Từ Elle Show nghĩ về thời trang bền vững

11/12/2017 - 08:14

PNO - Nhiều người vẫn nghĩ về thời trang như một sự phù phiếm và tốn kém, khi liên tục có nhiều buổi diễn, nhiều bộ sưu tập ra mắt, nhiều xu hướng, trào lưu đến rồi đi; nhiều ngôi sao ra rả nói về phong cách về cá tính...

Cuối tuần rồi tôi có dịp đi xem Elle Fashion journey với chủ đề "Thời trang bền vững" - một khái niệm hoàn toàn mới mẻ ở Việt Nam. Đó là Phiêu của Vũ Thảo giới thiệu chất liệu thủ công của bốn nhóm người dân tộc vùng núi phía Bắc. Là Prey Nokor của Trương Thanh Hải làm từ linen kết hợp kỹ thuật macrame, crotchet, thêu tay… Là Vũ Tá Linh với Sự tưởng tượng làm từ vải cũ, quần áo cũ và Võ Công Khanh với Giấc mơ của Lily qua việc tái chế jean.

Tu Elle Show nghi ve thoi trang ben vung

Trong bốn bộ thì chỉ duy nhất nhà thiết kế Vũ Thảo xứng đáng là người tiên phong của dòng thời trang bền vững, với tư duy và cách làm thời trang vô cùng độc lập và khác biệt.

Gần như chưa nhà thiết kế nào ở Việt Nam sở hữu một quy trình khép kín mang tính chất hữu cơ như chị, từ việc tạo ra chất liệu (bông và lanh được bao tiêu) đến công đoạn dệt, nhuộm và thiết kế ra thành phẩm.

Được biết hiện nay khoảng 70% khách hàng của Vũ Thảo là người nước ngoài. Con số này phản ánh đúng về chân dung của người tiêu dùng Việt Nam vốn đã và vẫn đang lựa chọn trang phục dựa trên hoa văn và màu sắc. Tôi cũng đang sở hữu một vài sản phẩm của chị. Một chiếc đầm có mức giá tầm 6 triệu đồng, không rẻ, nhưng mặc được hai mặt, mặc hằng ngày, đi làm hay đi tiệc đều có thể được.

Điều thuyết phục tôi nhất là tính thời trang lâu bền, tôi nghĩ với 6 triệu đồng, tôi có thể mặc được bộ trang phục trong vòng ít nhất ba năm mà không lỗi mốt, chất lượng may lại rất kỹ. Tính ra chi phí ban đầu tuy cao nhưng hiệu quả sử dụng lại rất tương xứng.

Nhiều người vẫn nghĩ về thời trang như một sự phù phiếm và tốn kém, khi liên tục có nhiều buổi diễn, nhiều bộ sưu tập ra mắt, nhiều xu hướng, trào lưu đến rồi đi; nhiều ngôi sao ra rả nói về phong cách về cá tính...

Ở góc độ túi tiền của người tiêu dùng, nhiều người đều thấy “chúng ta không thuộc về nhau” hoặc mệt mỏi với việc chạy theo mốt. Ở góc độ môi trường, hàng trăm hàng triệu tấn rác thải bị vứt vào không gian sống vì sự lãng phí tiêu dùng, mà quần áo thời trang là một “thủ phạm” lớn bởi số lượng tiêu thụ khủng khiếp trên toàn cầu. Tuy vậy, mấy ai quan tâm đến việc môi trường của mình bị ảnh hưởng thế nào từ việc mua sắm của chính cá nhân mình.  

Cũng trong show này, các thiết kế của Vũ Tá Linh - một tài năng mới trên làng mốt Việt - lại có tính ứng dụng thấp nhất. Trừu tượng và khó hiểu, như chính lời anh nói. Vậy chúng tôi, người dùng, bỏ tiền ra chỉ để mua về sự tưởng tượng? Không, hãy thực tế hơn! Võ Công Khanh chưa bao giờ sáng tạo mệt mỏi, nhưng với những thiết kế độc bản tương ứng giá cả không thể thấp (từ 20 - 30 triệu đồng), làm sao nhiều người có thể mặc?

Trương Thanh Hải, người tỉnh táo nhất, cân bằng tốt nhất giữa ý tưởng và độ ứng dụng, tiếc thay lại chưa có nhãn hiệu riêng cho mình về dòng thời trang đời thường.

Thời trang Việt Nam, đã đến lúc... bình tĩnh, quên đi những câu từ sáo rỗng hay những hình ảnh hào nhoáng bề ngoài mà ánh đèn sân khấu phủ lên long lanh. Để thời trang gần gũi và ai ai cũng dùng được, hãy tư duy xa hơn nếu muốn hạn chế sự bành trướng của thời trang nhanh giá rẻ và bảo vệ chính không gian mình đang sống.

Và điều quan trọng nhất để thời trang bền vững có đất sống, chính người tiêu dùng cần hiểu rõ mình muốn gì và lựa chọn giá trị nào, khi đó thời trang mới đúng là phù hợp, không cần giảng giải, hay bị chi phối bởi quảng cáo. 

Tu Elle Show nghi ve thoi trang ben vung

Lê Thu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI