Từ khu phố ánh sáng đến những cung đường thênh thang

20/01/2023 - 16:39

PNO - Sau cơn ốm nặng kéo dài hơn 2 năm vì COVID-19, về cơ bản kinh tế TPHCM đã phục hồi như trước dịch. Là thành phố có khả năng chống chịu và phục hồi tốt nhất Đông Nam Á (theo đánh giá của World Bank - Ngân hàng Thế giới), thành phố thực sự đã đi vào quỹ đạo tăng trưởng. Cùng với sự chuyển động mạnh mẽ về kinh tế, người dân TPHCM và khách du lịch nhận thấy một chuyển động khác trong không gian đô thị, tạo dấu ấn trong tiến trình phát triển và làm tiền đề cho một sự chuyển động mới với chất lượng mới.

Nối những bờ vui 

Dễ nhận thấy, khu vực trung tâm 930ha của thành phố đã có sự thay đổi ngoạn mục. Trục đường Lê Lợi từ chợ Bến Thành đến Nhà hát Thành phố được hoàn trả mặt bằng sau 8 năm rào chắn để thi công nhà ga metro trung tâm. Các hàng rào chắn dài bằng tôn và sắt được tháo dỡ, khiến cho các trục đường thoáng đãng và liên thông.

Khu vực phố đi bộ và chợ đêm bao gồm Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Lê Lợi, bến Bạch Đằng đang hình thành diện mạo và sức sống mới. Điểm nhấn 2 đầu của trục đường Lê Lợi chính là bùng binh trước UBND thành phố và tượng đài Trần Nguyên Hãn trên quảng trường Quách Thị Trang sẽ được khôi phục lại với cây xanh, thảm cỏ, tượng đài và phù điêu trang trí, tiểu đảo… Cùng với đó, toàn bộ khu vực ngầm 12ha của nhà ga metro trung tâm với các khu kỹ thuật và điều hành sẽ sớm đưa vào hoạt động. Nơi đây không chỉ là nhà ga đầu mối của 6 tuyến metro mà còn là khu trung tâm thương mại, dịch vụ với các kios thời trang, mỹ phẩm, đồ điện tử… sầm uất.

một loạt dự án cơ sở hạ tầng nhằm thay đổi diện mạo và chất lượng sốngảnh: minh an
Một loạt dự án cơ sở hạ tầng sẽ làm thay đổi diện mạo thành phố - Ảnh: Minh An

Tháng 3/2022, công viên bến Bạch Đằng và công viên Mê Linh đã hoàn thành việc chỉnh trang và cải tạo mặt bằng, biến dải đất dọc bờ sông từ cột cờ Thủ Ngữ đến Tân Cảng thành một công viên đẹp, thoáng mát với điểm nhấn là tượng đài danh tướng Trần Hưng Đạo. Người thành phố và du khách cũng hứng thú du lịch sông Sài Gòn trên tuyến buýt đường thủy từ trung tâm thành phố đến tận huyện Củ Chi và tương lai sẽ đến huyện Cần Giờ.

Trên khúc sông Sài Gòn này, ngày 28/4/2022, cây cầu Thủ Thiêm 2 (đã được đổi tên thành cầu Ba Son) dài 1,5km sau 7 năm thi công đã “nối những bờ vui” giữa khu trung tâm và bán đảo Thủ Thiêm. Cây cầu dây văng được thiết kế như một cổng chào, là dấu ấn báo hiệu sự trỗi dậy mạnh mẽ của TP Thủ Đức với hy vọng sẽ trở thành thành phố sáng tạo và phát triển nhất dải đô thị phía đông Sài Gòn, mà điểm đầu là TP Thủ Đức, tiếp sau đó là TP Biên Hòa, sân bay Long Thành và điểm cuối là dải đô thị ven biển Vũng Tàu, Hồ Tràm. 

Cũng trên trục đường Tôn Đức Thắng cặp bờ sông, người dân được chứng kiến tòa nhà Saigon One Tower thay áo mới sau 11 năm "đóng băng". Nó được phủ bởi những tấm kính màu hình tam giác, tạo nên những mảng "vảy rồng" rực rỡ trong nắng.

Nếu ở đầu này của trục đường Đồng Khởi - Phạm Ngọc Thạch là công viên Bạch Đằng thì đầu kia - phía vòng xoay hồ Con Rùa - cũng được chỉnh trang tươm tất. Toàn bộ gạch vỉa hè được lát lại, các hạng mục của hồ nước được cải tạo, trang trí nhắm đến trở thành khu vực phố đi bộ của quận 3. Hiện quận 10 và quận Phú Nhuận cũng đang xúc tiến dự án phố ẩm thực và chợ đêm Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) và Hồ Thị Kỷ (quận 10). Sự phong phú và đa dạng chợ đêm, phố đi bộ, khu ẩm thực cho thấy những chuyển động mạnh mẽ của TPHCM nhằm tạo ra những đột phá trong du lịch và dịch vụ.  

Kỳ vọng sự chuyển động mạnh mẽ hơn trong không gian, diện mạo đô thị 

Năm 2023, chuyển động của TPHCM chắc chắn sẽ mạnh mẽ hơn năm 2022, bởi một loạt dự án cơ sở hạ tầng nhằm thay đổi diện mạo và chất lượng sống. Trong đó phải kể đến dự án khép kín đường vành đai 2. Con đường này dài 64km, khi hoàn thành, các luồng di chuyển của xe cơ giới, xe máy sẽ trật tự, thông thoáng hơn. Đặc biệt, xe tải, xe container, xe siêu trường siêu trọng không phải đi qua nội thành để xuống miền Tây, hay đi lên phía tây bắc, đông bắc. 

cầu Ba Son (cầu Thủ Thiêm 2) đưa vào khai thác tạo nhiều thuận lợi cho lưu thông.  Công trình cũng là niềm tự hào của người dân TPHCM - ảnh: minh an
Cầu Ba Son (cầu Thủ Thiêm 2) đưa vào khai thác tạo nhiều thuận lợi cho lưu thông. Công trình cũng là niềm tự hào của người dân TPHCM - Ảnh: Minh An

Vận tải hành khách, hàng hóa với khối lượng lớn, tốc độ cao, an toàn chắc chắn sẽ giúp cho sản xuất, kinh doanh phục hồi nhanh và hiệu quả cao. Dự án đường vành đai 3 dài 92km, đi qua TPHCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai. Khi hoàn tất, về cơ bản, giao thông liên vùng của TPHCM với các tỉnh lân cận được hoàn thiện. Toàn bộ các đường cao tốc như TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, TPHCM - Bến Lức - Long Thành, TPHCM - cao tốc Cần Thơ, TPHCM - cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, TPHCM - cao tốc Mộc Bài, TPHCM - cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, TPHCM - cao tốc Bàu Bàng liên thông với nhau, tạo nên mạng lưới giao thông đa cấp, liên hoàn, đồng nghĩa với tạo ra một nền tảng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho miền Đông Nam bộ tăng tốc.  

Thành phố sẽ xây 3 cây cầu mới là cầu Cát Lái (dự tính gồm 2 cầu), Cần Giờ, Thủ Thiêm 4, tổng vốn hơn 21.000 tỉ đồng.  

Việc xây cầu Cát Lái được kỳ vọng là bước thay đổi lớn, bởi không chỉ người dân, công nhân các khu công nghiệp thoát cảnh “qua sông lụy phà” mà còn giúp kích thích phát triển kinh tế, xã hội ở khu vực, đặc biệt là sự bùng nổ của Nhơn Trạch, giải quyết bài toán khát đất của cả TPHCM lẫn Đồng Nai. Giao thông liền mạch giữa Cát Lái và Nhơn Trạch sẽ tạo ra hiệu ứng phát triển dây chuyền của 3 tỉnh, thành là TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. 

Cuối cùng là việc TPHCM dồn sức cho tuyến metro số 1 đi vào hoạt động. Tuyến số 1 không kỳ vọng làm thay đổi bức tranh giao thông công cộng, nhưng ít ra nó sẽ tạo sự hứng khởi để người dân đồng thuận cho tuyến số 2 và các tuyến khác sau này. 

Trong số các dự án trên, đã có dự án khởi động, có dự án thu xếp xong vốn, có dự án còn trên giấy… nhưng cho thấy một quyết tâm mạnh mẽ của TPHCM trong việc tạo động lực và phát triển, nhằm đưa TPHCM trở thành trung tâm kinh tế - tài chính của Đông Nam Á. Năm 2023 sẽ là khởi đầu mạnh mẽ của những chuyển động kinh tế - xã hội - văn hóa, bắt đầu bằng sự chuyển động trong không gian và diện mạo đô thị. 

Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI