Từ hàng rong đến câu chuyện khởi nghiệp

16/11/2017 - 16:47

PNO - Gần 5 tháng khi chiến dịch “giải phóng vỉa hè” ở TP.HCM được phát động, câu chuyện mưu sinh của những người bán hàng rong vẫn chưa chấm dứt.

Ở góc độ của mình, Hội Phụ nữ cũng đã có nhiều hoạt động vừa góp phần cùng với chính quyền trong việc lập lại trật tự lòng lề đường, vừa hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân, đặc biệt là hội viên, phụ nữ chuyển đổi ngành nghề ổn định và bền vững hơn.

Tu hang rong den cau chuyen khoi nghiep
Mạnh dạn mở cửa hàng, hiện tại, Vân đã kinh doanh ổn định hơn với mặt hàng quần áo trẻ em


BUỔI ĐẦU GIAN NAN

Thôi những ngày kéo sào đồ chạy nắng chạy mưa, lẩn trốn lực lượng chức năng trong chiến dịch dọn dẹp lòng lề đường, Huỳnh Thị Thủy Vân (SN 1990, P.13, Q.6) giờ đây đã có thể yên tâm buôn bán trong điều kiện tốt hơn. Chăm chút treo từng chiếc áo, cái quần sao cho bắt mắt trong cửa hàng nằm khiêm tốn tại số 36 đường 11, cư xá Ra Đa, P.13, Q.6, cô chủ cửa hàng bộc bạch: “Mặt bằng này thuê. Em chỉ dán đề-can sao cho sạch sẽ, tạo cảm giác gần gũi do tâm lý người mua hàng vẫn ngại những nơi sang trọng vì sợ giá cao”.

Lấy chồng năm 2013, đứa con đầu lòng nay đã lên ba. Vừa sinh con xong, mọi chi tiêu gia đình không thể chỉ trông đợi vào nguồn thu nhập của chồng, Vân nghĩ đến việc bán quần áo online để kiếm thêm thu nhập. Ban đầu bỡ ngỡ, cô không ngờ những bức ảnh mình chia sẻ lên Facebook lại nhận được sự quan tâm của bạn bè. Mỗi ngày được đặt hàng ba bộ, rồi năm bộ. Vân muốn bán nhiều hơn, cô ra chợ Phú Lâm, thuê một chỗ ngồi, chỉ đủ để dựng một cái sào móc những bộ quần áo trẻ em, mỗi ngày dọn hàng từ 17g đến 22g. Vân đượm buồn kể: “Lúc đầu cũng muốn tìm một chỗ ổn định, nhưng không đủ vốn, em mới ngồi lề đường”.

Công việc mang lại cho Vân nguồn thu nhập không nhiều, nhưng khá ổn trong thời gian chăm con nhỏ. Tuy nhiên, chẳng bao lâu, chiến dịch dọn dẹp lòng lề đường đồng loạt nổ ra trên khắp địa bàn thành phố khiến bao nhiêu gánh hàng rong chạy đôn chạy đáo. “Ban đầu em suy nghĩ và lo lắng nhiều lắm. Phần vì tìm mặt bằng cho một cửa hàng không hề dễ, đầu tư làm sao để cân đối giữa thu và chi thì mới nuôi nổi mặt bằng hằng tháng, phần thì không có vốn”, nhưng vượt lên tâm lý sợ nợ, với sự giúp đỡ từ nhiều phía, Vân vững tin mở cửa hàng tại Q.6 với số vốn ban đầu là 70 triệu đồng. 

Mỗi tháng tiền mặt bằng ngốn hết 4,2 triệu đồng, nên đối với một người bắt đầu như Vân không ít căng thẳng. Tuy nhiên, chị cũng giữ quan điểm “hàng tốt, giá mềm” để mở rộng đối tượng khách. “Giờ con đã đến tuổi gửi nhà trẻ, em có thời gian chăm lo cho cửa hàng nhiều hơn. Nếu việc kinh doanh tiến triển tốt, em sẽ mở rộng” - Vân chia sẻ dự định tương lai.

Khi bán dừa đầu hẻm chung cư Nguyễn Văn Lượng, Q. Gò Vấp, chị Nguyễn Thị Mộng Trinh (SN 1979) cũng thường xuyên bị lực lượng trật tự “dí” giống như Vân. Trong thời gian khó khăn ấy, Chi hội KP.4, P.16 không ngừng động viên, tạo điều kiện để chị từ bỏ công việc mưu sinh lề đường gần chục năm nay, mở quán bán đồ ăn sáng tại hẻm 325, chung cư Nguyễn Văn Lượng 3.

Mấy tháng khởi đầu gặp nhiều khó khăn vì chưa có nhiều khách, thêm vào đó, quán nằm trong hẻm, chủ yếu là dân chung cư nên chị phải đổi món thường xuyên, nay hủ tíu, mai nấu cháo để thay đổi khẩu vị cho khách. “Có bữa bán được thì vui, khoảng sáu đến bảy ký bún mỗi ngày. Ế thì cả nhà mình ăn thay cơm. Thu nhập từ quán ăn chưa nhiều. Hiện tại, mình đang làm thủ tục để được Hội hỗ trợ vốn. Có vốn, bên cạnh quán ăn sáng, mình sẽ tiếp tục bán dừa xiêm, thêm các mặt hàng trái cây, nhưng không phải là cách bán buôn lề đường như trước đây nữa, mà đầu tư mặt bằng đàng hoàng”, chị chia sẻ.

ĐỒNG HÀNH CÙNG CHỊ EM KHỞI NGHIỆP

Nhiều lần đi chợ nhìn thấy cảnh bán buôn cực khổ bên lề đường, chị Nguyễn Thị Ngọc Linh, Chủ tịch Hội LHPN P.13, Q.6, không ngừng động viên Vân mở cửa hàng. Chính chị giúp Vân tìm kiếm mặt bằng sao cho thuận lợi, vừa giữ được lượng khách đã có, vừa phù hợp với túi tiền và giới thiệu thêm khách đến cửa hàng của Vân. Chị cho biết: “Vân có con độ tuổi con mình, nhưng bán buôn như vậy rất cực. Mình cố gắng tìm mọi sự giúp đỡ để Vân có một nơi kinh doanh ổn định, cũng là góp phần xây dựng thành phố văn minh. Không chỉ Vân mà còn rất nhiều hội viên, phụ nữ (PN) khác nữa. Từ bỏ hàng rong, mỗi người chọn một hướng đi, nhưng với hướng đi nào, Hội cũng phải tận dụng mọi sự nối kết để giúp đỡ họ”.

Có hơn 100 hội viên, đa số là những người nhập cư mưu sinh vỉa hè, chị Nguyễn Thị Lan, Chủ tịch Hội LHPN Q. Gò Vấp cho biết, công tác vận động vô cùng khó khăn bởi đó là miếng cơm manh áo của người dân. Vì vậy, Hội phải làm từng bước. Một mặt, vận động chị em thu gọn hàng hóa, mặt khác, giới thiệu mặt bằng, hỗ trợ vốn để các chị em có điều kiện chuyển đổi ngành nghề. Hội LHPN quận cũng tổ chức những lớp học nấu ăn theo món và hỗ trợ phương tiện nếu chị em nào muốn kinh doanh. 

Bên cạnh đó, Thành Hội tổ chức nhiều chương trình đào tạo, giới thiệu việc làm song song các hoạt động, diễn đàn truyền thông để giúp các chị em khởi nghiệp. Hội cùng với Nhà Văn hóa PN TP mở các lớp dạy nghề, kỹ năng cho chị em, đồng thời, tranh thủ sự giúp đỡ của Hội Nữ doanh nhân TP để nối những chiếc cầu, hỗ trợ, giúp sức chị em trong bước đầu khởi sự kinh doanh. 

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI