Tư duy “cách ly”

06/04/2020 - 06:49

PNO - Cách ly là nguyên tắc đầu tiên và cũng là nguyên tắc sống còn trong phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Lẽ nào, trong cuộc chiến sinh tử này, vẫn còn có khoảng cách - “cách ly” trong tư duy ứng phó.

Ngày 5/4, Hải Phòng đã quyết định cách ly y tế tập trung đối với tất cả người dân đến từ vùng dịch, họ phải tự trả chi phí cách ly. Trước đó, ngày 1/4, Quảng Nam đã có quyết định tương tự; ngày 3/4, Đà Nẵng cũng chính thức thu phí cách ly đối với công dân đến từ Hà Nội và TPHCM. 

Xin nhắc lại: vùng có dịch hiện nay được xác định là từ Hà Nội và TPHCM. 

Cơ sở của quyết định nói trên, được lãnh đạo ba địa phương lý giải là từ Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống COVID-19, có hiệu lực từ ngày 1/4. Theo đó, những người từ vùng dịch di chuyển đến địa phương khác mà không có lý do như trong quy định là đã vi phạm. Do họ vi phạm và nằm ngoài kế hoạch đã được phê duyệt của tỉnh nên không thể lo cho họ toàn bộ các khoản chi phí tại nơi cách ly như những trường hợp bình thường khác được - lý giải của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam. 

TPHCM bắt đầu lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 với các chuyến bay trong nước tại sân bay Tân Sơn Nhất từ ngày 4/4/2020
TPHCM bắt đầu lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 với những hành khách trên các chuyến bay trong nước tại sân bay Tân Sơn Nhất từ ngày 4/4/2020

Tôi thử liếc qua bảng cập nhật tình hình dịch bệnh COVID-19 tại TPHCM ở ba điểm mốc tương ứng với ba ngày ra quyết định “thu phí cách ly” của ba địa phương trên. Ngày 1/4, tổng số đang được cách ly tại khu cách ly tập trung của TPHCM là 8.685 trường hợp, cách ly tại nhà và nơi lưu trú là 6.080. Ngày 3/4, cách ly tập trung: 8.035, cách ly tại nhà: 6.372. Ngày 5/4, cách ly tập trung: 5.721, cách ly tại nhà: 6.768. 

Đó là chưa kể tổng số trường hợp tiếp xúc với các ca bệnh mới và đang được theo dõi đều trên 5.500 trường hợp. 

Càng không kể đến hàng trăm, hàng triệu người nghèo, người tạm mất thu nhập do ngừng việc, trong đó có đối tượng bán vé số dạo, người lang thang, cơ nhỡ (hầu hết là người nhập cư) được trang trải chi phí sinh hoạt tối thiểu, được thu xếp nơi ở, có kiểm soát dịch tễ, kiểm tra y tế. 

Dĩ nhiên, thành phố miễn phí toàn bộ chi phí cách ly, bao gồm chi phí ăn ở, sinh hoạt. 

Hẳn nhiên, trong con số hàng ngàn trường hợp tiếp xúc, theo dõi và cách ly ấy, đâu chỉ mỗi công dân thành phố này. Họ vốn là công dân của nhiều tỉnh thành bạn, họ trở về quê hương khi dịch bệnh lây lan toàn cầu, nhưng một khi họ đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất là lập tức được kiểm tra và đưa thẳng về các khu cách ly, chăm sóc, điều trị. 

Họ mang “tế bào” Việt Nam trong một bọc Đồng - Bào Bách Việt. Họ chưa bao giờ bị phân biệt, lại càng không phải chịu bất cứ khoản phí nào, kể cả trước hay sau thời điểm 1/4. 

1/4 là thời điểm vàng để cấp bách chống dịch, trong đó bản chất của “cách ly xã hội” là giãn cách xã hội, là “giữ khoảng cách giữa người với người, giữa cộng đồng với cộng đồng, không phải ngăn cấm giao thông, không phải “ngăn sông, cấm chợ” - phát biểu ngày 2/4 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. 

Nhìn những “khuôn mặt đường phố” vắng lặng, không một bóng người tại hai vùng có dịch là Hà Nội và TPHCM, để thấy ý thức chấp hành Chỉ thị 16 cũng như trách nhiệm vì cộng đồng của công dân hai thành phố này. Hơn nữa, kể cả sau khi hoàn tất thời hạn cách ly, việc theo dõi và kiểm tra sức khỏe y tế vẫn được tiến hành đối với hậu cách ly, trong công tác dịch tễ tại hai vùng có dịch. 

Vì lẽ đó, trong sự lây lan bất khả kháng, nếu có, nếu phải chia sẻ phần nào gánh nặng mà hai thành phố “có dịch” đã phải gồng gánh trong suốt 2-3 tháng qua là điều cần thiết, hơn là áp dụng chỉ thị, ban hành công văn, căng ra từng khoản chi phí nào ăn, nào ở… để đối trị cho địa phương mình, còn nhìn ngược lại phía “có dịch”, ai sẽ gánh thay, chịu giúp cho họ? 

Từ ngày 29/1, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 219 bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007. Theo đó, tại Điều 48, những người mắc bệnh dịch thuộc nhóm A được khám và điều trị miễn phí. 

Cách ly là nguyên tắc đầu tiên và cũng là nguyên tắc sống còn trong phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Lẽ nào, trong cuộc chiến sinh tử này, vẫn còn có khoảng cách - “cách ly” trong tư duy ứng phó. 

Ngày 3/4, nghĩa là hai ngày sau khi ký ban hành Chỉ thị 16, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh tại cuộc họp Thường trực Chính phủ rằng “tình nghĩa đồng bào sâu nặng, thủy chung khi đất nước lâm nguy, đại dịch xảy ra” qua những tấm lòng nhân ái từ Bắc chí Nam khiến ông rất ấn tượng, cảm động. 

Nghĩa đồng bào, chẳng có “kế hoạch” nào dự phóng, càng không có “ngân sách” nào đủ sức phê duyệt. Nhưng chính nó là kháng thể mạnh mẽ nhất để đất nước, mà cụ thể là hai thành phố “có dịch” - Hà Nội và TPHCM gánh vác trọng trách cửa ngõ - phòng tuyến mà cũng là tiền tuyến lẫn hậu phương cho cuộc chiến sinh tồn này. 

Ái Mỹ

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • Thi pham 06-04-2020 18:14:51

    Giúp người thời điểm này là đều ai cũng cần,nhưng trong cuộc chiến sinh tử này thì cần phải có người đứng đầu có tư duy lạnh,ko nhượng bộ ko do dự vì do dự cực kỳ nguy hiểm trong lúc này ,họ không kì thị , ko tính toán mà vì họ đang cùng chính phủ dùng biện pháp mạnh nhất để hạn chế đi lại ,tỉnh nào ở yên tỉnh đó ,nơi nào ở yên nơi đó 14 ngày thôi, tại sao ko vì nhau trong lúc này mà tìm cách ly gián đưa ra ý kiến tiêu cực làm khó người đang đứng mũi chịu sào vì toàn dân mình , chính phủ hay lãnh đạo Tỉnh đều đang rất rất nổ lực hết sức có thể ...để người dân bình yên nên hãy yên tâm đừng vì tầm nhìn nhỏ mà để mất mác quá lớn

  • Huỳnh tấn Phong 06-04-2020 13:22:24

    Tôi hoàn toàn đồng yếu với bài viết “tư duy cách ly”
    Tp HcM cưu mang biết bao nhiêu hoàn cảnh cuộc đời của hàng triệu con người từ khắp các tỉnh thành trong cả nước ,qua nhiều tháng năm ...Tại sao lãnh đạo các tỉnh lại cư xữ nhỏ nhen ,thiếu tình đồng bào như thế,đề nghị chính phủ cần chấn chỉnh cấp bách loại tư duy này!

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI