Tiếp nhận nhiều động vật hoang dã trong mùa dịch
Mới đây, Chi cục Kiểm lâm TPHCM nhận được cuộc gọi của ông N.H.C. - trú tại phường Hiệp Bình Phước, TP.Thủ Đức - xin được giao nộp một con rái cá nghi là động vật hoang dã (ĐVHD) quý hiếm. Theo ông C., trước đây, thấy trên mạng, có người rao bán một con vật rất dễ thương, ông đã mua về nhà nuôi làm thú cưng. Sau một thời gian nuôi, ông biết đây là rái cá, thuộc nhóm động vật quý hiếm nên muốn giao nộp nó cho kiểm lâm.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng xác định, đây là rái cá vuốt bé, có tên khoa học là aonyx cinereus, là ĐVHD đã được đưa và Sách đỏ Việt Nam, thuộc loài quý hiếm. Chi cục Kiểm lâm TPHCM liền đưa cá thể động vật này về Trạm Cứu hộ ĐVHD Củ Chi.
|
Người dân giao nộp con rái cá quý hiếm cho lực lượng kiểm lâm Ảnh: Chi cục Kiểm lâm TPHCM |
Ông Nguyễn Công Bằng, Phó trạm Trưởng Trạm Cứu hộ ĐVHD Củ Chi, cho biết từ đầu năm 2021 đến nay, trạm đã tiếp nhận và xử lý 139 trường hợp chuyển giao ĐVHD để trạm chăm sóc, thả về tự nhiên, gồm 159 cá thể thuộc 42 loài ĐVHD, hầu hết thuộc loài nguy cấp, quý hiếm. Số lượng cá thể được tiếp nhận tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2020.
“Ngay cả trong tháng 8/2021, khi TPHCM giãn cách xã hội nghiêm ngặt, vẫn có người liên hệ giao nộp các động vật quý hiếm như khỉ mặt đỏ, chim hồng hoàng. Số ĐVHD có sức khỏe tốt, đủ điều kiện tái thả về môi trường tự nhiên đạt 75% trên tổng số cá thể tiếp nhận (tăng 5% so với năm 2020); tỷ lệ cá thể ĐVHD bị chết giảm 5% so với năm 2020” - ông Nguyễn Công Bằng thông tin.
Theo lãnh đạo Trạm Cứu hộ ĐVHD Củ Chi, trong thời gian giãn cách xã hội, việc chăm sóc, cứu hộ ĐVHD khó khăn hơn lúc bình thường. Trạm phải bố trí lao động làm việc theo phương thức “ba tại chỗ” nên có người phải ở lại trạm suốt bốn tháng; việc mua, vận chuyển và bảo quản thức ăn cho thú cũng khó khăn; trạm cũng phải có biện pháp phòng tránh lây nhiễm virus SARS-CoV-2 cho các loài linh trưởng. Vị này nhận định, việc người dân chủ động giao nộp ĐVHD trong đại dịch COVID-19 chủ yếu do lo ngại việc chăm sóc khó khăn.
Chị N.H.T. (quận 8) cho biết, gia đình chị nuôi khá nhiều chim, rùa ở khu vườn trên sân thượng. Tháng 6/2021, khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh, lo các loài chim này làm lây lan dịch bệnh, chị đã nhờ người quen chuyển đi nơi khác để thả về tự nhiên. Chị T. kể: “Tôi nuôi cả chim nhốt lồng và chim thả tự nhiên (bồ câu) nên sợ chim bay đi lung tung sẽ mang virus về nhà. Khi nhờ một người quen mang chim đi thả thì người này phát hiện trong đó có một con chim quý nên đã bàn giao cho cơ quan chức năng”.
Trước đây, chị V.N.T.M. (quận Tân Phú) được bạn tặng một chú rùa nước nuôi làm kiểng. Sau một thời gian, biết đây là loài rùa quý hiếm, chị M. đã đến Chi cục Kiểm lâm TPHCM giao nộp. Cơ quan này xác định, đây là cá thể rùa ba gờ (malayemys subtrijuga), là loài động vật rừng thuộc nhóm IIB theo quy định tại Nghị định số 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ, tức nhóm nguy cấp, quý hiếm.
Theo Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV), trong năm 2020, mỗi ngày, đường dây nóng bảo vệ ĐVHD (1800-1522) tiếp nhận khoảng mười thông tin vi phạm liên quan ĐVHD do người dân cung cấp và ENV đã chuyển giao đến cơ quan chức năng 1.035 vụ việc, tăng 327 vụ việc so với năm 2019.
Động vật là nguồn lây truyền bệnh
Theo Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF), việc mua, bán thú nuôi hoang dã đang tiếp tay cho nạn buôn bán ĐVHD bất hợp pháp, là mối đe dọa lớn đối với đa dạng sinh học cũng như sự sinh tồn của các loài ĐVHD, nó thúc đẩy nhu cầu săn bắt và buôn bán các loài ĐVHD, đẩy các loài tới sự suy giảm số lượng và dẫn tới nguy cơ tuyệt chủng.
|
Một cá thể khỉ mặt đỏ được người dân huyện Nhà Bè bàn giao cho kiểm lâm trong thời gian giãn cách xã hội - Ảnh: Chi cục Kiểm lâm TPHCM |
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang - nhà bảo tồn ĐVHD, người sáng lập và là Giám đốc điều hành WildAct, tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn ĐVHD và môi trường tại Việt Nam - cho biết tại Việt Nam, nhiều người nổi tiếng cũng nuôi ĐVHD và nhiều người nuôi không quan tâm tới vấn đề pháp lý hay nguồn gốc loài. Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang khuyến cáo: “Không nuôi nhốt, buôn bán, sử dụng ĐVHD chính là cách để bảo vệ sức khỏe con người, bởi ĐVHD có thể là nguồn lây bệnh và việc nuôi trái phép ĐVHD quý hiếm là vi phạm pháp luật”.
Theo ông Đỗ Đăng Khoa (Trung tâm Linh trưởng nguy cấp, Vườn quốc gia Cúc Phương), cùng với khỉ, có ba nhóm linh trưởng thường “được” bắt để nuôi làm thú cưng là voọc, vượn, cu li. Người nuôi thường thiếu hiểu biết về tập tính của loài và thiếu hiểu biết quy định pháp luật, gần như không quan tâm tới phúc lợi động vật (trạng thái về thể chất và tinh thần của con vật). Chủ nuôi thường không khai báo rõ nguồn gốc ĐVHD mà chỉ nói là ĐVHD đi lạc vào nhà rồi nuôi làm cảnh khiến đơn vị cứu hộ khó hoàn thiện hồ sơ tái thả và có thể thả về môi trường không tương đồng với nơi sinh sống cũ của ĐVHD.
Tiến sĩ Phạm Đức Phúc (Trường đại học Y tế công cộng) cho biết, tất cả ĐVHD đều có tác nhân gây bệnh. 60% bệnh truyền nhiễm trên người hiện nay có nguồn gốc từ động vật, 70% bệnh truyền nhiễm mới nổi cũng có nguồn gốc từ ĐVHD. Ông nhận định: “Nhiều khả năng bệnh COVID-19 có nguồn gốc từ ĐVHD. Đáng chú ý, ĐVHD có thể mang vi khuẩn và gen kháng thuốc khiến con người không thể điều trị được nếu bị nhiễm trùng”.
Sơn Vinh