép câu chuyện từ chia sẻ của những lãnh đạo đến người dân thường, cả ký ức riêng về Bác Hồ. Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng vì vậy có được những cảm xúc rất chân thực".  

Hình ảnh Bác Hồ ngồi trước căn nhà, nơi chôn rau cắt rốn, nói chuyện với bà con làng Hoàng Trù (1961)
Hình ảnh Bác Hồ ngồi trước căn nhà, nơi chôn nhau cắt rốn, nói chuyện với bà con làng Hoàng Trù (1961)

Có những câu chuyện kể về Bác rất gần gũi, rất giản dị nhưng xúc động, chứa đựng những bài học lớn và cũng làm nên nhân cách lớn của vị cha già kính yêu của dân tộc. Như chuyện có một lần tác giả ngồi ăn cơm với Bác, khi xới cơm cho Bác đã vô tình khiến một ít cơm rớt ra ngoài, ông định lấy bỏ vào bát xương thì Bác nhặt lại cho vào bát cơm của Bác và nói rằng: "Người nông dân làm ra hạt gạo là một nắng hai sương cháu ạ!".

Lúc nào Bác cũng cho nấu cơm mang theo, đi công việc có tiện bóng cây mát thì ngồi ăn. Bác làm như vậy vì không muốn địa phương đón tiếp Bác vất vả, tốn kém. Mỗi bữa Bác cũng chỉ ăn uống đạm bạc. 

"Những chi tiết rất nhỏ như vậy thôi nhưng để lại cho mình bài học rất lớn. Hoặc có lần tiếp nhà thơ Thanh Hải, Bác đưa ra một tạp chí nước ngoài có in thơ văn của các nhà văn Việt Nam. Nhà thơ Thanh Hải vui mừng nói có thơ của mình, Bác nhắc rất nhẹ: "Cháu chỉ nhớ mỗi thơ cháu mà không nhớ thơ ai khác à?". Chỉ vậy thôi, Bác dạy ta phải biết khiêm tốn, nên nhớ người khác trước rồi mới nhớ đến mình. Những điều tưởng chừng nhỏ nhặt như vậy nhưng luôn có thể khiến ta nhớ rất lâu" - GS.TS Trình Quang Phú bày tỏ. 

Bác còn sống mãi với quê hương đất nước...
"Bác còn sống mãi với quê hương đất nước..."

GS.TS Trình Quang Phú còn có những kỷ niệm khó quên với Bác là khi còn học ở trường Thiếu sinh quân, Bác đến thăm lần nào cũng cho kẹo bánh. Rồi được Bác khen thưởng và tặng huy hiệu vì nhặt được của rơi trả lại cho người bị mất. Chiếc huy hiệu của Bác Hồ đã trở thành nguồn động viên giúp ông vượt qua gian khổ, nguy hiểm trong những ngày bom đạn ác liệt ở mặt trận Khe Sanh...

Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng ghi chép câu chuyện cuộc đời của Hồ Chủ tịch vĩ đại từ thuở chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, đến ngày "trời tuôn nước mắt đời tuôn mưa" tiễn Bác. Nhà văn Trầm Hương đánh giá, cuốn sách này có giá trị đặc biệt về tư liệu, lịch sử, giáo dục...

Bên cạnh những ghi chép về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ, những câu chuyện nhỏ về Bác, được viết bằng những ký ức, sự gắn bó và tình cảm rất riêng của tác giả mới khiến cho cuốn sách trở nên có sức lay động, lan tỏa và thật sự khác biệt. 

"Từ Làng Sen đến bến Nhà Rồng là tác phẩm viết về Bác Hồ mang tính hiện thực, văn phong giản dị nhưng xúc động. Tác giả đã miêu tả và kể lại hết sức chân thực về tình cảm và công việc của mình, những bài ký viết về những sự kiện trọng đại của các nhân vật quan trọng trong lịch sử có liên quan đến Bác khiến ta hiểu khá rõ nhiều sự kiện theo nhiều chiều kích khác nhau" - nhà văn Kim Quyên nhận xét.

Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng đã được tái bản đến lần thứ 20, là cuốn sách được học sinh, sinh viên lựa chọn làm tài liệu tham khảo, học tập, nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ. Mỗi lần tái bản, GS.TS Trình Quang Phú cũng bổ sung thêm tư liệu, hình ảnh mới cho cuốn sách thêm đầy đặn. 

Những tựa sách viết về Bác Hồ của nhà xuất bản Kim Đồng
Những tựa sách viết về Bác Hồ của Nhà xuất bản Kim Đồng

Dịp này, nhà xuất bản giới thiệu bộ sách có giá trị viết về Bác Hồ của nhà văn Sơn Tùng: Búp sen xanh (đến nay đã được tái bản đến lần thứ 30), Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh, tái hiện lại quãng thời gian Bác vừa từ Huế vào miền Nam, dạy học ở trường Dục Thanh (Phan Thiết); truyện dài Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng và cuốn sách tranh Từ làng Sen, in kèm 25 bức tranh minh họa màu nước của họa sĩ Lê Lam.

Một trong những tác phẩm ấn tượng về cuộc đời Bác Hồ thuở thiếu thời là tiểu thuyết Cha và Con của nhà văn Hồ Phương. Tác phẩm này được ra mắt lần đầu vào tháng 9/2007. Kịch bản phim Nhìn ra biển cả của nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát cũng được giới thiệu trở lại trong dịp kỷ niệm lần này. Ngoài ra, những mẩu chuyện nhỏ về Bác Hồ cũng được kể trong tập Kể chuyện Bác Hồ, Bác Hồ kính yêu (nhiều tác giả)…

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI