Từ giáo viên tiểu học trở thành "thầy nuôi dạy trẻ"

19/11/2023 - 17:04

PNO - Vì hoàn cảnh mà thầy giáo tiểu học nhận dạy bậc mầm non. Song nghề nuôi dạy trẻ lại níu chân, giữ thầy ở bậc mầm non hơn 10 năm qua.

Cán bộ Đoàn mê nghề dạy học

Thầy Lê Văn Thắng (giáo viên Trường mầm non Thanh Kim, xã Thanh Bình, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) sinh năm 1982. Trước khi làm giáo viên, thầy có nhiều năm công tác đoàn tại quê nhà - xã Hùng Long, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ.

Từ giáo viên tiểu học, thầy Thắng trở thành thầy nuôi dạy trẻ.
Từ giáo viên tiểu học, thầy Lê Văn Thắng trở thành "thầy nuôi dạy trẻ"

Đang hoạt động Đoàn sôi nổi, thầy “trốn” gia đình về TP Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) học ngành Sư phạm tiểu học của ĐH Hùng Vương. 29 tuổi, thầy Thắng mang theo hồ sơ xin việc lên Lào Cai với những khát khao, háo hức của 1 thầy giáo trẻ.

Thầy Thắng được phân công lên huyện Sa Pa (nay là thị xã Sa Pa) quanh năm mây phủ. Nhưng lại không được làm giáo viên tiểu học theo đúng chuyên ngành được đào tạo, thầy trở thành giáo viên mầm non, vì bấy giờ Sa Pa thiếu nhiều giáo viên ở bậc học này.

“Tôi hụt hẫng khi nhận quyết định về Trường mầm non Thanh Kim. Chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ làm giáo viên mầm non. Nhưng gia đình tôi khi đó rất khó khăn, cha mẹ ở quê già yếu nên tôi chấp nhận - bất đắc dĩ trở thành giáo viên mầm non như vậy” - thầy Thắng tâm sự.

Thầy bảo, làm giáo viên mầm non với cô giáo mới ra trường đã là khó khăn; nam giới như thầy lại càng nhiều hạn chế. Vừa là thầy, vừa phải đóng vai là cô, là mẹ của bọn trẻ. Thầy chỉ nói được tiếng Kinh, học sinh chưa nói được tiếng phổ thông mà vẫn nói tiếng Mông, Dao, Tày… nên việc giao tiếp giữa thầy và trò thường phải qua cử chỉ, động tác mô phỏng. Nhiều em bé đến lớp vẫn khóc cả buổi, suốt nhiều ngày trời; khiến thầy vừa phải bế ẵm, dỗ dành vừa phải quán xuyến các trẻ khác.

Giờ thầy đã thạo mọi việc của cô giáo, kể cả việc chải đầu, buộc tóc cho các bé gái.
Giờ thầy đã thạo mọi việc của cô giáo, kể cả việc chải đầu, buộc tóc cho các bé gái

Vừa là nam giới, vừa không phải chuyên ngành đào tạo nên ngoài giờ lên lớp, thầy Thắng phải tự học chuyên môn, học hát, múa, vẽ; học cả tiếng Mông để có thể giao tiếp được với phụ huynh và học sinh. Dần dần những đôi mắt trong veo, những nụ cười hồn nhiên của trẻ, cùng cả những khó khăn của cha mẹ các em đã từng ngày từng ngày khiến thầy yêu hơn công việc tưởng như bất đắc dĩ này.

6 năm trước, Sa Pa có thông báo thi chuyển ngạch giáo viên tiểu học đang dạy ở mầm non về đúng vị trí công tác. Thế nhưng thầy Lê Văn Thắng lại quyết định đi học 2 năm sư phạm mầm non, đắp bồi kiến thức để gắn bó với bậc học này.

Trở thành 1 phần của bản

Ở Trường mầm non Thanh Kim, thầy Thắng khởi đầu nghề nuôi dạy trẻ ở điểm trường Bản Kim A. Sau đó thầy đến các điểm trường Lếch Mông A, Lếch Dao, rồi về điểm trường chính. Năm học 2022-2023, thầy Thắng trở lại điểm trường Bản Kim A - sau 9 năm.

Hôm biết tin thầy Thắng trở lại điểm trường Bản Kim A công tác, bà Tả Mẩy đã ra vườn hái rổ su su mang đến trường tặng thầy giáo Thắng. Gãi đầu gãi tai tặng thầy rổ su su, bà Mẩy ngượng nghịu: “Cả bản mong thầy lắm. Bọn trẻ được thầy dạy ngày trước giờ lớn rồi, đứa nào cũng ngoan, biết nghe lời”.

Người dân Bản Kim A mang nông sản đến tặng thầy Thắng.
Người dân Bản Kim A mang nông sản đến tặng thầy Thắng

Ngày trở lại Bản Kim A, thầy Thắng thấy đời sống của bà con đã có nhiều thay đổi, khấm khá hơn; thầy không phải xắn quần, tháo giày buộc vào cổ để lội suối mới đến được trường trong mùa mưa lũ nữa; nhưng tình cảm mọi người dành cho thầy vẫn vẹn nguyên như vậy.

Thầy Thắng xúc động kể: 10 năm trước tôi bị cảm, phải ngủ lại điểm trường Bản Kim A. Bà con đã chạy chữa cho tôi bằng các bài thuốc cổ truyền của người Dao Đỏ. Khi tôi chuyển công tác sang điểm trường khác, bà con Bản Kim A đã đến gặp hiệu trưởng “xin được giữ thầy Thắng lại để dạy dỗ trẻ con Bản Kim A”…

Khi về lại Bản Kim A, thỉnh thoảng thầy đến trường, đã thấy bà con xách túi khoai, rổ sắn đứng chờ tặng thầy giáo. Đơn sơ, bình dị vậy thôi, nhưng khiến người thầy bất đắc dĩ năm nào thấy mình đã trở thành 1 phần của bản. Sợi dây vô hình đó cũng là cơn cớ neo thầy lại, không muốn về bậc tiểu học như mơ ước ban sơ.

Thầy Thắng và các cháu mầm non của Bản Kim A
Thầy Thắng và các cháu mầm non của Bản Kim A

Năm học này, thầy Thắng chuyển sang điểm trường Lếch Mông B trong niềm vui, sự đón chờ của dân bản. Về Lếch Mông là về với khó khăn, thiệt thòi hơn so với các bản khác trong xã. Không muốn các em thơ thiệt thòi so với bạn bè đồng lứa, thầy đã kết nối, kêu gọi bạn bè, các nhà hảo tâm trao quà, xây dựng điểm trường khang trang, không gian xanh sạch; trang bị cả hệ thống đèn điện, nước sạch để con em Lếch Mông B có được môi trường giáo dục đủ đầy.

Về với Lếch Mông B, thầy Thắng cũng bắt đầu học “ngoại ngữ” - ngôn ngữ của bà con Lếch Mông B. Vừa học, thầy vừa nghiên cứu biện pháp tổ chức tốt hoạt động trải nghiệm cho trẻ 3-4-5 tuổi tại lớp mẫu giáo ghép.

Năm học này, thầy Thắng nhận Bằng khen “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo” và là 1 trong 58 giáo viên xuất sắc được Trung ương Đoàn tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”. Thầy Thắng cười bảo: “Có khi do tôi sinh đúng ngày 20/11, nên nghề giáo đã chọn tôi”.

Ước mong “bén rễ”

5 lần thầy Thắng chuyển công tác là 5 lần gia đình thầy phải chuyển theo. Hiện 5 thành viên của gia đình thầy - vợ chồng, 2 con và 1 cháu đang sống nhờ nhà công vụ của trường. Nhắc đến gia cảnh của thầy, đồng nghiệp nào cũng rớm nước mắt: Chị gái thầy mắc trầm cảm nên con của chị phải lên Lào Cai nương nhờ sự đùm bọc của vợ chồng thầy. Mẹ già 75 tuổi đang chịu di chứng tai biến ở quê. Quyết định gắn bó cả cuộc đời với vùng cao, nên vợ chồng thầy chỉ mong sớm có đủ điều kiện xây gian nhà nhỏ ở xã Thanh Bình, để có thể đón mẹ già yếu lên phụng dưỡng.

Minh Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI