Sắp có quy định điều chỉnh “vùng trống”
Hôm 23/10, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Nguyễn Văn Hùng đã đọc tờ trình trước Quốc hội về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Theo đó, tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên mạng tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả phân loại phim của mình. Bộ VH-TT-DL phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ kiểm tra, xử lý việc phân loại, phổ biến phim trên mạng.
“Đây là cách tiếp cận mới, linh hoạt, giúp giảm thiểu gánh nặng về chi phí và nhân sự cho các nhà quản lý điện ảnh, tăng cường hội nhập quốc tế, tăng cường thương mại điện tử xuyên biên giới”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.
Một số công việc cần thực hiện để phục vụ cho cơ chế này như: xây dựng hệ thống quy định hướng dẫn thi hành Luật Điện ảnh (sửa đổi), nêu rõ tiêu chí, nội dung phân loại; xây dựng bộ máy kiểm tra, kiểm soát, hệ thống phản hồi; lực lượng thanh tra hoạt động thường xuyên, liên tục để kịp thời xử lý vi phạm.
|
Phim phát hành trên mạng phát triển mạnh nhiều năm qua. Trong ảnh là cảnh trong phim Gia đình cục súc |
Theo dự thảo luật, phim sẽ được phân theo sáu loại: phổ biến với mọi lứa tuổi, từ đủ 18 tuổi, từ đủ 16 tuổi, từ đủ 13 tuổi, dưới 13 tuổi và không được phổ biến. Những nội dung bị cấm gồm: vi phạm nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp, pháp luật; chống phá Nhà nước; xuyên tạc sự thật lịch sử; tiết lộ bí mật nhà nước, gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, cũng như bí mật đời tư của cá nhân; kích động bạo lực; chi tiết hình ảnh, âm thanh, lời thoại dâm ô, trụy lạc…
Cá nhân, tổ chức phát hành không được thay đổi nội dung, kết quả phân loại đối với các phim được cấp giấy phép phân loại hoặc quyết định phát sóng. Khi cơ quan nhà nước yêu cầu, đơn vị cung cấp dịch vụ hạ tầng phải gỡ bỏ phim.
Cần một giải pháp phù hợp
Việc phát hành phim trên mạng phát triển mạnh vài năm trở lại đây. Không chỉ YouTube, nhiều nền tảng chuyên về lĩnh vực này cũng xuất hiện như: FPT, Galaxy Play, Vieon… cho thấy đây là mảng thị trường có nhiều hy vọng phát triển. Thời gian trước, đây là vùng hoạt động chưa được quản lý, sắp tới sẽ được vào khuôn khổ.
Trailer Tay buôn buông tay - một trong những phim chiếu mạng từng được chú ý:
Đại diện một nền tảng phát hành phim lớn hiện tại cho biết, với phim tự sản xuất đã có khâu kiểm tra kịch bản, nội dung từ đầu, nên đáp ứng được những tiêu chí cần thiết, không vi phạm vùng cấm. Trong khi đó, những phim mua bản quyền nước ngoài sẽ có một đội ngũ kiểm tra trước khi phát hành. Đây cũng là cách vận hành chung của nhiều nền tảng phát hành phim trực tuyến hiện tại.
Hướng đến nền điện ảnh tiên tiến là điều tốt. Nhưng thực tế thời gian qua cho thấy cũng có những lo ngại nhất định. Chẳng hạn, nhiều phim phát hành trên mạng có nội dung bạo lực dày đặc, khiến người xem kinh hãi. Trong một cuộc trao đổi với Báo Phụ Nữ TP.HCM, NSND Trần Ngọc Giàu cho rằng nghệ sĩ luôn có cái tôi lớn, đôi khi rất khó tác động để thay đổi. Do đó, lối tư duy và cách làm của một bộ phận người làm phim cũng rất khó được tự động điều chỉnh trong quá trình sáng tạo để cho ra đời những sản phẩm phù hợp quy chuẩn chung.
Một số phim có cảnh nóng nhưng không dán nhãn, hoặc thông báo để người xem nhận biết. Những khái niệm về vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục… vẫn chưa có cơ sở thống nhất để phân định, nên ai cũng có lý riêng để bảo vệ mình. Trong một số trường hợp, phim vi phạm bị xử lý nhưng trước đó cũng đã xuất hiện tràn lan trên mạng.
|
Gái ngàn đô, phim 18+ ngập cảnh nóng, bạo lực |
Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội đề nghị xây dựng tiêu chí chi tiết, minh bạch để cơ sở sản xuất, phát hành, phổ biến phim có căn cứ tự kiểm duyệt và phân loại. Đạo diễn Võ Thanh Hòa cũng đồng tình với quan điểm này. Anh cho rằng khi có luật định cụ thể, sẽ lấy đó làm chuẩn để thực hiện.
Ông Nguyễn Quang Đồng (Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông) thì đề xuất trao quyền cho các tổ chức, hiệp hội về điện ảnh, hay các đài truyền hình có năng lực phân loại tham gia vào công đoạn này. Nhà nước sẽ cấp giấy phép để các đơn vị này hoạt động. Hội đồng phân loại và thẩm định phim quốc gia sẽ trở thành cơ quan giải quyết tranh chấp. Nếu doanh nghiệp phân loại làm sai, hội đồng sẽ đứng ra phân xử. Ông Đồng nhấn mạnh cần có chế tài xử lý những đơn vị vi phạm, chẳng hạn doanh nghiệp làm sai bao nhiêu lần sẽ bị rút giấy phép. Ông cũng đề xuất xây dựng công cụ trực tuyến thân thiện để người dùng có thể báo cáo vi phạm như Singapore đang làm.
Với lượng phim phát hành trực tuyến ngày càng lớn, việc tiền kiểm được nhìn nhận khó khả thi, sẽ gây áp lực lớn đến cơ quan quản lý văn hóa. Tuy nhiên, nếu thiên về hậu kiểm, vẫn cần một cơ chế hợp lý để đảm bảo nền điện ảnh tự do, hiện đại, mà vẫn giữ gìn và phát huy những giá trị chân, thiện, mỹ.
Trung Sơn