Tư duy “đóng đinh” khi thiết kế thời khoá biểu đã không còn phù hợp

24/09/2023 - 14:14

PNO - Tư duy “đóng đinh” thiết kế thời khoá biểu 2 buổi/ngày “cứng” về số tiết học môn văn hóa không phù hợp với đổi mới giáo dục.

Đổi mới chương trình từ đổi mới thời khoá biểu

Cô Nguyễn Thị Hoàng Giang- giáo viên toán, Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức) cho biết, Chương trình GDPT 2018 đã giảm tải về mặt kiến thức rất nhiều cho học sinh. Đối với từng bài học không đòi hỏi mức độ kiến thức ở tất cả học sinh đều như nhau mà tuỳ theo năng lực học sinh sẽ có những “thang” tiếp cận kiến thức khác nhau. Không chỉ thế, các cột điểm về kiểm tra đánh giá so với chương trình cũ thì hiện nay cũng đã giảm rất nhiều. 

“Khác với chương trình cũ thiên về truyền tải kiến thức, chương trình mới lại chú trọng trang bị cho học sinh kỹ năng chứ không quá đặt nặng về kiến thức. Như vậy, để có giờ học nhẹ nhàng thì chính giáo viên sẽ là người quyết định. Nếu giáo viên không áp lực về mặt kiến thức với tất cả đối tượng học sinh thì học sinh sẽ học với tâm thế nhẹ nhàng, thoải mái. Khi cởi bỏ được tâm thế này từ chính giáo viên thì sẽ tác động đến việc thiết kế thời khoá biểu của nhà trường một cách nhẹ nhàng”- cô Hoàng Giang chia sẻ. 

Đổi mới chương trình, đổi mới tư duy qua đổi mới thời khoá biểu
Đổi mới chương trình, đổi mới tư duy qua đổi mới thời khoá biểu

Việc tổ chức giảng dạy 2 buổi/ngày được Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) thiết kế sáng 5 tiết, chiều 3 tiết vào các ngày thứ 2, 4, 6. Riêng thứ 7 học sinh sẽ học 5 tiết vào buổi sáng. Buổi chiều các ngày còn lại học sinh sẽ sinh hoạt trong các câu lạc bộ học thuật, kỹ năng, trí tuệ nhân tạo…

Thầy Huỳnh Thanh Phú- Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân cho biết, việc thiết kế thời khoá biểu 2 buổi/ngày được trường tổ chức theo hướng tối ưu hoá các hoạt động trải nghiệm, rèn luyện cho học sinh ở buổi 2. Vào các tiết buổi 2, học sinh sẽ được bổ trợ tăng cường thêm các kỹ năng về tin học, tiếng Anh, võ Vovinam, Yoga, kỹ năng sống, đọc sách, thủ công mỹ nghệ… Mục tiêu là để hài hoà về mặt kiến thức và phát triển kỹ năng, thể chất, học sinh học thông qua chính các trải nghiệm kỹ năng, từ đó giảm tải những áp lực học tập của học sinh ở các môn văn hoá… 

Học sinh cần phải có nhiều trải nghiệm kỹ năng hơn khi đến trường
Học sinh cần phải có nhiều trải nghiệm kỹ năng hơn khi đến trường học 

“Không phải đối tượng học sinh nhà trường có năng lực tốt rồi nên trường mới có thể giảm tải việc dạy các bộ môn văn hoá ở buổi 2. Mục tiêu của dạy học 2 buổi/ngày đã nêu rất rõ ràng hướng tới giáo dục toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục; đáp ứng nhu cầu của gia đình và xã hội trong việc quản lý, giáo dục học sinh”- thầy Huỳnh Thanh Phú phân tích.

Ông cho rằng, trong đổi mới giáo dục hiện nay, việc giảm áp lực học tập cho học sinh không chỉ là thay đổi về phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá mà quan trọng không kém đó còn là thời khoá biểu phải được thiết kế một cách khoa học, hài hòa, cân đối giữa các bộ môn văn hóa, kỹ năng…

Không đặt nặng môn văn hóa khi thiết kế thời khoá biểu 2 buổi

Hiệu trưởng một trường THPT ở TP Thủ Đức kể, bản thân “choáng” khi xem thời khoá biểu ở nhiều trường bởi quá nặng nề, lê thê, “ken đặc” các môn văn hoá trong khi lại thiếu thốn các hoạt động kỹ năng, rèn luyện cho học sinh. Có trường tăng thậm chí đến 10-12 tiết/tuần ở một số môn văn hoá vì đánh giá học sinh mình yếu nên cần phải tăng tiết thật nhiều… 

Thầy Phạm Thanh Nam - Hiệu trưởng Trường THPT Nam Sài Gòn (quận 7) đánh giá, Chương trình GDPT 2018 ở bậc trung học thì số tiết gần như tương đương với Chương trình GDPT 2006, song lại trao quyền chủ động cho trường trong sắp xếp, tổ chức kế hoạch giảng dạy, không cứng nhắc theo tiết, theo bài. Điều này cũng đồng nghĩa với các trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày sẽ thuận lợi hơn để tổ chức các hoạt động giáo dục hướng đến phát huy phẩm chất, năng lực học sinh.

Trường học cần trả việc dạy học 2 buổi/ngày về đúng mục tiêu
Trường học cần "trả" việc dạy học 2 buổi/ngày về đúng mục tiêu

Tuy nhiên, theo thầy nếu chúng ta cứ “nói khơi khơi” là phát triển phẩm chất, năng lực học sinh mà không có thực hiện trên nội dung cụ thể nào, phương pháp tổ chức dạy học như thế nào thì không thể nào đáp ứng mục tiêu đó.

Để thực hiện đúng mục tiêu Chương trình GDPT 2018 thì nhà trường, giáo viên phải cởi bỏ được tư duy đặt nặng về kiến thức, từ việc cởi bỏ tư duy ngay trong thiết kế thời khoá biểu 2 buổi/ngày không quá căng thẳng về các môn học văn hóa. Bởi chính môi trường tổ chức dạy học, phương pháp tổ chức dạy hoc sẽ tác động đến việc hình thành phẩm chất, năng lực học sinh…

“Như vậy tức là phải thực sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tư duy. Kiến thức chỉ là cái nền để giáo viên, nhà trường phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Quan điểm của tôi ở trường và thống nhất với phụ huynh là sẽ không dạy nặng nề về kiến thức. Học sinh cũng không nặng nề những danh hiệu học sinh giỏi mà quan trọng là các em học tập một cách tự tin theo năng lực bản thân, mạnh dạn thể hiện sở thích của mình thì các em sẽ đều có thế mạnh ở một nội dung, khía cạnh nào đó”- thầy Nam nói thêm. 

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI