Từ hiện tượng ‘Em gái mưa’ của Huỳnh Lập: Parody, liệu có làm chơi ăn thiệt?

21/10/2017 - 06:59

PNO - Trước ‘Em gái mưa’ của Huỳnh Lập, nhiều sản phẩm parody của BB Trần cũng được khán giả đón nhận nồng nhiệt, mang về hàng triệu lượt xem trên kênh YouTube cùng hiệu ứng lan toả mạnh mẽ.

Giấc mơ về những MV phóng tác với hàng triệu lượt xem

Những ngày qua, MV parody Em gái mưa của Huỳnh Lập đã tạo nên một làn sóng không thể ngờ trong làng giải trí Việt. Chỉ sau một đêm đăng tải chính thức, sản phẩm này đã lên hạng 9 trong xu hướng tìm kiếm của YouTube tại Việt Nam, đạt hơn 1 triệu lượt xem.

Chưa đầy 12 tiếng sau đó, MV đã chễm chệ vươn lên vị trí thứ 3 trong xu hướng tìm kiếm của YouTube. Những ngày sau, Em gái mưa phiên bản Huỳnh Lập tiếp tục có mặt ở vị trí thứ 2 với 4,5 triệu lượt xem.

Hiện tại, MV này đã đạt được 8 triệu lượt xem, một con số vô cùng ấn tượng với các nghệ sĩ trẻ.

Video clip Em gái mưa parody của Huỳnh Lập:

Trước sản phẩm này, Huỳnh Lập cũng từng cho ra đời những sản phẩm parody như: Tình cờ gặp nhauTấm Cám chuyện Huỳnh Lập kể (tập 1: 17,1 triệu lượt xem, tập 2: 10,1 triệu ượt xem, tập 3: 7,6 triệu lượt xem). Bên cạnh đó, diễn vên trẻ BB Trần cũng là người theo đuổi xu hướng sản xuất này với hàng loạt video đầu tư chỉn chu, được khán giả đón nhận.

Vậy parody là gì lại có sức hấp dẫn đến thế?

Parody (hay còn gọi là spoof, lampoon) là việc thực hiện clip nhại lại với mục đích vui là chính. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh của thể loại này trong thời gian gần đây, dường như sản phẩm này không chỉ nhằm mục đích vui mà còn mang lại những lợi ích nhất định cho người thực hiện.

Sau khi Em gái mưa phiên bản parody Huỳnh Lập ra đời, lượng người theo dõi trên kênh YouTube của nam diễn viên trẻ đã tăng lên con số 160.000, giúp Huỳnh Lập nhận được nút bạc của YouTube. Hiện tại, kênh YouTube của BB Trần đã có hơn 100.000 người đăng kí theo dõi- đủ điều kiện nhận nút bạc của YouTube

Với diễn viên trẻ BB Trần, những MV parody của anh chàng cũng đạt được lượt xem ấn tượng trên kênh Youtube: Ghen (8 triệu lượt xem, MV gốc của ca sĩ Erik Min), Đâu chỉ riêng em (hơn 1 triệu lượt xem, bản gốc của ca sĩ Mỹ Tâm), Mẹ chồng khó tính (2,9 triệu lượt xem, được lấy ý tưởng từ phim Sống chung với mẹ chồng), Gửi người yêu cũ (5,9 triệu lượt xem, bản gốc của Hồ Ngọc Hà), Keep me in love (khoảng 2 triệu lượt xem), Bao giờ lấy chồng (8,2 triệu lượt xem, bản gốc của Bích Phương), Anh cứ đi đi (5,2 triệu lượt xem, bản gốc của Hari Won), Chúng ta không thuộc về nhau (5,5 triệu lượt xem, bản gốc của Sơn Tùng), Mình yêu nhau đi (35,3 triệu lượt xem, bản gốc của Bích Phương), Anh không đòi quà (121 triệu lượt xem, bản gốc của OnlyC và Karik)…

Tu hien tuong ‘Em gai mua’ cua Huynh Lap: Parody, lieu co lam choi an thiet?
Huỳnh Lập trong vai mẹ Cám ở Tấm Cám - chuyện Huỳnh Lập kể

Trước khi cho ra những sản phẩm độc lập, Huỳnh Lập từng là thành viên của nhóm hài DamTV. Nhóm liên tục cho ra đời những sản phẩm mang tính nhại lại: Giọng hát thiệt (5 triệu lượt xem), Chầu hoan cua chống (20 triệu lượt xem, lấy ý tưởng từ phim Hoàn châu công chúa), Chuyện thần tiên ở xứ sở Ôdam (lấy ý tưởng từ phim Maleficent, tổng lượt xem cho 3 video chính thức và 1 video có phụ đề là 44,4 triệu lượt xem)…

MV Crush âm (bản gốc là Tuý âm) trên YouTube có lượt xem là hơn 4,2 triệu. Ghen của nhóm bạn trẻ gồm (Trung Ruồi, Đỗ Duy Nam, Nhật Anh Trắng, Minh Tít) cũng đạt được lượt xem ấn tượng: 4,5 triệu. Kênh YouTube Ghiền mì gõ cũng có đến hàng triệu lượt xem cho mỗi video parody…

Sử dụng từ khoá parody để tìm kiếm trên kênh YouTube sẽ cho ra khoảng 39,2 triệu kết quả, một con số không hề nhỏ. Trong đó, các MV parody đều có lượt xem ấn tượng.

Chỉ cần nhái, gây cười là parody?

Nói về con đường làm MV parody, phía Huỳnh Lập cho biết đây là chủ ý khi Lập còn hoạt động trong nhóm Damtv, qua một số sản phẩm như: Giọng hát thiệtKiếp đỏ đen… Tuy nhiên, thời điểm đó parody vẫn là một khái niệm không rõ ràng. Thời gian gần đây, parody mới bắt đầu trở thành trào lưu, phát triển mạnh như thế. 

 Parody được "khai sinh" từ Mỹ. Tùy vào mục đích mà parody được thực hiện với nhiều hình thức khác nhau như: phóng tác MV ca nhạc, phim ảnh, TV show; “chế” phụ đề cho video clip (video clip được giữ nguyên, phần phụ đề có nội dung hoàn toàn khác với bản gốc)... 

Dẫu vậy, mọi người đang hiểu sai về khái niệm này- phía Huỳnh Lập cho biết.

Theo đó, MV parody không đồng nghĩa với việc đội một mái tóc giả, mặc đồ hao hao và diễn xuất cùng những câu thoại gây cười... Về thực chất, parody buộc phải làm sao cho thật giống bản gốc, mức độ giống ít nhất phải 60%. 

“Việc thực hiện một kịch bản mới, tự sáng tạo, tôi nghĩ không khó bằng việc thực hiện parody. Kinh phí đầu tư cho parody đôi khi còn vượt hơn gấp nhiều lần một sản phẩm âm nhạc có cùng thời lượng”, đại diện Huỳnh Lập chia sẻ.

Tu hien tuong ‘Em gai mua’ cua Huynh Lap: Parody, lieu co lam choi an thiet?
Huỳnh Lập nhại lại vai diễn của Lâm Khánh Chi trong MV parody Tình cờ gặp nhau

Không phải ngẫu nhiên mà trong hằng hà vô số MV parody Em gái mưa, phiên bản của Huỳnh Lập lại có được lượt xem cao ngất ngưỡng lẫn được nhắc nhiều nhất. Trong đó, một số sản phẩm được thực hiện khá sơ sài, người diễn cứng nhắc. 

Tại kênh BBTV của diễn viên BB Trần, những MV parody đều được thực hiện rất giống bản gốc từ trang phục, tạo hình. Sự kết hợp giữa diện mạo và nội dung mang đến một tổng thể hoàn hảo cho từng MV.

Đó là chưa kể, việc thực hiện MV parody cũng giống như bất kỳ hoạt động sáng tạo khác: phải tuân thủ bản quyền. "Việc sản xuất parody phải theo đúng luật, có sự đồng ý và hỗ trợ từ chủ nhân của bản gốc, chứ không thể thực hiện tuỳ tiện, ngẫu hứng"- Huỳnh Lập cho biết.

Huỳnh Lập đang mang mong muốn và sẽ cố gắng để định hình lại tư duy và parody tại Việt Nam, đặc biệt trong lòng giới trẻ. 

Parody: làm chơi ăn thật?

