Tự kỉ không có gì là bất thường

16/09/2016 - 15:19

PNO - “Không sao cả. Tự kỷ, điều đó không có gì bất thường, cũng chẳng có điều gì bị hủy hoại, nó đến với bất kỳ ai như là việc phải đến, mình phải đón nhận nó như cuộc sống đang tiếp diễn”.

Người mẹ ấy vừa quệt nước mắt, vừa lớn tiếng với người phụ nữ bên cạnh trong công viên: “Chị cũng có con mà chị rủa con tôi như thế được hay sao? Đúng là nó không bình thường, nhưng nó cũng là người mà”. Sau câu nói ấy, chị khóc thành tiếng. Người phụ nữ kia kéo con ra khỏi chiếc bập bênh, ném lại người mẹ đang khóc ánh nhìn sắc lẹm; chị ta bĩu môi rồi đẩy con vào nhà banh liên hoàn, còn mình thì ngồi trên ghế đá nói chuyện gì đó với người bên cạnh.

Chị sang bên một đầu chiếc bập bênh tiếp tục chơi với con. Con chị, một đứa bé trai khoảng 12 tuổi, lơ ngơ cười, nó phấn khích nhảy cẫng lên, chiếc bập bênh mất thăng bằng làm chị té xuống cỏ. Thằng bé vỗ tay cười khanh khách, miệng ú ớ những âm thanh vô nghĩa. Người mẹ nhìn con bất lực, chị gục xuống bãi cỏ, kiệt sức.

Tôi đứng cách chị một quãng không xa, vừa đủ để chứng kiến tất cả. Trái tim tôi lúc đó đau như thể nó sắp văng ra khỏi ngực và tôi phải cố hết sức để trái tim mình tiếp tục những nhịp đập dũng cảm. Con trai tôi, đang loay hoay những vòng xoay liên miên của chiếc xe nhựa.

Tu ki khong co gi la bat thuong
Ảnh minh họa: Internet

Tôi lên một chiếc xe khác, hơi rướn mình vì sợ làm hỏng chiếc xe bé bỏng của sân chơi, tiến về phía con và bảo: “Con làm như thế này này”. Thằng bé khúc khích cười, hơi lúng túng; chiếc xe ngả nghiêng vài lần nhưng cuối cùng thằng bé cũng thoát khỏi những vòng quay bối rối để hân hoan cùng mẹ chạy xe trên khoảnh sân nhỏ của công viên.

Nhưng tầm mắt tôi đã không rời khỏi chị và đứa bé cô đơn trên chiếc bập bênh. Không có bạn chơi, nó cáu lên, ăn vạ, cầm lấy những vật xung quanh ném khắp nơi. Những bà mẹ bên cạnh dắt con tránh xa chỗ thằng bé. Có tiếng làu bàu: “Con mình đã thế, lại chẳng trông nom cẩn thận gì cả”.

Chị hình như định nói gì đó nhưng mệt mỏi im lặng, vòng tay ôm xiết lấy con, cố kéo nó đến chiếc xe máy để về nhà. Thằng bé vùng vẫy, nhào thẳng ra ngoài đường. Tôi đứng gần đó, kịp kéo nó lại. Chị gật đầu cảm ơn rồi tiếp tục cuộc giằng co với con. “Chị để cháu chơi thoải mái đi”, tôi nói. “Nhưng…”. “Không sao mà chị, tôi thấy cháu còn thèm chơi. Cún này, con chơi với anh nhé”.

Cún của tôi dường như không nghe lời mẹ gọi, nó đã chuyển đam mê sang những trái bóng trong nhà banh với vài bạn nhỏ. Tôi tung những quả bóng theo con rồi ra hiệu chị dắt thằng bé lại. “Nhưng…”, chị ngập ngừng. “Không sao. Nó không gây nguy hiểm cho ai đâu. Chị cùng vào chơi đi”. Khi lũ trẻ chơi bóng với nhau, tôi và chị ngồi trên bãi cỏ.

“Rất nhiều lần, tôi đã muốn con tôi biến mất khỏi trái đất này” - chị kể - “Tôi gần như phát điên khi biết nó tự kỷ rất nặng. Chồng chán, bỏ hai mẹ con, tôi vẫn thấy vấn đề đó không quá lớn, nhưng đến khi tôi cảm thấy cả thế giới này như muốn từ chối mẹ con tôi thì tôi cạn kiệt sức lực. Tôi không may mắn như cô để có được đứa trẻ bình thường và đẹp đẽ và cô cũng không thể hiểu được những người mẹ như tôi”.

Tôi đưa chiếc khăn giấy cho chị, chỉ về phía nhà banh nơi bọn trẻ đang vui đùa. Tôi hỏi chị có để ý rằng chẳng bao giờ thằng bé con tôi nhìn vào mắt mẹ, chẳng bao giờ nó đứng yên một chỗ và bất cứ khi nào tôi dịch chuyển sang nơi nào đó, lòng bàn tay vững chãi của tôi cũng cuộn lấy tay thằng bé, không bao giờ tách rời; chị có để ý rằng chẳng bao giờ thằng bé có thể trả lời mẹ ngay, mà tôi phải chờ đợi rất lâu mới đón được những câu trả lời hiếm hoi rời rạc, rằng con tôi đã bước đi như một vũ công ba lê khi gót chân không bao giờ chạm đất…

Con trai tôi, dù cả thế giới đóng vào cái dấu “đặc biệt” hoặc “bất thường, rối loạn” thì với tôi, nó vẫn hoàn toàn bình thường, và cảm ơn thượng đế đã mang một đứa bé tuyệt vời đến thế để tặng cho tôi.

“Không sao cả. Tự kỷ, điều đó không có gì bất thường, cũng chẳng có điều gì bị hủy hoại, nó đến với bất kỳ ai như là việc phải đến, mình phải đón nhận nó như cuộc sống đang tiếp diễn”. Hình như tôi đã nói rất nhiều trong buổi hôm ấy. Rằng tôi đã sợ hãi, lo lắng, rơi vào đáy sâu tuyệt vọng; đó là khoảng sống rất nghiệt ngã, khó khăn nhất cuộc đời tôi nhưng nó ở lại không lâu, nó cũng như những đám mây đen nặng trĩu trông có vẻ đáng sợ và nhanh chóng tan đi khi cơn mưa đến. Trời sẽ lại sáng, mọi thứ sẽ lại rực rỡ ngát xanh…

Chị nhìn tôi ngạc nhiên rồi bối rối, sau đó là mỉm cười, không hỏi gì thêm nữa. Chúng tôi nhìn những đứa trẻ đang chơi trong nhà banh, cái ranh giới mà những bà mẹ vô tình tạo ra trước đó đã bị phá vỡ.

Nguyễn Thị Việt Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI