Một người bạn chia sẻ về việc vẫn giữ tên tiếng Việt khi đăng ký nhập quốc tịch mới. Việc cũng bình thường với bao nhiêu người khác, nhưng lại đặc biệt có ý nghĩa với một người sống xa xứ vẫn đau đáu nhớ về quê nhà như bạn. Bạn làm tôi nhớ đến những người thậm chỉ muốn "từ bỏ" gốc gác ngay tại quê hương mình.
Đó là những người thích "chêm" tiếng Anh khi nói hoặc viết. Thời buổi toàn cầu hóa, giao thương với người nước ngoài nhiều thì việc thạo ngoại ngữ sẽ đem đến cơ hội cho người ta nhiều hơn. Việc sử dụng ngoại ngữ nhiều trở thành thói quen là bình thường, trừ khi người nói hay viết vận dụng ngoại ngữ không đúng lúc, đúng đối tượng để phô trương khiến họ trở nên kệch cỡm vì cách nói năng nửa nạc nửa mỡ. Tri thức được phô diễn không đúng chỗ dễ phản tác dụng, cái câu "lúa chín cúi đầu" thường được dùng để nói đến những người uyên bác, học thức nhưng khiêm tốn là vậy.
Vấn đề ngoại ngữ nhắc tôi nhớ một số công ty nước ngoài chỉ dùng ngôn ngữ của họ như Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc... Nhân viên làm việc với họ phải học ngôn ngữ của họ chứ họ không dùng tiếng Anh như ngôn ngữ chung toàn cầu để giao tiếp. Nếu họ không có tinh thần tự hào dân tộc (hay tự tôn?) hẳn họ đã không đủ tự tin sang nước khác để lập nghiệp mà không cần học ngôn ngữ bản địa.
Đó là những người thi thoảng được ngao du khỏi lãnh thổ đất nước mình đã vội ca ngợi những vùng đất mới, những nét văn hóa mới trong khi họ chưa chắc đã khám phá hết vẻ đẹp non nước cũng như những nét văn hóa vùng miền đặc sắc trên đất nước mình. Ai cũng ao ước có điều kiện để được đi nhiều, đi xa hơn "lũy tre làng", nhưng để được "đi cho biết đó biết đây", để mở rộng tầm nhìn, nâng tầm tri thức, thế giới quan của mình thì sẽ tốt biết mấy thay vì để so sánh, chê bai chính nơi đã cho mình hình hài, nơi mình đã chôn nhau cắt rốn.
|
Lá cờ Việt Nam ít khi xuất hiện, trừ những ngày lễ quốc gia hay các trận thi đấu thể thao mang tầm quốc tế (ảnh minh hoạ) |
Tôi từng thầm ngưỡng mộ những người bản địa mà tôi có dịp chuyện trò trong một chuyến du lịch Hàn Quốc khi họ cho biết chỉ dùng mỹ phẩm, các sản phẩm thời trang cũng như các nhãn hiệu hàng tiêu dùng nội địa chứ ít khi mua các nhãn hiệu nước ngoài. Đó là gì nếu không phải là tự hào dân tộc?
Có dịp sang Mỹ, tôi được tận mắt chứng kiến niềm tự hào dân tộc của họ thể hiện qua hình ảnh "lá cờ hoa" ở khắp nơi. Họ gắn cờ trên nóc xe cá nhân; treo cờ trước cửa nhà quanh năm suốt tháng; in hình cờ trên quần áo thời trang, thậm chí trên hủ tro cốt dành cho người đã mất. Tôi đã không khỏi chạnh lòng dù biết so sánh thường khập khiễng.
|
Người Mỹ tự hào và treo cờ quanh nhà bất kể dịp gì (ảnh minh hoạ) |
Nhắc đến tự hào, tự tôn dân tộc dễ bị cho là "khẩu hiệu", giáo điều", là sáo rỗng nhưng nếu không có nó, bạn làm sao xác định giá trị của mình giữa buổi giao thoa toàn cầu như hiện nay? Đâu cần hô hào, ra vẻ hay làm gì to tát, tôi vẫn thấy trong mình đầy ắp tự hào dân tộc khi giới thiệu với đồng nghiệp, bè bạn nước ngoài những vùng đất xinh đẹp, những món đặc sản vùng miền hay chất lượng dịch vụ của một số nơi ở Việt Nam mà tôi từng đến...
Chúng ta dạy con trẻ kỹ năng sống, dạy những bài học nhân-nghĩa-lễ-trí-tín, dạy cách làm giàu khi chúng lớn lên nhưng quan trọng hơn hết lòng yêu nước, tự hào dân tộc phải luôn chảy trong máu của chúng. Hay người ta mải miết quay cuồng giữa vòng xoáy mưu sinh, nếu một lúc nào đó có thể dừng lại, họ chỉ quan tâm đến những thứ hữu hình, thực tế hơn? Đừng để như tôi, khi lạc lõng, bơ vơ nơi xứ người, mấy tiếng "tự hào dân tộc" mới trỗi dậy từ thẳm sâu trong lòng mình, như lời nhắc nhở tôi thêm mạnh mẽ, vững vàng giữa những phồn hoa mà không thấy tự ti, mặc cảm.
Bạn có quyền nghi ngờ nhiều thứ, nhưng rõ ràng là, khi có niềm tự hào dân tộc nói chung hay tự hào về bản thân mình nói riêng, nếu người khác không tôn trọng bạn hơn thì chí ít là bản thân bạn vẫn cảm thấy mạnh mẽ, tự tin hơn. Bạn có nhận ra điều đó không?
Nguyễn Yến Nhi