Theo cách tính căn bản của YouTube cho thị trường tại Việt Nam, mỗi 1.000 lượt xem có chạy quảng cáo, chủ nhân kênh YouTube đó sẽ được tính 0,3 USD đến 0,5 USD. Cứ mỗi 1 triệu lượt xem có chạy quảng cáo từ Google, YouTube sẽ tính cho kênh này số tiền khoảng 6,9 triệu đồng cho đến 11,5 triệu đồng. Sau đó, phần trăm sẽ được chia ra cho Youtube và chủ nhân kênh đó, nằm trong mức khoảng 32-68 hoặc 30-70, hoặc thậm chí có thể là 20-80 cho những kênh rất lớn.

Nếu áp cách tính này lên những MV parody triệu view của BB Trần, kênh Ghiền mì gõ… sẽ thấy rằng những con số được quy thành tiền là không hề nhỏ.

Tu hien tuong ‘Em gai mua’ cua Huynh Lap: Parody, lieu co lam choi an thiet?
Huỳnh Lập (áo hồng) trong MV parody Chầu hoan cua chống, lấy ý tưởng từ phim Hoàn châu công chúa

Hiện tại, theo Hồng Tú - quản lý của Huỳnh Lập - cách tính của YouTube đã có chút thay đổi: Chỉ khi nào người xem xem hết clip quảng cáo thì lượt xem đó mới được YouTube ghi nhận và trả tiền. "Ngày nay, video clip xuất hiện ngày càng ồ ạt trên YouTube, họ phải có cơ chế siết lại để bảo vệ lợi ích cho mình"- quản lý của Huỳnh Lập cho biết.    

Cũng theo đại diện của Huỳnh Lập, MV parody Tấm Cám - chuyện Huỳnh Lập kể có chi phí đầu tư là 2,5 tỷ đồng, trong đó được nhãn hàng tài trợ một phần. Hiện tại, Huỳnh Lập vẫn chưa thu hồi được số vốn này.  

Dù đối diện với không ít khó khăn với con đường thực hiện parody nhưng phía Huỳnh Lập sẽ kiên trì, với số lượng ít nhất 2-3 sản phảm mỗi năm. Bởi, tuy có thể không thu hồi vốn trực tiếp nhưng với mỗi sản phẩm gây được tiếng vang, "thương hiệu" của người nghệ sĩ lại được củng cố, cát-sê từ đó cũng tăng - đó chính thứ "vốn" không dễ gì tìm được. 

“Khi có danh tiếng, đương nhiên show cũng nhiều hơn, chúng tôi thu lợi từ việc này, tiếp tục trả nợ và đầu tư cho sản phẩm kế tiếp”, phía Huỳnh Lập chia sẻ.

Tu hien tuong ‘Em gai mua’ cua Huynh Lap: Parody, lieu co lam choi an thiet?
Sự giống nhau đến khó tin giữa bản gốc (trái) và bản parody (phải) của Em gái mưa

Nam diễn viên Quang Trung, người thủ vai thầy giáo trong MV parody Em gái mưa của Huỳnh Lập cho biết: “Tài trợ cho các sản phẩm parody có thể có, nhưng không quá nhiều, mà nghệ sĩ phải gánh một phần rất nặng, khả năng thu lợi trực tiếp không được. Tuy nhiên, nói về đường dài sẽ rất rộng mở. Khi bạn có danh tiếng, thì chắc chắn sẽ có show diễn”.

Quang Trung cho biết thêm, thời gian đầu anh diễn xuất cho các sản phẩm này vì yêu thích, nhưng dần về sau bắt đầu nhận ra được khả năng phát triển nhất định. 

NTK Thái Trung Tín, người từng thực hiện trang phục cho một vài MV parody cho biết, dù các bạn trẻ không có nhiều kinh phí nhưng vẫn luôn đặt hàng trang phục để sao cho sản phẩm có được sự chỉn chu nhất có thể. “Họ luôn sòng phẳng trong vấn đề tiền bạc. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, có đôi lúc cũng cần phải hỗ trợ nhau”, Trung Tín nói.

Tu hien tuong ‘Em gai mua’ cua Huynh Lap: Parody, lieu co lam choi an thiet?
 
Tu hien tuong ‘Em gai mua’ cua Huynh Lap: Parody, lieu co lam choi an thiet?
Sự đầu tư của BB Trần (hình trên) khá giống với MV gốc của Hồ Ngọc Hà (hình dưới)

Có thể thấy, nếu như trước đây parody được xem là "làm chơi", nhưng trong xu thế hiện tại, khi khán giả có những yêu cầu gắt gao hơn thì bắt buộc phải "làm thật" mới có khả năng "ăn thật". 

Thuỵ Khuê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI