Những ai theo dõi lộ trình Ngô Bá Khá (thường gọi là Khá Bảnh) - một nhân vật bất hảo - đi từ trở thành gương mặt thần tượng của giới trẻ, cho đến bị bắt về hành vi tổ chức đánh bạc; sẽ không khó để nhận ra một hành trình song song: dư luận chăm chăm chĩa mũi nhọn lên án lựa chọn của giới trẻ. Thoạt đầu, chúng ta lo ngại, phê phán năng lực “thẩm định” thần tượng của các em, sau đó là sự hả hê, ngầm ý: những người trẻ đã… sáng mắt ra chưa?
Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thị Thu Huyền - Phó hiệu trưởng Trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan nhận định, hiện tượng tôn sùng Khá Bảnh là xu hướng tất yếu của những xung đột giá trị mà người lớn không hề vô can.
|
Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thị Thu Huyền |
|
Phóng viên: Không phải đến hôm nay, mà rõ ràng, trong quá khứ chúng ta đã chứng kiến rất nhiều những Khá Bảnh luôn “có đất sống” trong sự hâm mộ, thần tượng của giới trẻ. Ngay khi Khá Bảnh bị bắt, tôi cũng không chắc đây là giọt nước cuối cùng chúng ta phải chịu đựng sự lên ngôi của các giá trị và niềm tin lệch lạc. Bà có thể giải thích vì sao các em lại lựa chọn những con người như vậy để tôn sùng?
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền: Theo tôi, để hiểu được vì sao thì tốt nhất chỉ có phương án là đi hỏi các bạn trẻ. Có những suy nghĩ, lý giải mà chúng ta đã không dựa trên sự hiểu được giới trẻ. Ngay cả khi tôi tiếp nhận những thông tin về hiện tượng thần tượng sai lạc này, tôi thường đối chiếu lại các lý thuyết về tâm lý học mình từng biết. Tuy nhiên, những lý thuyết này phần lớn ra đời rất lâu và không thể nào bắt kịp với sự thay đổi, xu hướng tâm lý, thị hiếu của con người tại, đặc biệt là các bạn trẻ.
Nhiều chuyên gia viện giải thế này thế kia thì tôi vẫn đánh giá khách quan rằng, nó vẫn chỉ là suy nghĩ của người lớn chứ không phải của các em. Còn để đưa ra cắt nghĩa của mình, tôi có thể nói như thế này: tôi không biết từ đâu chúng ta quy kết, cho rằng giới trẻ đang tôn sùng Khá Bảnh. Dựa trên số lượng theo dõi lớn các trang mạng xã hội của nhân vật này thì không thể biết được bao nhiêu phần trăm là fan thật và bao nhiêu đang hùa theo do thấy vui vui, thuần túy là giải trí.
Nhiều bạn trẻ hoàn toàn biết đây là hiện tượng lệch lạc, nhưng nhiều khi ghét quá mình cũng theo dõi xem sao. Đồng thời, lại có một nhóm họ hâm mộ chỉ vì nhìn thấy ở nhân vật sự khác biệt nào đó hay những ưu điểm mà mình thích, như nam tính, dễ thương, dám làm dám chịu. Họ sẽ không ngồi xuống để xem xét nhân vật mình thần tượng một cách toàn diện mà đơn giản chỉ là thích một đặc điểm nào đó ở nhân vật.
Trừ đi hai nhóm này, thì rõ ràng, với việc có quá nhiều bạn trẻ theo dõi, comment vào các trang xã hội của Khá Bảnh vẫn là điều đáng để suy nghĩ. Con số các em thần tượng nhân vật này vẫn quá lớn. Tôi đọc một số nghiên cứu về hiện tượng thần tượng ở các nước châu Á, kết quả cho thấy yếu tố hoàn cảnh gia đình ảnh hưởng khá lớn.
