Từ kết quả đánh giá học sinh quốc tế: Giáo dục Trung Quốc đang "vượt mặt" Mỹ?

22/07/2021 - 06:17

PNO - Hiện đang dấy lên nhiều cuộc tranh luận về chất lượng giáo dục của Mỹ và Trung Quốc cùng với những quan điểm trái chiều chưa có hồi kết.

Ngày càng có nhiều ý kiến của các chuyên gia giáo dục ở Mỹ cho rằng, học sinh Trung Quốc có khả năng học tập vượt trội hơn hẳn so với những người bạn cùng trang lứa ở Mỹ, nhất là với các môn học như Đọc hiểu, Toán và Khoa học.

Một số nhà nghiên cứu giáo dục Mỹ tin rằng, Trun Quốc đang qua mặt Mỹ trong lĩnh vực giáo dục phổ thông - Ảnh: The Federalist
Một số nhà nghiên cứu giáo dục Mỹ tin rằng, Trung Quốc đang "qua mặt" Mỹ trong lĩnh vực giáo dục phổ thông - Ảnh: The Federalist

Những quan điểm này được đưa ra dựa trên các kết quả được ghi nhận từ Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) qua các thời kỳ.

Các cuộc khảo sát PISA được xây dựng và điều phối bởi tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dành cho hơn 600.000 học sinh trong độ tuổi 15 từ 79 quốc gia trên khắp thế giới nhằm đưa ra đánh giá có chất lượng và đáng tin cậy về hiệu quả của hệ thống giáo dục.

Theo đó, trong năm 2018, kết quả từ các bài thi cho thấy học sinh Trung Quốc đạt thang điểm cao nhất là mức 4 trong cả 3 lĩnh vực được đánh giá. Trong khi đó, học sinh của Mỹ được xếp mức 3 cho môn Đọc hiểu và Khoa học, còn môn Toán học chỉ đạt mức 2 mà thôi.

Báo cáo của PISA nhận định, nhiều quốc gia phát triển hầu như không có sự cải thiện về chất lượng giáo dục trong suốt hơn 2 thập kỷ qua, mặc dù “chi phí dành cho giáo dục phổ thông ở các nước giàu có đã tăng hơn 15% cho mỗi 10 năm”.

Vì vậy, theo ông Angel Gurria, Tổng thư ký OECD thời điểm đó thì “đây là một điều đáng thất vọng”.

Các kết quả của cuộc khảo sát PISA đều cho thấy học sinh Trung Quốc luôn vượt trội học sinh Mỹ - Ảnh:
Các kết quả của cuộc khảo sát PISA đều cho thấy học sinh Trung Quốc luôn vượt trội so với học sinh Mỹ - Ảnh: VCG/Getty

Lý giải về nguyên nhân vì sao học sinh ở xứ sở cờ hoa lại bị tụt lại phía sau trong cuộc chạy đua cho “trận chiến phô trương chất lượng giáo dục”, ông Henry Braun, giáo sư chuyên ngành Chính sách Giáo dục thuộc trường đại học Boston College (Mỹ) cho rằng, nước Mỹ đang vận hành một hệ thống giáo dục “không giống ai” khi không thiết lập một cơ quan quản lý giáo dục cấp trung ương như hầu hết các quốc gia khác đang làm.

Điều này đồng nghĩa với việc 50 tiểu bang sẽ có 50 hệ thống giáo dục khác nhau dẫn đến những bất cập khó tránh khỏi, nhất là ở những địa phương không nhận được sự hỗ trợ về tài chính từ chính quyền liên bang.

“Lý do học sinh chúng ta có kết quả không khả quan là do hậu quả của sự bất bình đẳng trong vận hành hệ thống xã hội hơn là ảnh hưởng của chính bản thân hệ thống giáo dục”.

Nước Mỹ vận hành một hệ thống giáo dục không giống ai - Ảnh: Joerg Sarbach/AFP
Nước Mỹ vận hành một hệ thống giáo dục "không giống ai" - Ảnh: Joerg Sarbach/AP

Bà Evita Duffy, cán bộ quản lý cấp cao của Đại học Chicago đưa thêm một góc nhìn khác qua cách ứng xử với lĩnh vực giáo dục giữa 2 quốc gia này trong thời gian đại dịch COVID-19 hiện nay.

Trong khi Mỹ đóng sập cánh cửa trường học ngay khi dịch bệnh vừa bắt đầu tấn công nước Mỹ, hầu hết học sinh phải ở nhà và theo học các bài học trực tuyến thì Trung Quốc vẫn dành ưu tiên cao cho giáo dục.

“Giáo dục là con át chủ bài của Trung Quốc. Họ xem nó là ưu tiên hàng đầu và là vũ khí quan trọng cho sự phát triển kinh tế về lâu dài của mình”, bà Evita bình luận.

Tuy nhiên, vẫn có những tranh luận gay gắt khi cho rằng, kết quả từ các kỳ đánh giá của PISA mà Trung Quốc tham gia “là không phản ánh một cái nhìn tổng thể”.

Theo ông Rob J. Gruiters, giáo sư tại khoa Giáo dục thuộc Đại học Cambridge (Anh) thì việc Trung Quốc chỉ lấy học sinh đến từ 4 thành phố phát triển nhất của mình đại diện cho tất cả các địa phương khác trên cả nước để tham gia kỳ thi của PISA đã khiến cho kết quả đánh giá bị lệch lạc.

“Đó là một điều đáng xấu hổ”, giáo sư Gruiters bình luận. “Không có quốc gia nào làm như cách mà Trung Quốc đã làm”.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, kết quả cao của Trung Quốc ở các kỳ đánh giá PISA không phản ánh một cách đầy đủ bức tranh giáo dục của quốc gia này . Trong ảnh là lớp học ở một tỉnh nghèo của Trung Quốc - Ảnh: China Daily/Reuters
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, kết quả cao của Trung Quốc ở các kỳ đánh giá PISA không phản ánh một cách đầy đủ bức tranh giáo dục của quốc gia này. Trong ảnh là lớp học ở vùng nông thôn nghèo của Trung Quốc - Ảnh: China Daily/Reuters

Phân tích sâu hơn về điều này, giáo sư Yong Zhao tại Đại học Kansas (Mỹ) vốn sinh ra và lớn lên ở Tứ Xuyên, một tỉnh nằm ở tây nam của Trung Quốc cho rằng, Trung Quốc đang có cách tiếp cận không đúng cho khái niệm "thế nào là một trường học tốt".

“Các nhà giáo dục Trung Quốc có thể ‘sản xuất’ ra những kết quả thi cử thật đẹp. Thế nhưng họ lại đang mãi loay hoay trong quá trình cải cách giáo dục để học sinh của mình có được khả năng sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp”.

Giáo sư Yong nêu ví dụ về một thực tế là cho đến nay chỉ mới có một giải Nobel được trao cho một nhà khoa học Trung Quốc là bà Tu Youyou vào năm 2015 với nghiên cứu được thực hiện ở nội địa Trung Quốc.

Ngoài ra, không thể phủ nhận được một thực tế, hiện đang có hơn 2,5 triệu người Trung Quốc tìm đến Mỹ như là một miền đất hứa để định cư, cao gấp 7 lần so với con số của năm 1980. Điều này phần nào chứng tỏ sự không hài lòng về cuộc sống và điều kiện học hành của người Trung Quốc so với những gì mà họ có tại Mỹ.

Nguyễn Thuận

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI