Hôm 14/10/2021, một người đàn ông Trung Quốc tên là Tang Lu đã tòa án tỉnh Tứ Xuyên tuyên án tử hình về tội đã sát hại vợ cũ là cô Lhamo, 30 tuổi.
Anh ta đã tưới xăng lên người cô Lhamo rồi thiêu sống ngay khi cô ấy đang phát trực tiếp (livestream) trên mạng xã hội. Sự việc xảy ra vào tháng 9/2020.
|
Cô Lhamo và ông Tang Lu, chồng cũ của mình - Ảnh: Nextshark |
Tòa án nhận định rằng, đây là một vụ việc nghiêm trọng, và cáo buộc Tang về tội giết người có chủ ý. Tòa cũng cho rằng, cách thức ra tay của anh ta là “cực kỳ độc ác”, gây tác động “cực kỳ xấu” cho xã hội.
Vụ việc thêm một lần nữa làm lộ ra những mảng tối liên quan đến tình trạng bạo lực gia đình ở Trung Quốc, cũng như những lỗ hổng trong việc bảo vệ nạn nhân cho dù đã có những thay đổi về mặt luật pháp gần đây.
Người ta cho rằng, cái chết của Lhamo là hậu quả của sự thất bại trong hệ thống pháp luật của Trung Quốc, cụ thể như việc cô bị chồng cũ quấy rối mà không được xử lý, những lời kêu cứu và tố cáo của Lhamo đến cảnh sát bị phớt lờ, sự thiếu vắng của các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân... Nhiều tiếng nói đã cất lên đòi hỏi nhà nước cần xem xét lại luật cũng như tạo cơ chế để cho việc ly dị trở nên dễ dàng hơn đối với phụ nữ, nhất là khi họ phải đối mặt với vấn nạn bạo lực gia đình.
Lhamo từng là một nữ vlogger nổi tiếng có hàng trăm ngàn người theo dõi trên mạng xã hội với những video về cuộc sống đời thường như: thu hoạch thảo mộc, đi dạo trong rừng, nấu ăn và làm những công việc đồng án quanh ngôi nhà nhỏ nơi cô sống cùng chồng và hai đứa con nhỏ.
Đã có lần cô khiến người xem cảm động khi đăng tải một video với đôi bàn tay đen nhẻm, nứt nẻ. "Tôi có gương mặt của một phụ nữ 30 tuổi, nhưng đôi tay lại là của một người 50 tuổi. Đừng cười nhạo tôi vì bàn tay nhem nhuốc này, đó là đôi bàn tay tôi kiếm tiền để nuôi sống bản thân", Lhamo nói.
|
Cô Lhamo từng là một nữ Vlogger nổi tiếng khắp Trung Quốc với những chia sẻ chân thật về cuộc sống giản dị của mình trên mạng xã hội - Ảnh: Weibo |
Tuy nhiên, có những sự thật kinh hoàng mà người hâm mộ cô không bao giờ nhìn thấy trong những chia sẻ của cô. Đó là cuộc sống ngột ngạt cùng người chồng thường xuyên “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với mình và các con, là chuỗi ngày bị hành hạ cả thể chất lẫn tinh thần khiến cô phải hai lần đâm đơn ly dị chồng nhưng vẫn không dễ dàng để có thể thoát được.
Vào một ngày đầu tháng 9 năm ngoái, khi cô Lhamo đang livestream từ căn bếp trong nhà của bố mình thì một người đàn ông bước vào. Ngay sau đó, hàng trăm người đang theo dõi buổi livestream của Lhamo đột nhiên nghe tiếng cô thét lên thất thanh, một ngọn lửa bao trùm màn hình và sau đó hoàn toàn mất tín hiệu.
Chị gái của Lhamo là Dolma cho biết em gái mình phải nằm cấp cứu trong bệnh viện với tình trạng toàn thân bỏng đến 90%. Gia đình cô đã phải kêu gọi sự đóng góp của các nhà hảo tâm khắp nơi để có chi phí điều trị cho Lhamo nhưng cô đã không qua khỏi do bị bỏng quá nặng. Vụ việc đã thu hút sự chú ý đặc biệt của công luận trên khắp Trung Quốc.
Hàng loạt các cuộc vận động được khởi xướng sau cái chết tức tưởi của Lhamo, nhất là khi mà các nhà lãnh đạo của Trung Quốc vẫn luôn tuyên bố rằng, việc bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ “phải trở thành một cam kết mang tầm quốc gia” của nước này.
Các hashtag như #LhamoAct (Tạm dịch: Hãy hành động vì Lhamo) với lời kêu gọi luật pháp nước này phải cho phép phụ nữ được quyền ly hôn một cách dễ dàng nếu họ là nạn nhân của nạn bạo hành được lan truyền trên khắp mạng xã hội. Người dân cũng đòi hỏi sự thực thi hiệu quả của pháp luật để có thể bảo vệ được phụ nữ.
“Với quá nhiều những báo động và dấu hiệu của nạn bạo hành xảy ra thì cơ quan bảo vệ pháp luật đã ở đâu?”, một cư dân mạng đặt câu hỏi.
|
Những buổi livestream chia sẻ cuộc sống đời thường của cô Lhamo thu hút hàng chục ngàn người hâm mộ theo dõi - Ảnh: Weibo |
Cái chết của Lhamo chỉ là một trong nhiều vụ bạo lực gia đình nổi cộm xảy ra ở đất nước tỷ dân này.
Báo cáo năm 2020 của nhóm vận động cho quyền của phụ nữ mang tên “Beijing Equality” cho biết, kể từ năm 2016 khi Luật Phòng chống bạo hành gia đình của Trung Quốc có hiệu lực, đã có hơn 920 phụ nữ bị chết vì bạo lực gia đình. “Cứ 5 ngày thì có 3 phụ nữ bị tử vong”, báo cáo nêu.
Lu Xiaoquan, một luật sư ở thủ đô Bắc Kinh chuyên cung cấp các dịch vụ bảo vệ quyền của phụ nữ nói rằng, cái chết của cô Lhamo đã gây rúng động khắp cả nước không chỉ vì cô ấy nổi tiếng trên mạng xã hội, mà còn thể hiện sự thất bại của một bộ luật được soạn ra với mục đích bảo vệ phụ nữ.
“Công chúng đã hiểu rõ hơn về vấn nạn bạo hành gia đình. Người ta sẽ dần không còn cho rằng, bạo lực gia đình chỉ là vấn đề nội bộ trong gia đình nên chỉ cần đóng cửa bảo nhau là đủ”, cô Lu nêu quan điểm. “Việc xem nhẹ những vụ án nghiêm trọng như cái chết của cô Lhamo sẽ gây nên những tác động tiêu cực đến đời sống xã hội”.
Theo cô Lu thì mặc dù Luật hiện hành đã nêu rõ các định nghĩa về bạo hành gia đình, bao gồm cả bạo hành về tinh thần và thể chất, thế nhưng việc thực thi trong thực tế lại quá hạn chế. Chưa kể vẫn còn tồn tại những rào cản như quan niệm “xấu chàng hổ ai” khiến phụ nữ, nhất là ở khu vực nông thôn, vẫn luôn giữ tâm thế nhẫn nhịn không muốn “vạch áo cho người xem lưng” mỗi khi bị chồng hay bạn tình bạo hành. Cô Lu cũng lưu ý rằng, có nhiều nạn nhân là phụ nữ thường quay lại với chồng, chấp nhận cuộc sống bị bạo hành chỉ vì họ không tự chủ về tài chính cũng như không tìm thấy các dịch vụ hỗ trợ cần thiết mỗi khi bị bạo hành.
“Rõ ràng là có sự thiếu vắng một hệ thống hỗ trợ xã hội hiệu quả dành cho phụ nữ gặp vấn đề bạo lực giới, trong đó có bạo hành gia đình và xâm hại tình dục”, cô Lu cho biết. “Các nạn nhân thường trong tình trạng lẻ loi khi đối mặt với những kẻ phạm tội”.
|
Tình trạng bạo hành gia đình xảy ra rất phổ biến ở Trung Quốc do việc thực thi pháp luật còn hạn chế - Ảnh: Getty Images |
Chị gái của cô Lhamo cho biết, ông Tang đã nằm trong “sổ đen” của cảnh sát với hành vi liên tục bạo hành vợ mình ngay sau khi kết hôn với cô Lhamo ở tuổi 17. Sau khi Lhamo ly dị chồng vào tháng 3/2020, ông ta đã ép buộc cô phải kết hôn lại với mình bằng cách đe dọa và hành hạ hai đứa con chung. Thế nhưng sau đó, ông ta vẫn không ngừng bạo hành Lhamo khiến cô buộc phải nộp đơn ly dị lần 2 vào tháng 6/2020. Cô Dolma kể rằng, ông Tang thậm chí còn hành hung cô khi cô không chịu cho ông ta biết em gái mình đang ở đâu.
Phiên tòa sau đó đã chấp thuận cho cả hai được ly dị nhưng lại trao quyền nuôi hai đứa con cho ông Tang. Cô Lhamo đã trải qua nhiều tháng sống ở một nơi hẻo lánh và tiếp tục thực hiện công việc livestream của mình cùng với những video mô tả cảnh sắc và cuộc sống thiên nhiên tươi đẹp xung quanh.
Luật sư Lu cho rằng, cảnh sát ở Trung Quốc vẫn xem bạo hành gia đình là vấn đề riêng của từng gia đình, và vì vậy, chính quyền địa phương không nên can thiệp.
“Đây chính là lý do khiến họ đã không có các can thiệp kịp thời, còn nạn nhân thì mãi luẩn quẩn trong một vòng tròn không có lối thoát. Điều này cho thấy hiện vẫn đang tồn tại sự thiếu hiểu biết về bản chất của vấn đề bạo hành gia đình, thiếu các tập huấn nhằm nâng cao nhận thức về bạo lực gia đình cho cảnh sát địa phương”.
|
Ông Tang Lu bị tòa tuyên án tử hình vì hành vi cố ý giết người hôm 14/10/2021 - Ảnh: New York Times |
Mặc dù tòa án chính thức tuyên án tử hình ông Tang vì hành vi thiêu sống vợ mình; thế nhưng, tất cả vẫn là quá muộn đối với cô Lhamo.
Nguyễn Thuận (theo The Guardian, SCMP)