|
Với việc có quá nhiều bạn trẻ theo dõi, comment vào các trang xã hội của Khá Bảnh là điều đáng để suy nghĩ. |
Những bạn trẻ thiếu vắng sự quan tâm, giáo dục của cha mẹ và đến từ gia đình có thu nhập thấp thì có khuynh hướng sùng bái thần tượng mạnh mẽ hơn. Điều này cho phép chúng ta đưa ra giả thuyết: nhiều bạn trẻ thuộc đối tượng yếu thế, bị bắt nạt, đến từ hoàn cảnh bất lợi… đã gửi tâm tư, khát vọng của mình vào nhiều nhân vật thần tượng trên mạng xã hội. Thông qua đó, họ tin và tìm kiếm sự tự tin, niềm hy vọng rằng một người có nhiều điều kiện bất lợi vẫn có cơ hội khẳng định được những giá trị của mình.
Với câu chuyện Khá Bảnh hay những vụ việc tương tự, một bộ phận giới trẻ hâm mộ có thể đến từ nhóm yếu thế, bị đánh giá thấp với niềm tin và khát khao rằng không cần học giỏi, gia đình nghèo khó mà vẫn có thể trở thành một nhân vật có tầm ảnh hưởng. Đó là sự an ủi, niềm tin một cơ hội có thể khẳng định bản thân và là lối ra khác cho cuộc đời mình thay vì nỗi sợ hãi yếu thế. Khá Bảnh đã trở thành thần tượng và khẳng định được sự tồn tại nhờ vào điều này.
* Dù lý do gì, thì việc tôn sùng, thần tượng sai lạc một nhân cách méo mó, một thành phần bất hảo đã chứng minh sự khủng hoảng lý tưởng, mục tiêu sống mà các bạn trẻ hướng đến?
- Thật ra không phải đến hiện tượng này chúng ta mới nhận ra sự khủng hoảng các giá trị mà xã hội Việt Nam nói chung, giới trẻ nói riêng đang đối mặt. Hiện tại, thế giới đã và đang thay đổi quá nhanh, quá nhiều dẫn đến tồn tại một xu hướng tất yếu mà chúng ta có muốn chối bỏ cũng không chối bỏ được. Đó là sự xung đột của các giá trị.
Tôi lấy một ví dụ nhỏ: trước đây, các giá trị của Việt Nam như sự gắn kết gia đình, gắn kết cộng đồng là một niềm tự hào và chúng ta sống rất ổn với nó. Nhưng trong giai đoạn hiện tại, tính cố kết cộng đồng đang xung đột với khuynh hướng tôn trọng sự riêng tư. Trước đây chúng ta đề cao sự đồng nhất nhưng bây giờ tôn trọng sự khác biệt lại được khuyến khích. Tuy nhiên, giá trị và chuẩn mực này vẫn còn đang bị tranh luận, chúng ta hoàn toàn hướng đến lối ứng xử tôn trọng sự khác biệt?
Ở nước ngoài rất rạch ròi về chuyện này. Họ tôn trọng sự khác biệt, tính riêng tư, lựa chọn riêng, đặc điểm riêng. Thoạt đầu, họ học cách chấp nhận sự khác biệt và sau đó thì tìm cách dung hoà sự khác biệt để hợp tác cùng phát triển. Việt Nam mới đang ở giai đoạn xung đột, giá trị cũ xung đột giá trị mới mà chưa có gì ngã ngũ. Chính người lớn chúng ta còn đang ở giai đoạn xung đột thì việc các bạn trẻ đang bối rối về chuẩn giá trị là hoàn toàn hiểu được.
* Khi căn nguyên, gốc rễ ấy đang là trách nhiệm của toàn xã hội nói chung, và không phải một sớm một chiều để có thể tháo gỡ; thì chúng ta cũng không thể không lo ngại những ảnh hưởng, hình thành nhân cách hay lối sống, quyết định lựa chọn cuộc sống trong tương lai của các bạn trẻ trước những hiện tượng như thế.
- Điều đó là chắc chắn. Tất cả những sự việc ngày hôm nay của giới trẻ là hệ quả tất yếu của sự xung đột các giá trị nơi người lớn chúng ta. Chúng ta đã không là hình mẫu cho con em mình khi chính chúng ta cũng chưa xác định được giá trị chuẩn mực.
