Chỉ trong vòng một tuần qua, tại TP.HCM đã xảy ra hai sự cố y khoa nghiêm trọng ở bệnh viện (BV) chuyên khoa thẩm mỹ. Sở Y tế TP.HCM cho hay, sẽ lập hội đồng chuyên môn cấp sở để phân tích, kết luận có hay không sai sót chuyên môn đối với ê-kíp phẫu thuật. Từ đó làm căn cứ xử lý nếu có vi phạm, theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
“Tiêu chí chất lượng” mang đến an toàn?
Còn lại trong “chỉ đạo” của mình, sở chỉ “tranh thủ” thể hiện trách nhiệm thông qua các… văn bản đã ban hành. Nào là, Ban An toàn người bệnh thuộc Hội đồng Chất lượng khám chữa bệnh Sở Y tế thành phố đã cùng các chuyên gia đầu ngành về phẫu thuật và gây mê xây dựng và ban hành “Khuyến cáo tăng cường triển khai các hoạt động an toàn người bệnh trong phẫu thuật”.
|
Một ca tử vong sau nâng ngực vừa xảy ra tại BV Emcas. Ảnh: Phạm An |
Khuyến cáo gồm 14 hoạt động cụ thể giúp BV chủ động rà soát, củng cố các hoạt động đảm bảo an toàn trong phẫu thuật.
Gần nhất, sở cho biết đã triển khai bộ tiêu chí chất lượng đánh giá mức độ an toàn phẫu thuật của Bộ Y tế với tám nhóm tiêu chí. Đây là hoạt động đã được sở phổ biến và có kế hoạch kiểm tra, đánh giá lồng ghép trong đợt kiểm tra, đánh giá chất lượng BV năm 2019.
Ngoài ra, cũng theo sở này, năm 2017, căn cứ vào quy định của bộ, Hội đồng Chất lượng khám chữa bệnh đã xây dựng và ban hành “Bộ tiêu chí chất lượng dành cho phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ trên địa bàn thành phố” và đã tiến hành đánh giá chất lượng tất cả phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ nhằm giúp cho các phòng khám cải tiến chất lượng.
Khi cơ quan quản lý đầu ngành y tế của thành phố đưa ra các khuyến cáo, tiêu chí, chuẩn chất lượng này nọ… và yêu cầu các BV, phòng khám nghiêm túc thực hiện, thì xem như có thể ”yên chí lớn” rằng người dân đã được bảo đảm về sự an toàn và chất lượng trong điều trị?
Các “chỉ đạo giấy” này liệu có tác dụng gì trước thực tế đang tràn lan, đe dọa sức khỏe, tính mạng con người, như bác sĩ “lậu”, phòng khám “chui”, thuốc “dỏm”, “vẽ bệnh”; đặc biệt, trong lĩnh vực thẩm mỹ có nạn cho thuê phòng mổ, quảng cáo “nổ”, hành nghề không chứng chỉ…?
Hành nghề “lụi”, bán thuốc “dỏm”… chỉ bị phạt tiền, tước giấy phép
Hai ca tử vong sau khi căng da mặt, đặt túi ngực xảy ra tại các cơ sở thẩm mỹ tuần qua, lại vẫn khiến dư luận “sôi lên” những câu hỏi “kinh điển” trong quản lý. Việc lập hội đồng của Sở Y tế thành phố sau các sự cố là cần thiết, nhưng có lẽ điều đó cũng chỉ có giá trị trong đánh giá chuyên môn. Mà ai cũng biết, vấn đề có sai sót hay không của ê-kíp phẫu thuật không hệ trọng bằng câu chuyện cơ quan quản lý nhà nước đã làm gì trước thảm trạng mà từ lâu đã được các chuyên gia trong ngành cảnh báo.
Đến khi liên tiếp xảy ra hai trường hợp chết người ngay tại bệnh viện, sở mới “chỉ đạo” để nhằm “rút ra những bài học kinh nghiệm cho công tác quản lý chất lượng BV trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ” (?). Nghe mới quan liêu làm sao!
|
BV Kangnam cũng vừa để xảy ra một ca tử vong sau căng da mặt |
Xin dẫn chứng những vụ việc cụ thể hơn để minh chứng cho thực tế nêu trên, cũng như cho phép nói thẳng các trường hợp tử vong tại các cơ sở thẩm mỹ vừa qua chỉ là hệ quả tất yếu đã, đang và sẽ còn xảy ra với cung cách quản lý, kiểm tra, giám sát và xử lý sai phạm như “phủi bụi” hiện nay.
Thông tin từ Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho thấy, hầu như tuần nào cơ quan này cũng phát hiện nhiều cá nhân, đơn vị vi phạm các quy định về khám chữa bệnh, dịch vụ thẩm mỹ, buôn bán mỹ phẩm, dược phẩm. Đơn cử, Công ty TNHH phòng khám đa khoa Liên Tâm (Q.8) bị phát hiện cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn… Tổng hợp cho các hành vi sai phạm đó chỉ là mức phạt hơn 177 triệu đồng. Công ty TNHH Vẻ đẹp chuyên nghiệp Toàn Cầu cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh nhưng không có giấy phép hoạt động tại chi nhánh công ty số L4-SH.01 (Shophouse) tòa nhà Landmark 4 Vinhomes Central Park (Q.Bình Thạnh) bị phạt 120 triệu đồng và đình chỉ hoạt động chín tháng.
Đặc biệt có trường hợp Công ty TNHH Đầu tư y tế quốc tế Đông Á tại số 202 Tô Hiến Thành (P.15, Q.10), vào cuối tháng 8/2019 bị phạt 213 triệu đồng vì cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn, người hành nghề không chứng chỉ… Đồng thời, phòng khám này bị tước quyền sử dụng giấy phép 4,5 tháng. Lạ thay, sang đến tháng 10/2019, cũng tại địa chỉ trên, Thanh tra Sở Y tế thành phố lại phạt đơn vị khác có tên Công ty TNHH Đầu tư y tế quốc tế 202 quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung.
Liên quan đến dược phẩm, Thanh tra Sở Y tế thành phố xử lý vụ việc nghiêm trọng là bà Nguyễn Phương Dung (H.Bình Chánh) bán thuốc đã hết hạn sử dụng, thuốc không rõ nguồn gốc, không được phép lưu hành… Với hàng loạt hành vi nguy hiểm cho cộng đồng như thế, bà Dung chỉ bị phạt gần 83 triệu đồng.
Dẫu biết rằng, mọi việc đều phải xử lý theo đúng quy định. Thế nhưng, trước các hành vi tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe con người, trước khi những cái chết tức tưởi xảy ra, Sở Y tế TP.HCM nên nghiên cứu đề xuất những biện pháp hữu hiệu hơn để bảo vệ người dân.
Sở không thể dừng lại ở ban hành các khuyến cáo, tiêu chí, chuẩn chất lượng rồi kêu gọi tuân thủ; hoặc kiểm tra, xử phạt như “nhẹ nhàng” rồi đổ cho khung, cho quy định. Đừng quên, các hành vi vi phạm về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác đã được quy định tại điều 315 Bộ luật Hình sự, chứ không chỉ đơn thuần là hành vi dân sự “hưởng” các mức phạt hành chính, thưa sở.
Theo Sở Y tế TP.HCM, qua báo cáo nhanh cho thấy, hai trường hợp bệnh nhân căng da mặt, đặt túi ngực tử vong sau khi đã phẫu thuật xong và đã có giai đoạn tỉnh táo trở lại sau gây mê. Khi trở nặng, các bệnh nhân được xử trí cấp cứu tại chỗ, sau đó chuyển về BV tuyến cuối để hồi sức tích cực. Sở đã yêu cầu BV thẩm mỹ Kangnam và BV thẩm mỹ Emcas tạm ngưng thực hiện các kỹ thuật có liên quan đến gây mê; rà soát, đánh giá lại mức độ an toàn phẫu thuật; củng cố, khắc phục ngay những nội dung chưa đảm bảo yêu cầu (nếu có). Hai BV gửi báo cáo về sở xem xét lại mức độ an toàn phẫu thuật của BV và báo cáo Bộ Y tế. |
Quốc Ngọc