Tôi đơn cử, trong trường học, sự xung đột giá trị diễn ra giữa các giáo viên và diễn ra giữa “nói” và “làm” trong mỗi giáo viên. Giáo viên rao giảng các bài học đạo đức nhưng thực sự đó có là cái họ tin và thống nhất trong hành động, ứng xử hàng ngày của họ. Họ không thừa nhận mình mang căn bệnh thành tích nhưng mọi việc làm đều hướng đến nỗi sợ bị ảnh hưởng thành tích.
|
Mọi sự khác biệt hay ứng xử khác biệt phải dựa trên những nền tảng được dạy |
Hay ở nhà, cha mẹ dạy con phải biết lao động chân chính, quý trọng đồng tiền, sống trung thực nhưng họ cứ phơi bày trước mặt con cái thói tham nhũng, dối trá, ứng xử bạo lực… Làm sao học sinh có thể xác định được phải thế nào là sự chuẩn mực, sống theo các giá trị chuẩn mực. Trong ma trận hoang mang ấy, thế hệ trẻ sẽ chọn thái độ và cách hành xử theo cảm xúc và những nhận định hời hợt của mình.
* Xem ra, đây cũng là cơ hội cho một tiếng chuông để người lớn chúng ta buộc phải ngay lập tức ngồi lại để tự đặt câu hỏi, xem lại mình?
- Có những đứa trẻ sinh ra bị bất lợi về thể chất, sự hoạt động của não bộ nhưng tôi tin rằng không đứa trẻ nào sinh ra đã mang căn tính xấu xa. Các em hoàn toàn có thể cải thiện và được huấn luyện kỹ năng, trang bị hệ giá trị chuẩn mực mà người trang bị không chỉ có lời nói, khuyên dạy, còn phải hành động để làm gương. Người lớn phải tự mình đối diện với cuộc khủng hoảng hệ giá trị của chính mình trước đã. Có như thế, họ mới có thể làm hình mẫu cho con em, học sinh của mình học theo.
* TP.HCM vừa được khuyến cáo là trạm trung chuyển ma túy, những đứa trẻ và thậm chí rất nhiều người lớn đang hoang mang, chưa định chân giá trị thì trong cuộc nảy nở của tội phạm và những con đường dễ dàng dẫn đến phạm tội, chúng ta phải làm gì, thưa bà?
- Hệ lụy của sự khủng hoảng giá trị qua những hiện tượng mạng khủng khiếp hơn chúng ta nghĩ. Khi các em tin rằng, chỉ những gì như Khá Bảnh làm đã mang lại rất nhiều tiền và sự lên ngôi của lối sống vật chất dẫn đến các em dễ dàng trở thành đối tượng bị lợi dụng, thậm chí tự mình tìm đến con đường làm giàu bất chính.
Bây giờ, tôi cho rằng chúng ta phải ngồi lại, bắt tay nhau nhìn vào thực tế để thừa nhận con em mình đang có xu hướng đó. Chúng ta đừng tin rằng chúng ta đã giáo dục con đủ. Những hiện tượng mạng nếu không được giải quyết, khi nó là bề nổi của lối sống dễ làm giàu và làm giàu nhanh nhất thì nguy cơ phạm tội sẽ gia tăng rất cao.
Sự giải quyết hiện tượng này không chỉ về mặt pháp luật mà còn có sự chung tay hành động của trường học và gia đình. Trường học phải lập tức tiến hành một cuộc khảo sát, tổ chức các diễn đàn để nghe ý kiến của các em với một thái độ tôn trọng và cởi mở nhất. Các em có quyền chọn thích, không thích và chúng ta chỉ việc lắng nghe vì sao các em thích, các em mong đợi gì, nhìn thấy điều gì gây thú vị, đáng noi theo từ những nhân vật bất hảo đó. Góc độ gia đình, hãy bước vào phòng của con, coi con thích những nhân vật nào và tại sao con thích.
Cách đây hai tối, cô cháu 8 tuổi của tôi nói chỉ thần tượng thế giới Kpop, còn cậu nhóc 11 tuổi thì thích một ca sĩ trẻ Việt Nam có những bài hát nhạt nhẽo, phát ngôn và ứng xử không có gì để học, không xứng đáng để không chỉ cháu tôi mà cả giới trẻ đã và đang điên cuồng. Tôi hỏi các cháu: vì sao thích. Dù không hài lòng, tôi phải chấp nhận các cháu với những tiêu chuẩn của mình. Từ đó, tôi đưa ra ý kiến của mình về thần tượng của các cháu.
Song song, tôi thường xuyên theo dõi lịch sử truy cập Youtube, các trang mạng xã hội của các cháu và thỏa thuận rằng nếu còn tiếp tục coi thì phải coi thêm 5-10 phút các chương trình khoa học hoặc bị cắt đi 30 phút truy cập các chương trình mình thích. Mọi hoạt động này phải diễn ra trong sự tôn trọng, nhẹ nhàng và mang tính thỏa thuận, tránh áp đặt, quy kết.
* Chúng ta không hề thiếu các tấm gương, những chân dung đáng để học hỏi, nghiên cứu, tìm hiểu và noi theo nhưng dường như không đủ sức để kéo các em tìm đến những giá trị này...
- Internet tạo một cơn bùng nổ thông tin ngoài sức tưởng tượng. Vừa coi xong chương trình này đã có chương trình khác tương tự xuất hiện.
Song song, Việt Nam chúng ta ít khi có sự xuyên suốt trong hành trình dạy dỗ. Ví dụ, để dạy tôn trọng sự khác biệt, ở Phần Lan, Anh, Úc… trẻ con được quyền chọn quần áo của mình như thế nào, kỳ cục cũng được, trẻ được dạy về cách khám phá bản thân, phân biệt mình và người khác, với mỗi hiện tượng, trẻ được dạy xem xét nó ở nhiều góc nhìn.
Nhưng mọi sự khác biệt hay ứng xử khác biệt phải dựa trên những nền tảng được dạy: muốn làm bất cứ điều gì phải không tổn hại bản thân con trước tiên, tiếp đến không tổn hại người khác và sau cùng là không tổn hại môi trường. Khi nào thỏa mãn được ba yêu cầu này thì con muốn làm gì khác biệt đều được chấp nhận.
* Bây giờ liệu có quá muộn để chúng ta ngăn chặn những Khá Bảnh tiếp theo cũng như trả lại cho các em những giá trị đúng đắn?
- Với tôi, không bao giờ là muộn, hành trình của con người luôn phải học hỏi. Tôi có những đồng nghiệp đã hơn 50 tuổi mà qua Việt Nam phải học cách thích nghi, tôn trọng văn hóa và hiểu đúng con người mình tiếp xúc. Để ngăn chặn sự xuất hiện của Khá Bảnh cũng như hướng các em đi vào con đường đúng đắn trong lựa chọn lý tưởng, niềm tin, chúng ta phải mỗi người một tay hành động.
Gần đây, một kênh lớn của giới trẻ bị Youtube khai tử vì những vi phạm nguyên tắc của Youtube, nhưng chính Youtube cũng không thể kiểm soát được hết những đối tượng đang vi phạm nguyên tắc mình. Nhưng chúng ta được trang bị các nút ngưng theo dõi, block hoặc report. Chúng ta xem cái ác, cái xấu mà không có hành động nào phản ứng thì chúng nghiễm nhiên luôn có đất sống.
Đó là chưa kể không ít phương tiện có trách nhiệm phản ứng, định hướng thì lại đưa tin hời hợt, như xã hội vừa xuất hiện một Khá Bảnh và được các em tung hô. Hết. Không thông điệp định hướng gì sâu sắc và giá trị hơn. Cách đưa tin đó chỉ gây tò mò và cổ xúy cho xu hướng đó. Truyền thông cũng phải có trách nhiệm trong việc giáo dục các bạn trẻ.
Tiêu Kiếm thực hiện